Nghị định này quy định việc khôi phục danh dự đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân bị tổn hại về danh dự, đền bù thiệt hại đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại về tài sản; chế độ trợ cấp đối với cá nhân bị thương tích, bị tổn hại về sức khỏe, bị thiệt hại về tính mạng do tham gia bảo vệ an ninh quốc gia.
Cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế bị tổn hại về danh dự, thiệt hại về tài sản; người nước ngoài bị thương tích, bị tổn hại về sức khỏe, bị thiệt hại về tính mạng do tham gia bảo vệ an ninh quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam được Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thực hiện khôi phục danh dự, đền bù thiệt hại và thực hiện chế độ trợ cấp theo quy định của Nghị định này.
Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng theo điều ước quốc tế đó.
Theo đó, chế độ này được thực hiện như sau:
1. Khôi phục danh dự:
a. Hình thức khôi phục danh dự bao gồm:
- Việc khôi phục danh dự được thực hiện đối với đối tượng bị tổn hại về danh dự.
- Việc cải chính công khai, xin lỗi được tiến hành bằng thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng T.Ư hoặc địa phương trong hai số báo hoặc hai lần trên phương tiện nghe, nhìn liên tiếp.
- Việc cải chính, xin lỗi bí mật được thông báo cho đối tượng bị tổn hại về danh dự, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương có liên quan và thông báo trực tiếp cho lãnh đạo có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân được khôi phục danh dự.
b. Thẩm quyền giải quyết khôi phục danh dự
- Cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia các cấp có trách nhiệm xem xét, quyết định việc khôi phục danh dự cho đối tượng bị tổn hại về danh dự do cơ quan mình quản lý. Trường hợp đối tượng bị tổn hại về danh dự không do cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia quản lý thì xem xét, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
- UBND quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có trách nhiệm xem xét, quyết định khôi phục danh dự cho đối tượng bị tổn hại về danh dự cư trú tại địa phương mình theo đề nghị của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia (trong các trường hợp đối tượng bị tổn hại về danh dự không do cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia quản lý).
2. Đền bù thiệt hại
a. Thiệt hại về tài sản được đền bù bao gồm: Tài sản bị mất; tài sản bị hủy hoại, bị hư hỏng mà không có khả năng khôi phục nguyên trạng; các chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
Giá trị tài sản bị thiệt hại được xác định theo giá thị trường của tài sản đó tại địa phương vào thời điểm tài sản bị thiệt hại, trừ đi phần khấu hao tài sản. Nếu tài sản bị thiệt hại có khả năng phục hồi nguyên trạng thì được phục hồi, nếu không phục hồi được nguyên trạng thì được đền bù.
b. Thẩm quyền giải quyết đền bù thiệt hại về tài sản
- Cơ quan chuyên trách bảo . vệ an ninh quốc gia các cấp có trách nhiệm xem xét, quyết định việc đền bù thiệt hại về tài sản cho đối tượng bị thiệt hại về tài sản do cơ quan mình trực tiếp quản lý. Trường hợp vụ việc do cơ quan, tổ chức khác phát hiện thì cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm chuyển giao cho cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia có thẩm quyền những tài liệu có liên quan đến sự việc đã gây thiệt hại về tài sản để xem xét, quyết định việc đền bù.
- UBND cấp huyện hoặc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có trách nhiệm xem xét, ra quyết định việc đền bù thiệt hại về tài sản cho các đối tượng bị thiệt hại về tài sản tại địa phương mình theo đề nghị của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia (trong các trường hợp đối tượng bị thiệt hại về tài sản không do cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia quản lý).
3. Chế độ trợ cấp đối với người bị thiệt hại về sức khỏe
a. Trợ cấp cho người bị thiệt hại về sức khỏe, bao gồm:
Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và phục hồi chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại. Trường hợp thu nhập thực tế của người bị thiệt hại do bị thương, thiệt hại về sức khỏe bị mất, giảm sút, không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định để trợ cấp.
b. Thẩm quyền quyết định trợ cấp cho người bị thiệt hại về sức khỏe.
- Cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia có trách nhiệm xem xét, quyết định việc trợ cấp đối với người bị thiệt hại về sức khỏe do cơ quan mình quản lý. Trường hợp vụ việc do cơ quan, tổ chức khác phát hiện thì cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm chuyển giao cho cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia những tài liệu có liên quan đến sự việc đã gây ra thiệt hại để xem xét, quyết định việc trợ cấp.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, quyết định việc trợ cấp cho người bị thiệt hại về sức khỏe cư trú tại địa phương mình theo đề nghị của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia (trong các trường hợp người bị thiệt hại về tài sản không do cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia quản lý).
- Người bị thiệt hại về sức khỏe được người có thẩm quyền xem xét, quyết định trợ cấp một lần bằng tiền; mức trợ cấp bao gồm các chi phí theo quy định, nhưng tối đa không vượt quá 50.000.000 (năm mươi triệu) đồng cho một trường hợp.
- Trường hợp người bị thiệt hại về sức khỏe mất khả năng lao động thì Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị thực hiện hình thức trợ cấp thường xuyên. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy định này.
4. Trợ cấp cho trường hợp người bị thiệt hại về tính mạng
a. Trợ cấp một lần cho trường hợp người bị thiệt hại về tính mạng bao gồm:
Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại về tính mạng trước khi chết; chi phí hợp lý cho việc mai táng; trợ cấp cho gia đình hoặc người đại diện hợp pháp của người bị thiệt hại về tính mạng.
b. Thẩm quyền quyết định trợ cấp cho trường hợp người bị thiệt hại về tính mạng được xác định như sau:
- Theo đề nghị của thủ trưởng cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi có người bị thiệt hại về tính mạng xem xét, quyết định trợ cấp cho người bị thiệt hại về tính mạng không quá 10.000.000 (mười triệu) đồng cho một trường hợp.
- Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định trợ cấp cho người bị thiệt hại về tính mạng từ 10.000.000 (mười triệu) đồng trở lên, nhưng tối đa không vượt quá 60.000.000 (sáu mươi triệu) đồng cho một trường hợp.
|