Tiếp tục mở rộng vụ sản xuất thuốc tránh thai khẩn cấp giả, chiều 18/1, Công an Hà Nội đã bắt 5 người liên quan. Trong số này có Giám đốc các Công ty TNHH dịch vụ thương mại quảng cáo Hồng Tâm, in bao bì Minh Hạnh và Dược phẩm Anh Ngọc.
5 người bị bắt về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 157 Bộ luật hình sự). Họ gồm Quách Thị Lành (Giám đốc công ty TNHH dược phẩm Anh Ngọc, Cầu Giấy, Hà Nội); Phạm Anh Tuấn (Giám đốc công ty TNHH dịch vụ thương mại quảng cáo Hồng Tâm, phố Huế) cùng vợ là Phạm Thị Thanh Loan; Nguyễn Thành Đạo (Giám đốc công ty TNHH in bao bì Minh Hạnh) và Phạm Văn Bình (chủ xưởng gia công đóng hộp tại khu vực Yên Sở).
Từ việc bắt quả tang Phạm Anh Tuấn vận chuyển vỏ hộp in nhãn thuốc tránh thai giả hiệu Pistinor vào trưa 17/1, ngay trong đêm, Đội chống hàng giả Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an Hà Nội đã đồng loạt khám xét khẩn cấp nhà riêng, trụ sở công ty, xưởng sản xuất của 5 người trên. Ngoài 20.000 viên thuốc tránh thai giả đã thu, còn phát hiện thêm gần 3.000 ống thuốc giả nhãn hiệu Acetaphen do Thái Lan sản xuất có tác dụng giảm đau, hạ sốt, hơn 750 ống thuốc nhãn hiệu Neotil do Hàn Quốc sản xuất có tác dụng tăng đẩy ôxy lên não; gần 300 lọ Trozime do Ấn Độ sản xuất cùng một số loại thuốc chống phù nề, nhiễm trùng...
Theo lời khai ban đầu của Quách Thị Lành, ngày 15/1, Lành mua của một người đàn ông Trung Quốc 16.500 vỉ thuốc tránh thai cùng tờ hướng dẫn sử dụng, tem phụ (ghi nhà nhập khẩu là Công ty cổ phần y dược phẩm Việt Nam ở 126A Trần Quốc Thảo, quận 3, TP HCM). Sau khi nhận thuốc giả chuyển từ biên giới Lạng Sơn về, Lành thuê vợ chồng Tuấn - Loan chế bản nhãn mác. Các công việc in ấn, hoàn chỉnh thành phẩm được giao cho Nguyễn Thành Đạo (Giám đốc Công ty TNHH in bao bì Minh Hạnh) và Phạm Văn Bình (chủ xưởng gia công đóng hộp tại khu vực Yên Sở).
Trong tháng 7/2005, Lành đã mua 3.000 vỉ thuốc tránh thai giả và đã tiêu thụ hết ở Việt Nam. Ngoài ra, Lành còn dùng thuốc Cefuroxime của Ấn Độ về bóc nhãn và dán nhãn mác Cefuroxime của Đức, dùng ống nước cất do Công ty dược phẩm Vĩnh Phúc, thay tem thành thuốc Acetaphen do Thái Lan sản xuất; dùng nước cất của công ty dược phẩm Vĩnh Phúc thay tem thành Neotil của Hàn Quốc để lấy tiền chênh lệch.
Cơ quan điều tra xác định, tổng lượng thuốc giả thu giữ trong đường dây này khoảng 500 triệu đồng. Vụ việc tiếp tục được làm rõ.
Anh Thư
▪ Nhà máy Tấm gỗ nhân tạo Việt - Trung ngừng ngay sản xuất để bảo vệ môi trường (18/01/2006)
▪ Khó khăn trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ (18/01/2006)
▪ Cần thực hiện tốt những quy định về giấy phép lái xe (18/01/2006)
▪ Để luật Giao dịch điện tử không còn xa vời với người dân (18/01/2006)
▪ Bộ luật Thi hành án sẽ thống nhất quản lý việc thi hành các loại án (18/01/2006)
▪ Một số chế độ đối với cán bộ, công chức công tác nhiệm kỳ tại cơ quan Việt Nam ở nước ngoài (18/01/2006)
▪ Giao khoán rừng sản xuất là rừng tự nhiên (18/01/2006)
▪ Rượu trong vũ trường cũng là giả (18/01/2006)
▪ Nợ trên 2 tỷ, đầu nậu xe hơi bỏ trốn (18/01/2006)
▪ Khởi tố vụ sản xuất gần 4 tấn bột ngọt giả (18/01/2006)