Còn nhiều việc phải làm!
Các Website khác - 30/09/2005
Ngay sau khi Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) được ký kết, Chính phủ Việt Nam đã giao Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp các bộ, ngành hữu quan triển khai công tác rà soát, so sánh pháp luật Việt Nam hiện hành với các yêu cầu của BTA. Cho đến nay, quá trình rà soát giai đoạn II đã được hoàn tất.
Về thương mại hàng hóa

Thương mại hàng hóa (TMHH) là lĩnh vực lớn nhất và có lịch sử phát triển lâu nhất trong nền thương mại quốc tế. Việt Nam đã ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực TMHH nhằm đáp ứng các cam kết của BTA và các quy định của WTO. Thí dụ: Luật Thương mại; Luật Hải quan (sửa đổi); Luật Cạnh tranh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật thuế Giá trị gia tăng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt; Luật thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu; Pháp lệnh về Đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia; Pháp lệnh về Chống bán phá giá; Pháp lệnh về Tự vệ; Pháp lệnh về Chống trợ cấp...

Nhóm rà soát nhận định, các quy định pháp luật hiện hành trong lĩnh vực TMHH về cơ bản đã đáp ứng các yêu cầu của BTA và WTO. Tuy nhiên, thiếu những văn bản (chủ yếu là văn bản dưới luật) cụ thể các quy định của BTA và WTO. Nhóm rà soát đề xuất cần phải ban hành càng sớm càng tốt các văn bản cụ thể để thi hành, cũng như các vấn đề liên quan đến đối xử quốc gia, những quy định về quyền kinh doanh, chống trợ cấp, về thương mại nhà nước và các biện pháp liên quan đến hàng rào kỹ thuật và kiểm dịch động, thực vật.

Về thương mại dịch vụ

Nhìn chung, các quy định pháp luật Việt Nam về thương mại dịch vụ đã phù hợp với các quy định của WTO, nhất là những văn bản đã được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung sau khi Việt Nam ký kết BTA. Tuy nhiên, hiện nay còn một số lĩnh vực dịch vụ, kể cả những lĩnh vực được cam kết tại BTA vẫn chưa được quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật Việt Nam như: Dịch vụ tư vấn thuế, dịch vụ tư vấn quản lý, dịch vụ vi tính, dịch vụ nghiên cứu thăm dò thị trường... hoặc chỉ được quy định lẻ tẻ, tản mạn, chung chung trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau.

Việt Nam cần sớm ban hành Danh mục phân loại dịch vụ chính thức như bảng phân loại của Liên hợp quốc. Danh mục phân loại dịch vụ này sẽ hạn chế tình trạng chồng chéo, giẫm chân lên nhau hoặc để ngỏ một số lĩnh vực dịch vụ cụ thể do không xác định được cơ quan mình chịu trách nhiệm quản lý. Việc này không chỉ liên quan đến thực thi BTA mà còn liên quan đến cả việc đàm phán, gia nhập WTO. Hệ thống danh mục này cùng với sự phân công rõ ràng sẽ giúp các cơ quan khi tham gia đàm phán thực thi các cam kết về thương mại dịch vụ.

Về sở hữu trí tuệ (SHTT)

Kết quả rà soát hệ thống pháp luật về SHTT cho thấy hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về SHTT còn tản mạn, chưa tập trung, nhiều nội dung quan trọng trong lĩnh vực SHTT chưa được quy định trong pháp luật. Các quy định về mặt thủ tục, đặc biệt là đối với việc thực thi quyền SHTT của Việt Nam, còn nhiều thiếu sót. Đồng thời, việc thực thi trên thực tế công tác bảo hộ quyền SHTT theo các yêu cầu của BTA đang là một thách thức lớn đối với các cơ quan nhà nước của Việt Nam. Đây cũng là vấn đề được các đối tác đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam rất quan tâm.

Yêu cầu đặt ra là Luật SHTT cần được cân nhắc theo hướng pháp điển hóa các văn bản hiện hành về quyền SHTT được quy định trong hàng loạt văn bản dưới luật. Luật SHTT phải giải quyết được tốt cả các vấn đề liên quan đến khía cạnh thương mại của quyền SHTT, các biện pháp bảo hộ và thực thi quyền SHTT phù hợp với yêu cầu của BTA và WTO. Các biện pháp bảo hộ quyền SHTT trong Luật này cần được thiết lập nên một cơ chế đặc thù về các biện pháp hình sự, dân sự, hành chính trong việc thực thi quyền SHTT.

Về đầu tư

Với phạm vi rà soát bao gồm các yêu cầu chung về đầu tư, yêu cầu về cấp phép và đăng ký đầu tư yêu cầu về vốn đầu tư, yêu cầu về quản trị công ty, vấn đề lao động, vấn đề sử dụng đất đai và nhà ở, xung đột luật và vấn đề khu công nghiệp, khu chế xuất, nhóm rà soát đã tiến hành rà soát 30 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó tập trung vào rà soát 10 bộ luật, bốn pháp lệnh, 11 nghị định, ba quyết định của Thủ tướng Chính phủ và ba thông tư của các bộ, ngành. Trên cơ sở rà soát, nhóm rà soát đã kiến nghị ban hành 6 văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, ban hành mới hai luật, một nghị định và sửa đổi hai luật, một nghị định.

Theo đánh giá của nhóm rà soát, cho đến thời điểm hiện nay, trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã có nhiều điểm đi xa và nhanh hơn so với các cam kết trong BTA. Việc giải thích và áp dụng các quy định của BTA trên thực tế về phần đầu tư nước ngoài bảo đảm các yêu cầu đặt ra. Các nhà đầu tư thường xuyên được tham gia ý kiến vào việc xây dựng các văn bản quy phmạ pháp luật của Việt Nam thông qua các kênh, các hình thức khác nhau như: Thông qua diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, thông qua góp ý kiến trực tiếp tại các hội thảo về các vấn đề pháp luật, thông qua mạng Internet... góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư. Tuy nhiên, cũng có những vấn đề pháp luật hiện hành chưa hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của BTA, cần sớm được chỉnh sửa cho phù hợp với các yêu cầu của pháp luật và thực tiễn thương mại, kinh tế quốc tế.

Về tính minh bạch và công khai

Đây là một trong những yêu cầu quan trọng của BTA và WTO. Việt Nam đã ban hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND và một số văn bản khác. Về cơ bản, các văn bản này đã đáp ứng được yêu cầu của BTA và WTO về tính công khai, minh bạch của pháp luật và chính sách thương mại. Tuy nhiên, kết quả rà soát cho thấy cần phải ban hành các văn bản hướng dẫn các luật này.

Nhóm rà soát về minh bạch và giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện đã chỉ ra rằng một số quy định của pháp luật Việt Nam cần phải sửa đổi, bổ sung như: Sửa đổi Luật Khiếu nại. Tố cáo và Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính theo hướng tạo cơ hội cho các bên bị ảnh hưởng có quyền được yêu cầu cơ quan tư pháp xem xét lại quyết định hành chính cuối cùng, đồng thời mở rộng phạm vi các quyết định hành chính, hành vi hành chính được khởi kiện ra Tòa án.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên:
"...Trong bối cảnh Việt Nam đang gấp rút hoàn tất quá trình đàm phán gia nhập WTO thì hoạt động rà soát này còn thể hiện quyết tâm của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trong điều chỉnh hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm sự hài hòa giữa pháp luật Việt Nam hiện hành, làm cho hệ thống pháp luật đó thống nhất với pháp luật thương mại quốc tế, tạo cơ sở thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN; phục vụ cho quá trình đàm phán gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Hoạt động rà soát pháp luật trong điều kiện WTO và hội nhập kinh tế quốc tế là một quá trình liên tục, cần được cập nhật thường xuyên và cần có sự phối hợp chặt chẽ và tích cực của các bộ, ngành...".


Theo Pháp luật Việt Nam