Ba anh em, ba kiểu côn đồ
Sinh ra trong một gia đình khá giả ở tỉnh Phú Yên, song cả ba anh em Nguyễn Hùng Cường (SN 1968), Nguyễn Hùng Hổ (SN 1969) và Nguyễn Hùng Hải (SN 1974) đều không học hành nên hồn, chỉ mới bước chân vào cấp 2 là bị đuổi học vì thường xuyên gây rối. Chỉ vì có những đứa con khó dạy, mới trưởng thành đã trở thành kẻ tù tội, họ phải bỏ quê lên cao nguyên Buôn Ma Thuột (Đác Lắc) sinh sống. Nhưng lên vùng đất mới được vài tháng thì Hổ bị TAND tỉnh Đác Lắc xử phạt 27 tháng tù vì tội cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng và sử dụng vũ khí quân dụng trái phép.
Cũng trong năm đó, Hải bị bắt về tội gây rối trật tự công cộng và chỉ vài tháng sau, người anh cả sau khi ra tù cũng bị TAND thành phố Buôn Ma Thuột xử phạt 9 tháng tù vì tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Năm 1998, Hải mãn hạn trở về tham gia vào một vụ cướp. Ba anh em, ba kiểu côn đồ khiến người dân trong khu phố ngại phải tiếp xúc với những người trong gia đình. Bố mẹ Cường dồn tiền mua một nương rẫy ở buôn Tara, xã Hòa Đông, TP Buôn Ma Thuột trồng cà-phê những mong con cái thay đổi tâm tính làm lại cuộc đời, song oái oăm thay mọi tội lỗi lại bắt đầu từ cái nương rẫy này.
Tổ bảo vệ và những vụ trộm đáng ngờ
Năm 1998, Cường ra tù cùng vợ vào buôn Tara làm rẫy thì mảnh đất trước đây khá yên bình bỗng liên tục xảy ra các vụ trộm cắp tài sản, cà-phê quả tươi. Nhiều gia đình, cà-phê thu hoạch chưa kịp chở về nhà phơi chỉ qua một đêm đã bị trộm. Trước việc mất trộm trên, những người có rẫy đã đề nghị UBND xã Hòa Đông cho thành lập tổ bảo vệ và đề cử ông Hoàng Quý cùng một số người có rẫy vào tổ bảo vệ. Chẳng hiểu sao những người được dân đề cử lại bị Ban công an xã gạt đi, thay vào đó là danh sách của ba tên côn đồ, trong đó có Cường nên bà con không đồng ý.
Tuy nhiên, tổ bảo vệ do công an xã lập vẫn hoạt động và thu lệ phí bảo vệ 10 nghìn đồng/sào cà-phê. Trong lúc đi thu tiền bị phản đối, Dương Văn Đây, tổ viên của tổ bảo vệ đã đánh ông Hoàng Quý bị thương. Sự việc được ông Quý báo công an xã nhưng không được giải quyết. Sau sự việc trên, chính quyền xã cho giải tán tổ bảo vệ, song chính việc không xử lý dứt điểm việc đánh người gây thương tích đã là tiền lệ để những tên côn đồ ăn chặn tiền dân.
Năm 2000, Hổ và Hải mãn hạn tù trở về cũng vào buôn Tara làm rẫy với anh trai và nhóm côn đồ của Cường như mọc thêm vây cánh. Giờ thì không chỉ có trộm cắp tài sản, hoa màu mà các vụ huỷ hoại tài sản như chặt cây cà-phê, gọt vỏ cây sầu riêng cho chết, đốt phá chòi canh... xảy ra liên tiếp.
Người dân nhiều lần bắt gặp anh em Hổ phá chòi rẫy, vác trộm bao cà-phê song vì có lần bị Hải rút khẩu súng thể thao bắn hù doạ nên không ai dám tố cáo. Được đà, chúng tung tin ai muốn rẫy không bị phá thì phải làm cơm rượu mang đến chòi cho chúng ăn.
Và mánh làm tiền có một không hai
Ông Nguyễn Mến ở khối 3, phường Tân Hòa có 10.000m2 đất trồng cà-phê trong buôn Tara ngay cạnh rẫy của anh em Cường. Biết chúng không để ông yên ổn thu hoạch khi đến mùa, ông Mến đã mua khô mực, một két bia Sài Gòn mang sang chòi anh em Cường mời chúng uống để chúng nhận trông coi rẫy cho ông với giá 70.000 đồng/sào. Thế nhưng giữa mùa thu hoạch, anh em Hổ giở chứng bảo ông Mến tự canh coi lấy và ngay tối hôm đó kẻ gian vác mất của ông Mến 5 tạ cà-phê. Mất tiền mà vẫn bị mất trộm, ông Mến phàn nàn thì anh em Cường nói thẳng vụ sau sẽ mất hết. Sợ mất lòng chúng, ông Mến lại phải bia rượu mời chúng uống rồi tiền lót tay mà vẫn phải lạy van mãi chúng mới nhận bảo vệ cho và mùa đó không mất trộm.
Không chỉ bắt ông Mến phải nộp tiền bảo vệ mà mọi việc khác như mua đất, cho người khác tưới nhờ, ông Mến cũng bị chúng điều khiển. Đó là lần ông Mến mua 5.000m2 của bà Dương Thị Tạo, anh em Hổ không cho mua vì "bà Tạo chưa nộp phí bảo vệ năm 2003". Vậy là để mua được đất và cũng là để bà Tạo bán được đất, bà Tạo đã phải lót tay cho chúng 700 nghìn. Tiền giao đủ thì mấy ngày sau bà Tạo bán được đất cho ông Mến và từ đó rẫy nhà bà không bị mất trộm do nộp đủ tiền bảo vệ.
Hay như việc ông Mến cho ông Liền tưới nhờ giếng của mình cũng bị chúng phá đám. Năm nào rẫy của ông Liền cũng bị mất trộm khoảng 1,3 tấn cà-phê tươi và ông nghi ngờ anh em Cường bê trộm. Biết ông Liền nghi mình, Hổ đã gặp vợ chồng ông Mến dọa nếu còn cho ông Liền tưới nhờ sẽ phá giếng và đổ thuốc xuống giếng.
Ngày 20-2-2004, ông Liền sang xin tưới nhờ, được ông Mến kể lại chuyện và khuyên nên nín nhịn chúng. Ông Liền đã cùng vợ mang rượu, bia, đồ nhắm và thuốc lá đến nhà Cường "tạ lỗi" và được chúng đồng ý cho tưới nhờ với điều kiện phải đưa cho Cường 100.000 đồng/vụ.
Với kiểu làm tiền côn đồ trên, từ năm 1998 đến cuối năm 2004, anh em Hổ đã cưỡng đoạt tiền của rất nhiều người trong buôn Tara. Cuối tháng 7-2005, cơ quan công an đã chuyển hồ sơ vụ án sang VKS đề nghị truy tố ba tên Cường, Hổ, Hải về tội cưỡng đoạt tài sản. Kẻ có tội rồi sẽ bị trừng trị, song điều đáng nói là tại sao một nhóm côn đồ ngang nhiên ăn chặn tiền của dân trong sáu năm trời mà chính quyền cơ sở lại không hay biết?
|