(VietNamNet) - Sau một thời gian dài bị bỏ quên, nghệ thuật kịch câm được "hâm nóng" trở lại qua lớp huấn luyện của Công ty sân khấu và nghệ thuật Thái Dương.
Khóa huấn luyện này được mở nhằm gây dựng dần trở lại môn kịch câm, trước hết bằng một đội ngũ cán bộ thành thạo chương trình cơ bản của bộ môn này. Được đào tạo miễn phí, khóa học thu hút hơn 20 học viên là cán bộ văn hóa đến từ các tỉnh thành phía Nam như Đồng Nai, Tiền Giang, Trà Vinh... và một số tỉnh thành miền Trung, Tây Nguyên.
Trình độ cơ bản của nghệ thuật kịch câm: Giải phóng hình thể các bước đi và các khớp tứ chi, các bước đi cơ bản từ mức 1 đến mức 3. Các động tác vô hình trong không gian, dẻo toàn thân, kéo dây, đẩy, khiêng nặng. Kiểu đi trong mơ, đi trong mưa. Giải phóng cơ mặt, các động tác ăn uống, buồn vui trên gương mặt. Sóng truyền trên cánh tay và toàn thân... |
Học viên sẽ được huấn luyện về nghệ thuật trình diễn kịch câm và tiếng nói sân khấu từ tổng quát đến những bài bản cụ thể. Trong thời gian ngắn chưa đến một tuần, họ phải hoàn thành các bước đi từ dễ đến phức tạp, các động tác đặc thù của nghệ thuật kịch câm.
Trong quá trình học, các học viên còn được tổ chức đi xem các vở kịch của sân khấu IDECAF, các chương trình biểu diễn dành cho thiếu nhi để học hỏi kinh nghiệm diễn xuất. Chị Xuân Trang, cán bộ Nhà thiếu nhi huyện Bình Chánh, TP.HCM, cho biết: "Chúng tôi tham gia lớp này nhằm để về đơn vị giảng dạy lại cho các em thiếu nhi, nhưng khi trực tiếp học mới thấy bộ môn kịch câm cũng rất thú vị và có ích cho mình. Nhất định tôi sẽ tham gia biểu diễn nếu có điều kiện".
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty sân khấu và nghệ thuật Thái Dương cho rằng: "TP.HCM có điều kiện tốt hơn các địa phương khác về nhiều mặt nên chúng tôi tổ chức cho anh chị em được làm quen với kịch câm để dần gầy dựng lại bộ môn này. Kịch câm đã từ lâu không còn được quan tâm, nếu không có hướng phát triển, tương lai sẽ chẳng còn ai đến với nó nữa".
Nghệ thuật kịch câm du nhập vào miền Nam trong thập niên 1970. Sau giải phóng, Nhà văn hóa Thanh Niên TP.HCM cũng có lớp dạy môn này nhưng sau đó lụi tàn dần. Không riêng gì ở Việt Nam, kịch câm cũng đang chững lại, thậm chí bị mai một tại nhiều nước châu Á, nguyên nhân chủ yếu là bộ môn này bị lấn sân bởi nhiều môn nghệ thuật khác hấp dẫn hơn.
VT
▪ Bốn kiểu chải tóc và trang điểm cô dâu (24/07/2004)
▪ Những điều chưa biết về dầu xả (13/10/2004)
▪ Quần lót cho nam giới (30/09/2004)
▪ Phái nam làm đẹp (28/09/2004)
▪ Trang điểm dạ tiệc (24/09/2004)
▪ Tư vấn tẩy trang (24/09/2004)
▪ Tám bí quyết trang điểm (22/09/2004)
▪ Triển lãm mỹ thuật thủ đô 2004 tràn ngập "chất" Hà Nội (09/10/2004)
▪ Mặc như thế nào để trở thành quý bà? (13/10/2004)
▪ 6 sự thật về họ cam, quýt đối với sức khỏe (13/10/2004)