Bi kịch người bị giam oan 34 tháng về tội “hiếp dâm trẻ em”
Các Website khác - 26/09/2008

TP - Ngày 22/9, TANDTC tại TPHCM đã tuyên bị cáo Nguyễn Tấn Đại không phạm tội hiếp dâm trẻ em. Đây là vụ án đã qua bốn lần xét xử, và một thanh niên đã bị giam oan gần 3 năm.

Bà Điệp, mẹ của Đại,  trước căn nhà cũ của gia đình
Bị giam 34 tháng từ một lời khai của trẻ em!

Theo cáo trạng của Viện KSND và bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai ngày 13/12/2006: Vào khoảng 12 giờ một ngày đầu tháng 7/2005, Nguyễn Tấn Đại (sinh ngày 25/10/1988) đi ngang qua nhà ông Nguyễn Hoàng G. (ở xã Phú Lộc, huyện Tân Phú) thì gặp con gái ông G. là cháu N.H.A (SN 1998) ở nhà một mình đang nằm trên võng. Đại bế cháu A. đi đến rẫy nhãn của ông Nguyễn Văn Khá và giao cấu với cháu. Do sợ mẹ mắng, cháu A. không nói cho ai biết.

Đến ngày 13/7/2005, mẹ cháu A. nhờ Đại và một số người qua nhà bắt bọ cạp. Nhìn thấy Đại, cháu A. chỉ và kể lại chuyện với anh trai mình là Nguyễn Hoàng D. biết chuyện trên. Ngày hôm sau D. nói lại với mẹ, rồi bà mẹ làm đơn tố cáo ra CA xã Phú Lộc. Chỉ có thế mà Đại bị bắt.

Kết quả giám định pháp y ngày 19/7/2005 của giám định pháp y tỉnh Đồng Nai kết luận: màng trinh cháu A. không rách. Ngày 13/12/2006, TAND tỉnh Đồng Nai xử hình sự sơ thẩm xử phạt Đại 9 năm tù về tội hiếp dâm trẻ em. Ngày 14/5/2007, TANDTC tại TPHCM xử phúc thẩm, tuyên hủy án, trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại.

Theo nhận định của HĐXX cấp phúc thẩm, những chứng cứ buộc tội bị cáo Đại cho thấy có nhiều mâu thuẫn song cơ quan tiến hành tố tụng chưa điều tra làm rõ, chưa cho thực nghiệm hiện trường; các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng, bởi khi xảy ra vụ án bị cáo Đại là người chưa thành niên, nhưng cơ quan điều tra đã không mời người giám hộ hợp pháp cho Đại khi lấy lời khai bị cáo này.

Ngoài ra, có hai nhân chứng khẳng định vào thời gian xảy ra vụ án, Đại đi câu cá với họ cách nhà 10km… Với chứng cứ như vậy nhưng tòa cấp sơ thẩm vẫn khẳng định Đại phạm tội.

Đến phiên xét xử sơ thẩm lần 2 ngày 20/5/2008, TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên bị cáo Đại không phạm tội hiếp dâm trẻ em. Đại được trả tự do sau 34 tháng bị giam giữ. Và ngày 22/9 vừa qua, TANDTC tuyên y án sơ thẩm, khẳng định Đại không phạm tội hiếp dâm. Bản án có hiệu lực pháp luật.

Mẹ đi tìm con, ở nhà bố chết

34 tháng bị giam tại trại B5 CA tỉnh Đồng Nai là một thời dài đằng đẵng trong cuộc đời cậu thanh niên Nguyễn Tấn Đại. Thêm 4 tháng ngồi nhà thấp thỏm chờ phiên phúc thẩm. Hôm được TANDTC tuyên vô tội, hai mẹ con Đại ôm nhau khóc tại tòa. Quên không kịp cám ơn vị luật sư đã bào chữa miễn phí trong suốt thời gian “đáo tụng đình”, hai mẹ con Đại về lại quê nhà cách xa 150km báo tin mừng cho người thân.

Gia đình Đại thuộc diện hộ nghèo ở địa phương, ông nội Đại là liệt sĩ thời chống Pháp. Chỉ có một công đất đồi đá quanh năm làm không đủ ăn, cả nhà Đại 5 người đều phải đi làm mướn kiếm sống. Vài tháng sau khi Đại bị bắt, UBND xã Phú Lộc xây cho gia đình một căn nhà tình thương.

Căn nhà cũ rách nát được cho lại người chị để ra ở riêng. Bà Điệp mẹ của Đại kể lại trong nước mắt, hôm Đại bị bắt có mấy người CA xã lại nhà tìm Đại. Nghĩ là Đại nghịch phá cây trái của ai đó, bà chỉ Đại đang đi bơm thuốc sâu cho rẫy ông Phong ở cùng ấp.

Đến trưa không thấy Đại về, bà đi tìm thì ông Phong cho biết Đại bị CA bắt ra xã. Ra CA xã hỏi bà được cho biết Đại phạm tội hiếp dâm. Đại được chuyển lên CA huyện Tân Phú. Hôm sau, bà Điệp được một cán bộ điều tra gọi lên ký giấy tờ. Do bà không biết chữ, vị cán bộ CA hướng dẫn bà lăn tay và nói lăn tay xong sẽ cho con bà về.

Chờ cả tháng không thấy con về, bà Điệp lên CA huyện hỏi thăm mới biết Đại tiếp tục đã được chuyển lên tỉnh Đồng Nai. Về nhà bán 6 tạ bắp, bà Điệp tất tả lên Biên Hòa tìm con. Chưa bao giờ đến Biên Hòa và cũng không biết CA đã chuyển Đại đi đâu.

Tìm đến tối vẫn không gặp, bà đón xe buýt về TPHCM tá túc nhà người quen, đến sáng lại trở về Biên Hòa tìm con. Cuối cùng, bà Điệp được người dân hướng dẫn tìm đến trại giam B5, song cũng không được gặp Đại bởi vụ án đang điều tra.

Đón xe về nhà, vừa tới chợ đầu ấp, bà điếng người khi mọi người báo tin chồng bà đã chết ở nhà rồi không ai biết bà đâu mà tìm. Bà Điệp kể, chồng bà vốn khỏe mạnh không bệnh tật, từ ngày Đại bị bắt ông buồn bã khóc cả tháng.

Có hôm ông soạn giấy tờ ra đốt, rồi đốt luôn cả giấy khai sinh của Đại. Hôm nghe tin Đại bị chuyển đi, ông càng buồn hơn, ngày bà đi tìm con ở nhà ông chết một cách lặng lẽ.

Mãi 8 tháng sau, qua một người quen đi thăm nuôi ở trại giam B5 về báo có gặp Đại, bà Điệp mới biết để đi thăm nuôi con. Hàng ngày ai thuê gì bà làm nấy, để dành tiền đi thăm con. Tòa tuyên Đại vô tội, bà vui mừng vì cuối cùng con bà cũng đã được minh oan.

Bà con lối xóm có người biết, hiểu Đại vô tội, nhưng cũng không ít người dị nghị. Ngày Đại trở về, căn nhà hiu quạnh của bà đã ấm cúng hơn, những người hàng xóm chân tình đến thăm hỏi bà, chia sẻ với Đại nỗi oan khuất.

Bị bắt khi tuổi vị thành niên, sau gần 3 năm bị giam giữ, giờ Đại đã là một thanh niên trưởng thành. Đại và gia đình mong những người làm sai trong vụ án này phải chịu trách nhiệm với pháp luật. Trở về địa phương, việc đầu tiên của anh là đến UBND xã xin nhập lại hộ khẩu để làm hồ sơ xin việc. 

Đức Minh