- Quy chế CKTC được sửa đổi và ban hành theo Quyết định 192/2004/QĐ-TTg năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ. Sau đó Bộ Tài chính đã ban hành 5 thông tư hướng dẫn thi hành. Có thể nói, Quy chế này bước đầu đã được các cơ quan Nhà nước triển khai, bảo đảo thực hiện công khai ngân sách của đơn vị mình đồng thời thực hiện việc kiểm tra, giám sát tình hình ngân sách của đơn vị cấp dưới. Hầu hết các Bộ, các cơ quan Trung ương và địa phương nghiêm túc thục hiện, được các cơ quan tổ chức đoàn thể và các tầng lớp nhân dân ủng hộ.
Thời gian vừa qua, bên cạnh việc công bố công khai ngân sách Nhà nước của Bộ trưởng Tài chính, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã thực hiện công khai dự toán ngân sách năm 2005 (32 tỉnh, thành phố thực hiện công khai đúng thời gian quy định), quyết toán ngân sách năm 2003 và một số tỉnh đã thực hiện công khai dự toán ngân sách năm 2006...
Tuy nhiên, điều đáng nói hiện nay là vẫn còn một số đơn vị chủ yếu rơi vào cấp xã và các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện chưa đầy đủ Quy chế này.
* Ngân sách xã liên quan trực tiếp đến người dân nông thôn. Vậy nhưng như ông vừa nói, việc thực hiện CKTC ở khu vực này lại chưa thực hiện đầy đủ?
- Điều này được giải thích bằng nhiều nguyên nhân. Theo tôi, trước hết là do nhận thức của chính quyền một số địa phương, huyện và xã vẫn còn yếu kém. Họ không ý thức hết được tầm quan trọng của việc công khai. Thứ nữa là, do người dân. Có những nơi công khai ngân sách xã nhưng người dân không quan tâm không biết mình có "quyền" được biết thông tin chung quanh việc chi tiêu ngân sách của chính quyền xã. Do đó mà quy chế này chưa phát huy được vai trò, mục đích ở cấp xã. Điều này cũng do việc tuyên truyền chung quanh Quy chế CKTC chưa được tốt, chưa thấu đáo đến người dân.
* Trong 6 lĩnh vực phải thực hiện CKTC, ít có lĩnh vực nào liên quan đến lợi ích sát sườn của người dân. Có phải vì thế mà sự quan tâm của họ cũng ít đi?
- Theo Quy chế công khai tài chính, những đối tượng phải công khai bao gồm: Ngân sách Nhà nước các cấp; Các đơn vị dự toán ngân sách Nhà nước; Công khai việc phân bổ và sử dụng vốn đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước; Các doanh nghiệp nhà nước; Các quỹ có nguồn từ ngân sách nhà nước; Các quỹ có nguồn thu từ các khoản đóng góp của nhân dân và cá nhân, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật.
Đúng là việc thực hiện công khai chưa bao quát hết những lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội có sử dụng nguồn tài chính ngân sách Nhà nước, nguồn đóng góp của nhân dân...; như vậy là liên quan trục tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người dân. Tuy nhiên, những quy định cụ thể đối với công khai trong tổ chức thục hiện còn chưa đầy đủ, cần sớm sửa đổi bổ sung, chẳng hạn như việc hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, hỗ trợ thực hiện chế độ xã hội, chế độ đối với người dân ở địa phương... Như tình trạng một số xã tại huyện Đông Anh vừa rồi báo chí có nêu khai khống số lượng gia cầm tiêu hủy để rút tiền ngân sách cũng một phần là do thực hiện chưa tốt CKTC. Nếu chúng ta thực hiện nghiêm túc việc công khai sẽ có sự giám sát lẫn nhau giữa các gia đình, các cơ quan Nhà nước và các đoàn thể, sẽ hạn chế những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra. Tới đây tôi nghĩ khi thực hiện sửa đổi Quy chế CKTC sẽ phải đưa thêm vào các nội dung cần CKTC như vừa nêu ở trên.
* Quy chế CKTC chưa được thực hiện đầy đủ không chỉ ở cấp xã mà ở cả các đơn vị sử dụng ngân sách khác nữa. Điều này có phải do chế tài của chúng ta chưa đủ mạnh, thưa ông?
- Quyết định số 192/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phú có nêu rõ: Tổ chức, đơn vị cá nhân, không thực hiện đúng quy định về CKTC thì tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Quy định như vậy thì cũng không thể nói là chưa đủ mạnh.
Theo tôi, vấn đề là chúng ta quy định chưa cụ thể về chế tài xử phạt. Khi không tổ chức thực hiện công khai mà để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng thì các cơ quan chức năng mới chỉ xử lý hậu quả của sự việc đó mà chưa xử lý trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc không thực hiện quy định công khai.
* Để việc thực hiện Quy chế CKTC được đầy đủ, đạt các mục đích đề ra, theo ông chúng ta phải làm gì?
- Trước hết cần đẩy mạnh việc tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa của quy chế này và để người dân yêu cầu các cấp chính quyền thực hiện một cách nghiêm túc. Cùng với đó là đẩy mạnh kiểm tra, đôn đốc, coi việc CKTC là nghĩa vụ bắt buộc của thủ trưởng chính quyền các cấp và thủ trưởng đơn vị.
Bên cạnh đó, cần sửa đổi và bổ sung một số nội dung để quy chế này ngày càng phù hợp, dễ đi vào cuộc sống hơn. Chẳng hạn như tôi vừa nói ở trên là cần bổ sung thêm một số đối tượng phải thực hiện CKTC như: nguồn ngân sách cấp cho các đối tượng chính sách, khắc phục hậu quả thiên tai; dịch bệnh;... công khai các khoản hỗ trợ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tài chính (mức hỗ trợ thưởng xuất khẩu, bù lỗ xăng dầu...).
Bên cạnh đó cần quy định rõ trách nhiệm cũng như quy trình thực hiện công khai, hình thức thực hiện công khai của các Bộ, cơ quan Trung tương, chính quyền và các tỉnh, huyện xã, các đơn vị sử dụng ngân sách trong việc tổ chức thực hiện CKTC; đồng thời quy định chế độ trách nhiệm quản lý các vi phạm về ngân sách. Mở rộng hình thức công khai, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin để bảo đảm dễ hiểu, dễ kiểm tra, thích hợp với từng loại đối tượng.
* Xin cảm ơn ông.
|