Xây đô thị cho nông dân
Các Website khác - 02/10/2005
Chặng cuối của cuộc di dân lớn nhất thế kỷ ở Đồng bằng sông Cửu Long
Xây đô thị cho nông dân

Trong số các vùng đồng bằng của nước ta, Đồng bằng sông Cửu Long có những ưu đãi đặc biệt về điều kiện tự nhiên. Nhưng trên vùng đồng bằng được khai phá muộn mằn ấy, phương thức canh tác và tập quán sống của cư dân lạc hậu hơn các vùng đồng bằng khác - mà biểu hiện rõ nhất là sự cư trú phân tán. ở rải rác trên những bờ kênh, trên các cù lao..., lối quần cư này khiến các cư dân vùng lũ luôn bị chia cắt trong suốt 6 tháng mùa mưa hàng năm và chịu nhiều rủi ro.

"Tiểu đô thị" Bình Châu (Đồng Tháp
Mười - Long An) trong mùa lũ.
Muốn nâng cao chất lượng sống cho nông dân (có điện, nước sạch, trường học, bệnh xá...) dân phải sống tập trung và chính quyền, các doanh nhân cùng họ tạo ra các nghề mới (ngoài nghề nông). Tức là hình thành những đô thị, tiểu đô thị trên vùng đất này (đưa số dân các đô thị hiện có từ gần 3 triệu lên 9,7 triệu người theo dự báo đến 2020). Cuộc di dân đó không quá khó, bởi đã được tiến hành từ lâu với 744 cụm, tuyến dân cư và đã có những thành công không ngờ.

Ghi chép của Lê Thanh Nguyên
Ban đầu chỉ là ý tưởng tạo nên những quần thể dân cư chung sống hoà bình với 8 tỉnh vùng lũ của ĐBSCL. Nhưng khi nhà nước đầu tư xây dựng 744 cụm, tuyến dân cư (CTDC), dời chuyển hàng trăm nghìn hộ nông dân có đến 1/2 đời người sống ngụp lặn trong nước lũ(*) về đó sinh sống, thì một số nơi bắt đầu hình thành các "tiểu đô thị" với sự thay đổi trong cơ cấu sản xuất và nếp sống cư dân...
uy chưa hội đủ các yếu tố cần có của một đô thị (ĐT) truyền thống, nhưng các CTDC này sẽ là tiền đề đẩy nhanh tốc độ ĐT hóa nông thôn: Xây dựng "ĐT nông nghiệp" (agrocity) và chuyển thành "ĐT sinh thái" (ecocity)...


Xây cất, mở rộng trường học trên
tuyến dân cư Tân Cung Sính (Tam
Nông - Đồng Tháp).
"Sơn Tinh" thế kỷ 20
Có lẽ không phải là quá lời khi chọn hình tượng Sơn Tinh để mô tả "chiến tích" của các địa phương mở đầu công cuộc trị thuỷ trên cái nền lũ tồn tại hàng thế kỷ ở đầu nguồn Cửu Long Giang. Huyện Chợ Mới (An Giang) và cụm dân cư Bình Châu A (ấp Bình Châu, xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, Long An) là hai địa phương lao ra hoạch định thế trận sống chung với lũ sớm nhất, ngay từ khi các phương án tầm vĩ mô còn loay hoay trên bàn giấy.

Sau trận lũ năm 1996, huyện Chợ Mới nhanh chóng triển khai chương trình xây dựng hệ thống đê bao kiểm soát lũ trên toàn huyện, nguồn vốn đầu tư lên đến 150 tỉ đồng do Nhà nước và người dân cùng gánh vác. Khi công trình đê - điện - đường hoàn thành, tổng sản phẩm xã hội tăng lên mức 1.800 tỉ đồng/năm (trước đó chỉ là 1.064 tỉ đồng).

Dự tính ban đầu chỉ tạo một tuyến dân cư an toàn và mở thêm diện tích lúa vụ 3, nhưng khi hệ thống đê bao phát huy được hiệu quả, ngoài cây lúa, cư dân trên các "tiểu ĐT" của huyện có thêm nghề vỗ béo bò, xưởng đóng tàu, nhà máy chế biến thực phẩm... và hàng loạt hoạt động dịch vụ "bám theo". Vậy là nơi đây - một khu vực dân cư bình quân đầu người chỉ có 600m2 đất sản xuất, nhưng thu nhập lại vượt ngưỡng 7 triệu đồng/người/năm.

Đồng Tháp Mười mùa lũ.
Trưởng ấp Bình Châu Phan Hồng Tạo sốt sắng chống xuồng đưa tôi ra giữa ngã tư sông Vàm Cỏ Tây và kinh 28 để mục kích quang cảnh nơi bến chợ. Dưới sông, ghe, tàu chở cá đậu san sát nhau chờ chuyển hàng lên xe tải về thị xã kịp phiên chợ sớm ngày mai. " Vợ tui bán cá từ cái thời chợ Bình Châu này mới lập. Không chỉ có cá, mà còn rau cải, cây trái... ở miệt Cai Lậy, Cái Bè (Tiền Giang), Hồng Ngự, Tân Hồng (Đồng Tháp) chuyển về đây để đưa ra Mộc Hóa, thị xã Tân An. Dưới sông là ngã tư, trên bờ cặp tỉnh lộ, cụm dân cư này sung là nhờ vậy..." - Trưởng ấp Phan Hồng Tạo nói, vẻ đầy thoả nguyện.

Ông Tô Văn Đực - Bí thư xã uỷ Tuyên Bình - cho biết: Cụm dân cư Bình Châu A năm 1997 xây dựng xong chỉ có 70 hộ về lập nghiệp . Nơi đây trước là bờ đập, đến mùa lũ, dân cư kéo về trú ngụ sau đó đề nghị xây dựng cụm dân cư. Vốn đầu tư là của dân hết, Nhà nước chỉ hỗ trợ về chủ trương và tác động tới sự phát triển. Xã đang xây dựng thêm 2 cụm dân cư nữa là Bình Châu B và Rạch Mây từ mô hình cụm dân cư Bình Châu A. Nghĩa là, cụm dân cư - hay "tiểu ĐT" phải gắn với việc tạo thêm ngành nghề mới cho cư dân từ hoạt động thương mại dịch vụ đến tiểu thủ công nghiệp... Còn nếu chỉ để ở thì người dân sẽ không bao giờ bỏ tập quán liền canh, liền cư.

Đô thị sống với lũ
Huyện Tân Châu (An Giang) khởi động chương trình mục tiêu sống chung với lũ theo hai hướng: Sắp xếp, ổn định dân cư và tiến hành ĐT hoá. ông Sáu Thạnh - Phó Bí thư Huyện uỷ - khẳng định: Phần lớn các cụm, tuyến đều nằm dọc theo bờ đê kinh 7 xã, đầu trên giáp với tỉnh Cần Đan - Campuchia, đoạn giữa là thị trấn Tân Châu - trung tâm kinh tế hành chính của huyện, đầu cuối giáp với cửa sông Hậu... Tất cả phác lên được lộ trình ĐT hoá trên toàn huyện: Đô thị trung tâm gắn kết được với các ĐT vệ tinh. Đã có 3.100 hộ/5.000 hộ trong vùng ngập lũ được dời chuyển về "tiểu ĐT" Tân Châu sẽ cố gắng hoàn tất việc ổn định chỗ ở cho số cư dân còn lại vào cuối năm nay.

Một cửa hiệu bách hoá của khu chợ
Tân Hội Trung - Cao Lãnh -
Đồng Tháp.
Ông Lê Minh Châu - GĐ Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp - cho rằng những "tiểu ĐT" ở vùng ngập lũ ĐBSCL là mô hình "độc nhất vô nhị" so với hình thái ĐT nông thôn ở các quốc gia trên thế giới. Theo kế hoạch, toàn tỉnh Đồng Tháp sẽ thi công 205 cụm, tuyến với 45.000 nền nhà, trong đó có 10.000 nền nhà sinh lợi (bán ngoài đối tượng với giá cao). Hiện nay, đã hoàn thành được 181 cụm, tuyến. Bố trí dân vào ở trên 171 cụm, tuyến với 35.578 hộ (79%) đối tượng chính sách và 25.895 hộ trên nền sinh lợi (57%). Thời gian đầu, Đồng Tháp cũng gặp khó về vốn. Nguồn vốn chủ yếu để xây dựng cơ sở hạ tầng là khoản thu từ nguồn bán nền sinh lợi, nhưng nếu không có cơ sở hạ tầng thì không thể tạo được nền sinh lợi. Lãnh đạo địa phương đã mạnh dạn vay vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển, ứng ngân sách địa phương, nên đã đẩy nhanh được tốc độ thu hút dân ngoài vùng lũ về định cư.

Cái chung mà tôi tìm thấy ở những CTDC của hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp trong chuyến tiếp cận thực tế này: Việc quy hoạch được tính toán sao cho phát huy tối đa thế mạnh của từng quần thể dân cư. Các cụm, tuyến được bố trí ở từng giao điểm theo cấu trúc sông - đường - phố - chợ, trong đó vai trò của chợ được xem là điểm chốt tạo sức sống cho dân cư: dịch vụ, thương mại, tiểu thủ công nghiệp phát triển, giá trị lô, nền nhà được nâng lên, có khoản thu trang trải xây dựng cơ sở hạ tầng. Còn tuyến dân cư được xây dựng trên mặt đê, phía trước là hai trục giao thông thuỷ - bộ song song, phía sau là khu vực sản xuất an toàn trong mùa lũ, thuận lợi cho chuyển dịch cơ cấu sản xuất của người dân.

Còn ở Long An, địa phương có mô hình cụm dân cư sớm nhất vùng lũ ĐBSCL lại chỉ mới hoàn thành hạ tầng kỹ thuật được 23 cụm tuyến/184 cụm tuyến. Theo quan niệm của lãnh đạo địa phương, cụm tuyến dân cư là những điểm dân cư văn minh, hạt nhân của nông thôn mới, nên xây dựng nhà phải đàng hoàng để ở cả đời, có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh mới đưa dân vào ở. Do không có kinh phí xây dựng nên Long An sẽ kéo dài 5 năm nữa hoặc hơn. Vâng, về mặt lý thuyết đó là mong muốn "hoàn mỹ". Nhưng thực tế, tại khu dân cư Tân Đông, huyện Thạnh Hoá, cơ sở hạ tầng gần như hoàn chỉnh, song dân cư vẫn thưa thớt, những ngôi nhà trơ gạch luôn đóng cửa im ỉm.

Tôi lân la hỏi thăm được biết, chủ nhân của những ngôi nhà mới này phần lớn là đối tượng nghèo, thường xuyên đóng cửa nhà đi làm thuê nơi khác vì tại chỗ không có nhu cầu thuê mướn lao động... Không gian đìu hiu ở cụm Tân Đông tuy chưa phải là đại diện, nhưng cũng góp phần làm rõ thêm thực tế: Sức sống của "tiểu ĐT" là sức sống của cư dân trên mảnh đất ấy. Không tạo được sức sống cho CTDC thì khó đẩy nhanh tiến trình ĐT hoá nông thôn. Có phải vì vậy, trong cuộc di dân lớn nhất thế kỷ này, Long An là địa phương "đi trước về sau"?

(*) Ở vùng lũ ĐBSCL, trung bình mỗi năm có 6 tháng ngập nước.

Theo cách tính của các nhà ĐT học thế giới, độ lớn về dân số để được coi là ĐT khoảng 2.000 - 2.500 người sống tập trung. ĐT tách khỏi nông thôn là một quá trình lâu dài xét về mặt kinh tế - xã hội. Lúc đầu, ĐT - nông thôn xen kẽ nhau, trong ĐT vẫn còn những người làm ruộng, vườn, chăn nuôi gia súc... ĐT vẫn bị chi phối bởi nông thôn. Về sau, với các sức mạnh kinh tế tăng lên, mức tập trung dân cư cao hơn - ĐT dần tách khỏi nông thôn (Lê Nin gọi là "ĐT lãnh đạo nông thôn"). Có thể nói quá trình ĐT hoá ở VN mới đang bắt đầu, các ĐT mang nhiều đặc điểm của nông thôn trên các mặt kinh tế (các huyện sản xuất nông nghiệp của thành phố...) và xã hội (lối sống, văn hoá...).