Cần có sự phối hợp của các ngành, các cấp, các lực lượng
Các Website khác - 22/10/2005
Trong quán cơm mại dâm ở
Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc).
Tình hình buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới ngày càng có chiều hướng gia tăng bằng các hành vi lừa gạt, câu móc rất tinh vi. Trung tướng Tăng Huệ, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Biên phòng, Ủy viên Ban 130 của Chính phủ cho biết về những biện pháp phòng, chống tệ nạn buôn người vô nhân đạo này.
* Thưa ông, từ năm 2000 đến nay, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới của lực lượng biên phòng có kết quả gì đáng ghi nhận?

Ngày 14-7-2004, Thủ tướng Phan Văn Khải đã phê duyệt chương trình hành động phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới; ký Quyết định số 130 thành lập Ban chỉ đạo chương trình phòng chống tội phạm này, gọi tắt là “Ban 130”.

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm làm trưởng ban. Thượng tướng Lê Thế Tiệm - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) - Phó ban. Trung tướng Tăng Huệ - Tư lệnh Bộ đội Biên phòng - Ủy viên.

- Ban 130 do Bộ Công an chủ trì phối hợp các cơ quan, đặc biệt với bốn bộ, ngành chính, gồm: Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Biên phòng (hai đơn vị chủ công thực hiện đề án phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em). T.Ư Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chủ trì đề án tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng về phòng chống tội phạm. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm tiếp nhận các nạn nhân phụ nữ, trẻ em từ nước ngoài trở về. Bộ Tư pháp chủ trì việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới.


- Lực lượng tiền tiêu của biên phòng cắm chốt trên bốn tuyến biên giới Việt Nam với Trung Quốc, Lào, Campuchia và tuyến biển. Tuyến nào cũng gian khó vì địa hình rừng núi, sông suối hiểm trở rất khó khăn trong tuần tra, kiểm soát và cơ động lực lượng truy bắt tội phạm. Riêng tuyến Việt - Trung trong năm năm đã phát hiện 223 vụ, 444 đối tượng; triệt phá 65 đường dây; giải cứu 641 phụ nữ, trẻ em. Bộ đội biên phòng đã phối hợp các cơ quan chức năng tiếp nhận gần 4.000 nạn nhân từ bên kia biên giới trở về.

* Trong bốn tuyến biên giới thì tuyến nào được xem là “nóng” nhất?

- Ngoài tuyến Việt - Trung thì tuyến biển đảo là một địa bàn thường xuyên được báo động, bởi đây là “nguồn” cung cấp nạn nhân của các đường dây tội phạm. Theo báo cáo của các đơn vị biên phòng tuyến biển, trong những năm qua có trên 4.000 phụ nữ, trẻ em đã ra nước ngoài hoặc đi khỏi nơi cư trú chưa rõ nguyên nhân, trong đó có hơn 1.500 phụ nữ, trẻ em ở khu vực bờ biển bị bọn tội phạm lừa gạt qua biên giới hoạt động mại dâm hoặc lấy chồng nước ngoài.

Tình hình buôn bán phụ nữ, trẻ em ngày càng có chiều hướng gia tăng bằng các hành vi lừa gạt, câu móc rất tinh vi. Chính phủ đã có Quyết định 130 với bốn đề án phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn bán người qua biên giới và tổ chức chống tội phạm UNODC Việt Nam của Liên Hiệp Quốc tư vấn, tài trợ đề án. Hiện tại chúng tôi đang tiếp tục đánh một án tương đối lớn. Hy vọng sẽ tóm gọn được những tên trùm đường dây.

* Nội dung bốn đề án của Ban 130 là gì và do các bộ, ngành nào chịu trách nhiệm thực hiện, thưa ông?


Một nạn nhân bị đánh
vì không chịu bán mình.

- Đề án 1 - phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em do Bộ Công an và Bộ Tư lệnh Biên phòng chủ công thực hiện. Đề án 2 - tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về phòng chống tội phạm, do T.Ư Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chủ trì. Đề án 3 - tiếp nhận những nạn nhân là phụ nữ, trẻ em từ nước ngoài trở về, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đảm nhiệm. Đề án 4 - xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em do Bộ Tư pháp chủ trì. Ngoài ra Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có trách nhiệm thực hiện những công việc liên quan.

* Theo đó, các nạn nhân sẽ được những quyền lợi gì từ sự quan tâm của Chính phủ và từ dự án?

- Hiện Chính phủ đang phê duyệt những nội dung này. Nhưng trước mắt UBND và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh đã trích ngân sách để hỗ trợ tiền ăn trong 30 ngày kể từ ngày nạn nhân mới trở về chờ làm việc tại cơ quan công an, biên phòng (nếu người mang bệnh sẽ được các tổ chức y tế cộng đồng chữa trị), tiền mua quần áo, vệ sinh cá nhân, tiền tàu xe về quê.


Cô gái vừa thoát khỏi
động buôn người.

* Biện pháp nào đang được ông quan tâm trong việc ngăn ngừa, tiến tới chặn đứng tệ nạn buôn người vô nhân đạo này?

- Việc làm cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn, miền núi có vị trí quan trọng số một. Mặt khác hệ thống pháp luật liên quan đến công tác phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em cần gấp rút được hoàn thiện một cách đồng bộ. Các ngành, các cấp, các lực lượng coi trọng hơn nữa sự phối hợp trong công tác phòng chống, kể cả tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho cộng đồng giúp họ nắm vững phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm. Tất nhiên việc đẩy mạnh hợp tác với các nước láng giềng như Trung Quốc, Campuchia trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và giải cứu, hồi hương các nạn nhân bị buôn bán cũng cần được coi trọng.

Ngày 1-10-2005, dự án “Tăng cường năng lực cho các cơ quan hành pháp và tư pháp phòng chống tội phạm buôn bán người ở Việt Nam (VIE/R21) giai đoạn I từ 2003-2005” đã được triển khai. Dự án do UNODC (Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp quốc tại Việt Nam) tài trợ 579.600 USD. Đóng góp của Chính phủ Việt Nam 18.420 USD (bằng hiện vật) và 10.099 USD (bằng tiền mặt).

- Dự án do Bộ Công an (Tổng cục Cảnh sát) phối hợp Cục Trinh sát Bộ đội Biên phòng và Bộ Tư pháp thực hiện.

- Vấn đề buôn bán người ở Việt Nam cần được nhìn nhận trong bối cảnh kinh tế - xã hội và chính trị của nó. Thực tế buôn bán người là một hiện tượng có nguồn gốc từ thiếu các cơ hội bình đẳng, do con người mong muốn cải thiện đời sống của mình và để thoát khỏi sự nghèo đói. Lợi dụng ước muốn đó, các băng nhóm tội phạm có tổ chức đã và đang biến hoạt động buôn bán người thành lĩnh vực kinh doanh kiếm lời bằng bóc lột. Trọng tâm của dự án là tăng cường năng lực cho các cơ quan hành pháp và tư pháp phòng chống buôn bán người.

- Mục tiêu của dự án: Tăng cường năng lực phát hiện, điều tra, truy tố tội phạm buôn bán người và tập huấn cho cán bộ của các cơ quan hành pháp và tư pháp, gồm: công an, xuất nhập cảnh, bộ đội biên phòng, tòa án, viện kiểm sát về lĩnh vực đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán người. Trên cơ sở Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em. Thông qua chương trình toàn cầu về phòng chống buôn bán người, UNODC và văn phòng UNODC tại Việt Nam hỗ trợ Chính phủ Việt Nam nâng cao năng lực phòng chống buôn bán người như một hiện tượng tội phạm có tổ chức ở Việt Nam.

- Giai đoạn II của dự án bắt đầu từ năm 2006-2010.


Theo Tuổi trẻ