Sau những năm tháng quá ngán ngẩm với các công ty tư vấn du học "treo đầu dê bán thịt chó", phụ huynh cùng con em đã tự tìm đến với các trường mà họ dự kiến sẽ sang du học. Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều trường từ Singapore, Australia, Hà Lan, Anh, Mỹ và cả ở Síp, Hy Lạp đã cử đích thân hiệu trưởng sang giới thiệu trường và chiêu sinh. Dưới tên gọi "Hội thảo du học..." mà thực chất là một buổi "marketing" cho trường mình thường được tổ chức tại các khách sạn lớn như Sofitel, Caravell, Kim Đô…; các vị hiệu trưởng giới thiệu trường của họ như một điểm du học lý tưởng nhất thế giới!
"Miếng mồi" luôn được “nhử" đầu tiên là học phí. Một trường tự nhận nức tiếng ở cả Hà Lan lẫn EU như N. nhưng học phí đưa ra chỉ có 600 euro/ học kỳ. Trường này có trang web còn hấp dẫn hơn trang web của Bộ Giáo dục - Đào tạo! Nhưng qua một "nạn nhân”, chúng tôi được biết đó chỉ là học phí học kỳ đầu, sang học kỳ sau trường này sẽ tìm đủ mọi cách để nâng lên quá 2.000 euro/năm, chưa kể tiền ăn ở, các chi phí khác. Nhiều trường khác ở Singapore cũng đưa ra mức giá trên dưới 1.000 USD/ năm nhưng thực chất đó chỉ là tiền học tiếng Anh trước khi bước vào học chính thức (mà học phí khó dưới 3.000 USD/ năm).
“Miếng mồi" thứ hai là học bổng, thậm chí miễn phí nguyên học kỳ đầu. Ai cũng bất ngờ khi một vị hiệu trưởng đến từ Canada cam kết 50 sinh viên Việt Nam đăng ký học năm đầu tại trường ông sẽ nhận được học bổng tương đương 2.000 USD/ sinh viên và "có thể tiếp tục được xét cấp". Học bổng ấy có thật nhưng sinh viên không được nhận mà sẽ trừ dần vào học phí học kỳ đầu, đến năm thứ hai sẽ xét lại mà thường thì có từ hai đến ba sinh viên đạt được đã là quá tốt. Đã lỡ bước chân sang rồi chẳng ai học một học kỳ rồi về và 7,8 học kỳ sau sẽ là dịp để trường "gỡ gạc” lại.
Một số sinh viên sang Pháp học đã ngã ngửa khi biết một trường ở ngoại ô Paris có ngành học chỉ thu trên dưới 500 euro/ năm nhưng lại bị các "tư vấn viên" "chặt đẹp" 3.000 euro dù đã "miễn phí cho anh chị học kỳ đầu trị giá 1.500 euro".
Trường S. cử một nhóm sáu người sang TP Hồ Chí Minh cứ 15 ngày lại tổ chức một "hội thảo du học Singapore"! Họ hứa "10 sinh viên đầu tiên đăng ký có học bổng 2.000 USD" nhưng đã tham gia ba hội thảo, khi chúng tôi đăng ký để kiếm suất học bổng thì "quý vị thông cảm, do quá đông nên đã hết sớm". Những sinh viên đã nhập học cho biết, sinh viên Singapore chỉ phải trả 1.300 USD/ năm học nhưng riêng sinh viên Việt Nam thì phải trả đến 2.100 USD, và 800 USD kia là để trả cho nhóm sáu người sang Việt Nam tiếp thị!
Tham gia các "hội thảo du học" do chính các trường từ ngoại quốc sang Việt Nam giới thiệu, người tham dự sẽ bị "ù tai lóa mắt" với những "cơ sở vật chất hiện đại, bằng cấp quốc tế, quyết định sáng suốt của quý vị... ". Bên cạnh đó hàng loạt hình ảnh, phóng sự về ngôi trường "danh tiếng" đập liên tục vào mắt người xem. Nhưng thực chất trường N. chỉ thuê sáu phòng nhỏ trong một khu căn hộ tại Singapore với lèo tèo từ sáu đến bảy giáo viên chủ yếu dạy tiếng Anh nhưng lấy nguyên khu căn hộ cao cấp rộng hơn 10.000 m2 làm "trường của chúng tôi” và "đặt" những giáo sư của một trường đại học nổi tiếng gần đó là "đội ngũ giảng viên quốc tế" của mình!
Một trường đại học khác cách thành phố Sydney (Australia) 200 km mà theo mail của những sinh viên "mắc bẫy" gửi về thì giống như các trường thường thường tại Việt Nam và chỉ dành cho những sinh viên khốn khó" nhưng vẫn quảng cáo "hàng đầu tại thành phố đẹp nhất nước Australia"!
Miếng mồi "làm thêm” cũng thường được các trường đem ra "câu”. Một trường dạy về khách sạn của Thụy Sĩ quảng cáo "có cơ hội làm thêm với thu nhập tương đương 2.000 USD/ tháng". Thực chất sinh viên sang học muốn đi làm thêm phải đăng ký khá rắc rối và công việc đơn thuần là bồi bàn, nếu muốn có thu nhập như trên, chỉ còn một nửa thời gian dành cho học. Còn có trường tại Hà Lan sắp xếp cho các sinh viên đi làm thêm như lao công dù hứa "việc làm ngoài giờ phù hợp với chuyên ngành học có thu nhập 700 euro/ tháng"!
Ngành Giáo dục - Đào tạo đã có nhiều biện pháp để hạn chế các công ty tư vấn, tổ chức du học "lừa đảo" sinh viên, học sinh và phụ huynh. Nhưng mới chỉ ra tay với "Ta”, còn "Tây" đang dùng những chiêu thức tinh vi như trên thì sao? Trong lúc các cơ quan chức năng đang loay hoay, đã có khá nhiều phụ huynh và con em "mắc câu”.
|