Tài nguyên bị hủy hoại trong việc khai thác vonfram trái phép ở Đác Nông
Các Website khác - 06/03/2006
Một hầm khai thác vonfram.
Từ ba tháng nay, hàng trăm người dân các tỉnh Lâm Đồng, Đác Lắc, Đác Nông và một số địa phương khác kéo vào rừng phòng hộ, thuộc tiểu khu 1738 do lâm trường Đác R'măng quản lý để khai thác trái phép vonfram. Điều đáng nói không chỉ là tài nguyên bị thất thoát, tệ nạn xã hội phát sinh mà còn ở chỗ, việc xử lý không nghiêm túc gây ra dư luận xấu.
Thả nổi cho người dân khai thác

Nơi bùng phát nạn khai thác khoáng sản trái phép là khu vực đồi Ka Ka, nằm sâu trong rừng Đác R'măng, thuộc địa giới hành chính của huyện Đác G'long, tỉnh Đác Nông. Từ thị xã Gia Nghĩa, chúng tôi phải vòng qua xã Phi Liêng, huyện Đam Rông (Lâm Đồng) và phải nhờ người dân bản địa dẫn đường xuyên rừng mới có thể vào được "đại công trường khai thác vonfram". Theo phản ánh của người dân Phi Liêng, cách đây hơn chục năm, người ta đã phát hiện đồi Ka Ka có vonfram. Nhưng vào thời điểm đó, việc tiêu thụ kim loại này còn khó khăn, giá bán thấp nên không ai để ý tới.

Chỉ từ tháng 12 năm 2005 trở lại đây, người dân đổ xô đi đào, đãi thứ kim loại quý hiếm này. Giá bán cũng tăng vùn vụt, mới đầu là 100 nghìn đồng/kg, nay lên đến 130 nghìn đồng/kg. Lượng người lên đồi Ka Ka tìm vận may cũng ngày một đông hơn, từ chỗ chỉ có vài trăm người Mông định cư gần đồi Ka Ka đi đào đãi vonfram thì nay có thêm hơn năm trăm người nữa đến từ các tỉnh Lâm Đồng, Đác Nông, Đác Lắc...

Sáng 2-3, khi chúng tôi có mặt ở đồi Ka Ka, ước chừng có tới gần nghìn người đang đào, đãi vonfram. Hai bên sườn đồi như một đại công trường, đông nghịt người và chi chít những hố ngang dọc. Cây rừng bị người ta đốn hạ ngổn ngang để lấy mặt bằng mở hầm. Lán trại được dựng ngay dưới chân đồi. Các nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống của dân đào, đãi vonfram được cung cấp tận nơi, chỉ có điều giá cao gần gấp hai lần so với ngoài Phi Liêng. Giàng Sô Năng, và những người hàng xóm ở thôn người Mông lên "bãi" ba ngày và đang ngồi tách vonfram ra khỏi đất đá để bán.

Giàng Sô Năng hồn nhiên kể chuyện khai thác vonfram: "Mình cùng ba người nữa đào ba ngày lấy được hơn 10 kg, bán được 1,1 triệu đồng, chia nhau mỗi người được gần 300 nghìn đồng. Từ trước Tết đến giờ bọn mình đi nhiều đợt rồi, gom vào mỗi người cũng được hơn 5 triệu đồng. Trong thôn mình, một vài người đào được hầm có nhiều vonfram kiếm được vài chục triệu đồng cơ đấy". Thôn người Mông, nằm trong rừng sâu thuộc địa giới hành chính xã Phi Liêng có hơn 40 hộ dân, thôn chỉ cách đồi Ka Ka chừng ba cây số, bây giờ cả thôn đóng cửa đi đào vonfram. Một vài người già, phụ nữ nuôi con thơ ở nhà thì làm việc trông giữ xe máy cho số người nơi khác đến tìm vonfram. Giá trông xe mỗi chiếc lên đến 10 nghìn đồng/ngày.

Trần Văn Tự mới 15 tuổi, người Bảo Lộc (Lâm Đồng) đang học lớp 8 cũng bỏ học để đi tìm vận may. Tự cùng 5 người họ hàng vào đây mua lại hầm người ta đã làm rồi với giá 400 nghìn đồng để làm tiếp. Bốn ngày làm việc ròng rã, nhóm của Tự mới gom được 7 kg vonfram, nếu trừ tiền mua hầm, tiền ăn uống, thì mỗi người còn chẳng được bao nhiêu. Tự bảo, đi đào vonfram cũng như đào, đãi vàng vậy, có người trúng lớn, nhưng có người đào mãi chẳng được gì.

Theo lời kể của "đám anh chị" ở bãi vonfram thì từ khi bắt đầu khai thác đến nay mới có vài nhóm trong một đêm đào được cả tấn vonfram để hốt hàng trăm triệu đồng. Những hầm trúng vào vỉa đá có nhiều vonfram, được chuyển nhượng từ chủ lò này cho chủ lò kia với giá vài chục triệu đồng.

Bên sườn Tây đồi Ka Ka, khoảng 4-5 ha rừng đã bị băm nát bởi những hố đào lấy vonfram. Có những hố ăn ngang vào vách núi gần 20 m; có hố lại ăn thẳng xuống hun hút như giếng khơi. Vào đến đây mỗi người một việc, thanh niên trai tráng dùng xà-beng để đào, dùng cuốc chim bới đất tìm những cục đá có bọc vonfram. Họ xúc từng xô đất đá lẫn vonfram từ lòng đất lên. Đám trẻ nhỏ, phụ nữ thì ngồi dùng búa đập những hòn đá để tách lấy vonfram. Dưới suối, từng nhóm người dùng những cái sảo hình chiếc nón, được làm bằng sắt, để đãi đất, đá. Nhiều phụ nữ Mông vừa địu con nhỏ vừa mải miết công việc tìm kiếm vonfram. Những người gom vonfram đi tiêu thụ cũng vào tận bãi chờ "ăn hàng".

Khu vực đồi Ka Ka ồn ào như chợ vỡ với những câu chuyện xoáy vào vonfram, sặc mùi tiền, mùi cờ bạc và ma túy. Thò A sáng và Thò A Hòa, người xã Rô Men, huyện Đam Rông dừng tay đào, trèo lên khỏi hầm kể cho chúng tôi nghe một phần mảng tối trong bãi vonfram: "Làm ở đây cũng nơm nớp lo sợ. Tối tối bọn đầu gấu mang mã tấu tới từng lán trại xin đểu, đòi chia một phần vonfram. Đã có nhiều vụ ẩu đả gây thương tích vì tranh giành hầm, vì mâu thuẫn do đánh bạc. Có những con bạc thuộc đàn anh chị từ Huế, Bắc Kạn cũng tìm vào bãi vonfram hành nghề". Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ ngày rộ lên việc khai thác vonfram, với số lượng người kéo đến đông còn mang theo những tệ nạn xã hội hết sức nhức nhối như cờ bạc, hút, chích ma túy và mại dâm.

Chúng tôi lấy làm lạ là tình trạng khai thác vonfram (kim loại hiếm dùng làm dây tóc bóng điện) trái phép xảy ra trên địa bàn huyện Đác G'long, tỉnh Đác Nông đã mấy tháng nay mà chính quyền từ huyện đến tỉnh chưa có động thái nào để ngăn chặn. Thậm chí còn để "thế lực ngầm" bao che, dung túng cho một tốp khoảng 30 thanh niên xưng là công nhân Công ty khai thác khoáng sản Thế Cường-Bắc Cạn có văn phòng tại Đác Nông vào bao chiếm vùng rừng khá rộng để khai thác vonfram. Số thanh niên này còn mang mặc đồ "rằn ri" giả danh quân đội, đuổi dân thường đi để giành hầm, dẫn tới những vụ ẩu đả gây thương tích.

Không ngăn chặn khai thác, chỉ thu giữ khoáng sản

Con đường độc đạo từ trung tâm xã Phi Liêng vào tới khu vực khai thác vonfram dài 30 cây số, khá hiểm trở với nhiều đèo dốc. Đấy là con đường duy nhất cho những người vào ra khai thác và vận chuyển vonfram. Từ khi bãi khai thác khoáng sản trên đồi Ka Ka hoạt động có vài chục người dân xã Phi Liêng vào bãi mua vonfram vận chuyển ra huyện Đức Trọng bán cho đại lý tiêu thụ kiếm lời 10-15 nghìn đồng/kg. Bình quân mỗi ngày có trên dưới một tấn vonfram được chuyển từ bãi ra Đức Trọng, sau đó xuất sang Trung Quốc.

Trong khi tỉnh Đác Nông không có biện pháp quản lý rừng, quản lý khoáng sản, để người dân vào khai thác tự do, thì chính quyền và các cơ quan chức năng huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng lại tổ chức bắt người vận chuyển, tịch thu vonfram vô tổ chức và thiếu minh bạch theo kiểu mạnh ai nấy làm. Mục đích của bắt giữ là thu vonfram chứ không phải để ngăn chặn nạn khai thác (!). Nếu để ngăn chặn khai thác, chỉ cần đặt một trạm gác trên con đường từ Phi Liêng vào đồi Ka Ka là quá đủ.

Những người tham gia vận chuyển, tiêu thụ vonfram cho biết, mới đầu lực lượng của Ban quản lý rừng Phi Liêng, sau đó là Công an huyện, Kiểm lâm huyện và Công an xã Phi Liêng tham gia bắt giữ và tịch thu vonfram. Khối lượng vonfram mà những lực lượng này thu giữ lên đến "vài tấn", có trị giá hàng trăm triệu đồng. Nhưng việc bắt giữ và xử lý lại thiếu minh bạch, dẫn tới tình trạng thắc mắc, khiếu kiện.

Việc bắt người và tịch thu vonfram ở Phi Liêng đã và đang nảy sinh nhiều khuất tất cần phải làm sáng tỏ. Đặc biệt, một khối lượng vonfram có giá trị hàng trăm triệu đồng mà các lực lượng thu giữ một cách mờ ám đã đưa về đâu cũng cần phải được làm rõ (?). Để giải quyết tận gốc nạn khai thác vonfram, điều cốt yếu là ở chỗ ngăn chặn lực lượng đi khai thác, chứ không phải là bắt bớ, thu giữ tùy tiện những người vận chuyển. Thả nổi cho vào khai thác, bắt giữ và tịch thu hàng của những người "không có máu mặt" chỉ là giải quyết nửa vời theo kiểu "đánh rắn giữa khúc". Làm như thế, không chỉ tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản bị thất thoát mà còn nảy sinh nhiều mâu thuẫn phức tạp.

Ông Đinh Xuân Lực, Phó chủ tịch UBND xã Phi Liêng trao đổi thẳng thắn: "Chung quanh việc bắt và tịch thu vonfram đã có nhiều đơn thư khiếu nại phản ánh của nhân dân, nêu nhiều vụ việc bức xúc". Thậm chí, việc cấm khai thác, cấm vận chuyển cũng như bắt giữ và tịch thu vonfram ra sao bản thân ông phó chủ tịch xã Phi Liêng cũng không hề hay biết thì làm sao người dân biết mà thực hiện? Thiết nghĩ, đã đến lúc chính quyền tỉnh Đác Nông và Lâm Đồng cùng nhau phối hợp, ra tay ngăn chặn nạn khai thác khoáng sản trái phép trong rừng phòng hộ Đác R'măng, nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên quý báu của quốc gia; đồng thời phải truy thu số lượng vonfram mà các lực lượng ở huyện Đam Rông thu giữ "mờ ám" về cho Nhà nước.

Theo Quân đội nhân dân