Trả lời: Theo pháp luật Việt Nam hiện hành, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam muốn được nhận quyền sử dụng đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh, được lựa chọn các hình thức thuê đất sau đây:
- Được thuê đất của Nhà nước trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê hoặc trả tiền thuê đất hằng năm. Thẩm quyền cho thuê đất thuộc UBND cấp tỉnh. Theo phân cấp và tùy thuộc địa điểm thuê, doanh nghiệp sẽ thuê đất từ Nhà nước thông qua hợp đồng thuê đất hoặc thuê lại đất với Sở Tài nguyên - môi trường, ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao...
- Được thuê đất, thuê lại đất gắn với kết cấu hạ tầng của các tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
- Thuê lại đất gắn với kết cấu hạ tầng của các tổ chức, cá nhân nước ngoài khác.
doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài không được quyền thuê đất trực tiếp từ hộ gia đình, cá nhân Việt Nam để làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh. Trong trường hợp doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đã lựa chọn được một khu đất phù hợp với nhu cầu đầu tư mà khu đất này do một cá nhân hoặc hộ gia đình hiện đang là chủ sử dụng hợp pháp, thì vẫn có thể thuê được thông qua việc thỏa thuận đền bù với chủ sử dụng đất đó để Nhà nước thu hồi lại đất và sau đó tiến hành lập thủ tục xin thuê đất tại cơ quan có thẩm quyền.
-------------------------
Nộp hộ thuế cho nhà thầu nước ngoài
Hỏi: Công ty ký hợp đồng nộp hộ thuế cho nhà thầu nước ngoài thì có được sử dụng luôn mã số thuế của công ty để nộp hộ cho nhà thầu nước ngoài không hay phải đăng ký mã số thuế khác?
Trả lời: Bên Việt Nam nộp thuế hộ cho nhà thầu nước ngoài, nếu là doanh nghiệp đã được cấp mã số thuế thì không được sử dụng mã số thuế của doanh nghiệp đã kê khai, nộp thuế hộ cho các nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài (điểm 3.5, phần II Thông tư số 10/2006/TT-BTC ngày 14-2-2006 hướng dẫn thi hành Quyết định số 75/1998/QĐ-TTg ngày 4-4-1998 của Thủ tướng Chính phủ).
Bên Việt Nam ký họp đồng nộp hộ thuế được cấp một mã số thuế 10 số để sử dụng cho việc kê khai, nộp hộ thuế cho các nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài. Hồ sơ đăng ký mã số thuế cho bên Việt Nam ký hợp đồng nộp hộ thuế cho nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài gồm:
- Tờ khai đăng ký thuế theo mẫu số 04.1-ĐK-TCT kèm theo bản kê các nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài mà bên Việt Nam nộp hộ thuế.
- Hợp đồng ký với nhà thầu nước ngoài (bản trích lục tiếng Việt).
Các nhà thầu phụ, nhà thầu phụ nước ngoài trong bảng kê sẽ được cấp mã số thuế 13 số theo mã số thuế nộp hộ của bên Việt Nam ký hợp đồng. Mã số thuế này được sử dụng để phân biệt số thuế phải nộp, đã nộp của từng nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài khi bên Việt Nam ký hợp đồng kê khai và nộp hộ thuế với cơ quan thuế. Bên Việt Nam nộp hộ thuế phải làm thủ tục đóng mã số 13 số của các nhà thầu nước ngoài khi chấm dứt hợp đồng với nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài.
-------------------------
Lương ngày nghỉ phép
Hỏi: Người lao động làm việc tại doanh nghiệp chưa đủ 12 tháng xin nghỉ việc thì công ty có phải thanh toán trả cho họ những ngày nghỉ phép mà họ chưa nghỉ theo Luật lao động hay không?
Trả lời: Khoản 3, điều 77 Bộ luật Lao động quy định: "Người lao động vì lý do thôi việc hoặc vì lý do khác mà chưa nghỉ hoặc nghỉ chưa hết số ngày nghỉ hằng năm, thì được trả lương những ngày chưa nghỉ". Khoản 2, điều 77 Bộ luật lao động quy định: "Người lao động có dưới 12 tháng làm việc thì thời gian nghỉ hằng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc và có thể thanh toán bằng tiền". Vì vậy, đối với người lao động làm việc dưới một năm (chưa đủ 12 tháng) khi thôi việc, người sử dụng lao động phải thanh toán cho họ những ngày nghỉ hằng năm tương ứng với số tháng làm việc của họ. Cách tính số ngày nghỉ hằng năm được quy định tại điều 10, điều 11 của Nghị định số 195/CP ngày 31-12-1994 của Chính phủ.
-------------------------
Những đối tượng sở hữu công nghiệp được nhà nước bảo hộ
Hỏi: Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ Nhà nước thực hiện bảo hộ những đối tượng sở hữu công nghiệp nào?
Trả lời: Tại khoản 2 Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ có quy định: Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý. Tiếp theo, khoản 1 Điều 8 quy định: Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân trên cơ sở bảo đảm lợi ích của chủ thể quyển sở hữu trí tuệ với lợi ích công cộng; không bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh.
Hỏi: Để có quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp thì tổ chức, cá nhân phải làm gì?
Trả lời: Theo quy định của Luật, trong số những đối tượng sở hữu công nghiệp nêu trên thì được chia làm 2 loại. Loại thứ nhất, quyền sở hữu công nghiệp được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký (quyền xác lập thông qua đăng ký) hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, bao gốm: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý.
Loại thứ hai, quyền sở hữu công nghiệp được xác lập không trên cơ sở đăng ký. Đó là: đối với tên thương mại, quyền xác lập trên cơ sở sử đụng hợp pháp tên thương mại; đối với bí mật kinh doanh, quyền được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện bảo mật bí mật kinh doanh; đối với nhãn hiệu nổi tiếng, quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở sử dụng. Như vậy, với những đối tượng thuộc loại thứ nhất, các tổ chức, cá nhân muốn có quyển sở hữu công nghiệp phải tiến hành đăng ký và được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ; còn đối với những đối tượng thuộc loại thứ hai thì phải tiến hành tạo dựng để các đối tượng đó đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ theo quy định của Luật.
Tổng hợp
|