Từ lừa đảo nuôi trồng thủy sản
Có đến hàng nghìn tờ rơi được Công ty Fanxifang gửi theo đường bưu điện về các huyện, xã vùng sâu vùng xa của 26 tỉnh, thành phố phía bắc, với nội dung: "Để bảo đảm quyền lợi cho người dân và sự phát triển đồng đều trong xã hội, Công ty cổ phần công nghệ Fanxifang quyết định thành lập dự án số 04/ĐT, nhằm hỗ trợ con giống và kỹ thuật thủy sản, gia cầm cho những hộ dân... Tổng số tiền đầu tư cho dự án là 7.165.000.000 đồng".
Theo cam kết trong Thư ngỏ, Công ty Fanxifang sẽ cử cán bộ kỹ thuật về phổ biến cho các hộ dân nắm bắt được công nghệ kỹ thuật nôi trồng thủy sản, gia cầm; hướng dẫn và cung cấp con giống đạt tiêu chuẩn; đặc biệt, mỗi hộ dân đăng ký nuôi trồng thủy sản, gia cầm sẽ được hỗ trợ 50% tài chính trên tổng số đầu tư, cũng như mức đầu tư không thu hồi lại mà để cho người dân tái đầu tư sản xuất.
Ngoài những lời hứa hỗ trợ chăn nuôi, Công ty Fanxifang còn dùng dự án này đi tuyển sinh, rồi đưa học viên các trường trung cấp ở các tỉnh, thành phố có chuyên ngành chăn nuôi - thủy sản để "hợp tác". Thủ đoạn lừa đảo của Công ty Fanxifang đã rõ ràng, bởi tuy rêu rao là giảm học phí cho học viên, nhưng Công ty Fanxifang luôn tìm cách thu những khoản "giời ơi đất hỡi" như tiền "quân phục", tiền giáo trình, tiền tham quan - dã ngoại. Và thường chỉ sau tối đa 3 tháng, Công ty Fanxifang sẽ tìm cách duỗi ra, phó mặc học viên cho các trường đào tạo. Gần 200 học viên theo học tại trường Lê Quý Đôn là một thí dụ.
Quay trở lại dự án thủy sản trị giá hơn 7 tỷ mà Hoàng Minh Thắng hay đi quảng cáo. Chưa một UB xã huyện, hay cơ sở giáo dục đối tác nào với Công ty Fanxifang được Thắng cho xem chi tiết bản dự án này. Tuy nhiên, ngày 20-2-2006, tại trụ sở Công ty Fanxifang tại đường Hoàng Quốc Việt, theo yêu cầu của các điều tra viên Công an huyện Gia Lâm, Thắng cũng đã xuất trình được một "tiểu dự án" chăn nuôi cá quả trong dự án hơn 7 tỷ đồng của mình.
"Tiểu dự án" đó được thực hiện ở thị trấn Rạng Đông, xã Nam Điền và xã Nghĩa Bình, đều thuộc tỉnh Nam Định. Nhưng thực chất của dự án này là gì? Trung tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV Công an huyện Gia Lâm cho biết: "Ngày 22-2, tổ công tác Công an huyện Gia Lâm đã lên đường về ba địa chỉ trên để xác minh. Về đến nơi, các điều tra viên đã bị người dân quây lại vì tưởng là người của Công ty Fanxifang về".
Theo xác minh, khoảng tháng 3-2005, Hoàng Minh Thắng có về ba xã, thị trấn này với danh nghĩa giám đốc Công ty Fanxifang, hùng hồn quảng bá màn dự án hơn 7,5 tỷ đồng, và nói là sẽ cung cấp cá quả giống giá rẻ, chất lượng cao cho bà con. Nghe hợp lý, rất đông hộ dân tham gia đào ao để nuôi cá quả. Thời gian đầu, người dân thấy một số người của Công ty Fanxifang đến ngắm nghía, lội cả xuống ao cá. Nhưng chưa được một tuần, tất cả rút hết. Một trong số những người này trước khi đi đã nói cho người dân biết, họ cũng được Thắng hứa hẹn về làm dự án ở đây với mức lương cao. Nhưng sau khi được đưa địa chỉ, mang gạo, muối về "cắm trại" một tuần không thấy có dấu hiệu của dự án, buộc phải bỏ về.
Thực tế, không có dự án hơn 7 tỷ đồng nào cả, mà đích thị Thắng là tay đi buôn cá bằng... nước bọt. Tháng 3-2005, Thắng mò về Viện Thủy sản ở Từ Sơn, Bắc Ninh, tìm gặp và đặt vấn đề với ông Nguyễn Văn Đối về thu mua cá quả giống. Sau khi gặp nhau, Thắng mời ông Đối về Hà Nội, đến thăm Công ty Fanxifang ở đường Hoàng Quốc Việt, với mục đích tạo sự tin cậy. Quả nhiên, ông Đối đã tin sái cổ vào cơ ngơi 7 tầng này và quyết định hợp tác. Thắng cho biết, sẽ mua 100.000 con cá quả giống trị giá khoảng 160 triệu đồng. Khi ông Đối đưa được cá giống từ miền nam ra, đã hẹn Thắng ra sân bay đón cá. Nhưng trên đường về, Thắng bảo phải có việc đi trước nên dặn ông Đối cứ đi về Phủ Lý sẽ có người đón. Đến nơi, Thắng lại liên hệ qua điện thoại bảo ông Đối đi về xã Nam Điền của tỉnh Nam Định. Lúc này trời đã tối, ông Đối không biết đường đi nước bước, đã lờ mờ chuyện không bình thường, nhưng vì cá đã mang ra Hà Nội, quay lại cũng không xong. Cực chẳng đã, đến rạng sáng hôm sau, ông Đối mới tìm về được xã Nam Điền. Đợt làm ăn này, cả tiền hàng và vận chuyển, ông Đối phải bỏ ra 60 triệu đồng.
Ngay khi được Thắng đưa đến mấy cái hồ thả cá, do Nam Điền là xã ven biển nên ông Đối đã nói với Thắng là nguy cơ cá chết sẽ cao, do cá quả không quen sống nước mặn, nước lợ. Nhưng Thắng vẫn mặc kệ. Được một tuần, ông Đối quay về Bắc Ninh. Nhưng liên tục cả tháng sau đó, khi sang Công ty Fanxifang tìm gặp Thắng đòi thanh toán tiền, ông Đối đều không gặp được vị giám đốc. Mãi rồi, Thắng mới đưa được cho ông Đối gần 30 triệu. Số tiền còn lại khoảng 27 triệu, cho đến tháng 9-2005, Thắng tuyên bố với ông Đối: "Không trả, muốn làm gì thì làm".
Đáng chú ý trong chuyến buôn cá này, ngoài khoản tiền gần 30 triệu đang nợ ông Đối; Thắng còn kiếm chác tiền của nhiều hộ dân ba xã Nam Điền, Nghĩa Bình và thị trấn Rạng Đông bằng cách mua cá giống loại 1.600 đồng/con nhưng đều bán với giá 3.200 đồng/con. Đặc biệt, như hứa hẹn ban đầu, nếu bà con nuôi cá bị chết, Thắng sẽ thu mua đúng bằng giá cá sống. Đã một lần ông Đối chuyển cho Thắng 10.000 con cá giống để bù cho bà con, nhưng số cá này đã bị Thắng đem sang địa phương khác bán được hơn 20 triệu đồng.
Lừa đảo trong tuyển sinh
Sau chiêu lừa đảo tại trường Trung học quản trị kinh doanh Lê Quý Đôn, Hoàng Minh Thắng chuyển hướng ra các tỉnh, thành phố, cũng với hình thức chiêu sinh và thu các khoản phí ngất trời. Theo các điều tra viên Công an huyện Gia Lâm, hiện Thắng đã đưa được hai lớp học chuyên ngành điện về học tại Hải Phòng (Tại trụ sở ngõ 106 đường Hoàng Quốc Việt, Hoàng Minh Thắng thành lập thêm Công ty cổ phần Điện Hà Nội và cũng bắt đầu chiêu tuyển học viên như ngành thủy sản). Ngày 28-2, Thắng về trường trung cấp nông nghiệp Thái Bình, trụ sở tại huyện Quỳnh Phụ, do nghe cán bộ của Công ty Fanxifang phản ánh, "lớp học 80 học viên ngành thủy sản đưa về đây từ ngày 10-2-2006, học viên bị đối tượng bên ngoài vào đe dọa cưỡng đoạt tài sản".
Qua xác minh, số học viên này cũng đã phải đóng các khoản tiền "quân phục", giáo trình cho Công ty Fanxifang. Tối 2-3, khi các điều tra viên Công an huyện Gia Lâm xuất hiện tại trường Trung cấp nông nghiệp Thái Bình, Thắng vẫn cố tỏ vẻ bình tĩnh, đòi gọi luật sư. Tuy nhiên, sau khi bị dẫn giải về Hà Nội, chứng kiến việc khám xét trụ sở công ty, cho đến 5 giờ sáng ngày 3-3, Hoàng Minh Thắng đã khai nhận hành vi lừa đảo của mình.
Đáng chú ý là theo tài liệu của Công an tỉnh Thái Bình, năm 2003, Hoàng Minh Thắng đã về huyện Hưng Hà, thành lập Công ty May Hương Giang và tuyển khoảng 60 lao động. Sau khi thu của mỗi người 400.000 đồng, Thắng mất tích. Tại Thái Bình, có ít nhất một UBND huyện đang là chủ nợ của Thắng, do "siêu lừa" này cũng trưng biển thành lập công ty, nhờ ứng trước tiền xây cơ sở hạ tầng, mua nguyên vật liệu, nhà xưởng, sau đó... bỏ trốn khỏi địa phương.
Hành vi lừa đảo của Hoàng Minh Thắng và Công ty Fanxifang sẽ bị xử lý trước pháp luật. Song điều quan trọng không kém, trước thủ đoạn lừa đảo giáo dục trên diện rộng của Công ty Fanxifang, đề nghị Bộ Giáo dục Đào tạo cần nhanh chóng có biện pháp phối hợp với cơ quan công an, nắm được các trường đã và đang có hợp đồng đào tạo với công ty này. Bởi chắc chắn, sau khi quyết định bắt khẩn cấp Hoàng Minh Thắng được thực hiện, chắc chắn sẽ có hàng trăm học viên ở nhiều tỉnh, thành phố theo học "dự án" của Công ty Fanxifang rơi vào cảnh khốn khó.
|