Trả lời: Theo quy định tại Mục 4 Phần 1 Thông tư liên tịch số 04/2001/TTLT-BGD&ĐT-BTCCBCP-UBDT&MN ngày 26-2-2001 của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ - Ủy ban Dân tộc và Miền núi hướng dẫn tuyển sinh vào đại học và cao đẳng, trung học chuyên nghiệp theo chế độ cử tuyển thì điều kiện tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp theo chế độ cử tuyển đối với học sinh thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm:
- Đã tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc trung học bổ túc, trung học chuyên nghiệp, trung học nghề không quá ba năm tính đến năm tuyển sinh; xếp loại cả năm về hạnh kiểm trong học bạ lớp cuối cấp đạt loại khá trở lên, về học lực đạt loại khá trở lên đối với học sinh là người Kinh, đạt loại trung bình trở lên đối với học sinh là người dân tộc thiểu số.
- Tuổi không quá 25 tính đến ngày 30-9 của năm tuyển sinh, có đủ sức khoe để học tập và lao động theo quy định tại Thông tư liên bộ số 10/TT-LB ngày 18-8-1989 của Bộ Y tế - Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề về tiêu chuẩn sức khỏe của học sinh, sinh viên, thực tập sinh vào học trong các trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, sau đại học trong nước và ngoài nước và Văn bản số 2445/TS ngày 20-8-1990 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tiêu chuẩn sức khỏe trong đào tạo.
- Được UBND tỉnh quyết định cử đi học theo chế độ cử tuyển.
- Nộp hồ sơ đăng ký học theo chế độ cử tuyển đúng thời hạn.
Tuy nhiên, những học sinh thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chỉ được xem xét và áp dụng chế độ này nếu học sinh là con em các dân tộc đang sinh sống và có hộ khẩu thường trú đủ 5 năm trở lên (tính đến ngày 30-9 của năm tuyển sinh).
----------------------
Các hành vi vi phạm bị tạm giữ phương tiện
Hỏi: Trong các trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ thì hành vi vi phạm nào ngoài bị phạt tiền còn bị tạm giữ phương tiện trong thời hạn 30 ngày?
Trả lời: Điểm c khoản 1 Điều 7 Nghị định số 152/2005/NĐ-CP ngày 15-12-2005 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, có hiệu lực từ ngày 10-1-2006 quy định: Để ngăn chặn hành vi vi phạm hoặc xác minh tình tiết làm căn cứ cho việc xử lý, ngoài phạt tiền, các hành vi vi phạm sau đây bị tạm giữ phương tiện trong thời hạn 30 ngày:
- Điều khiển xe ô-tô và các loại xe tương tự lạng lách, đuổi nhau trên đường bộ hoặc vi phạm này gây tai nạn hoặc không chấp hành lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc chống đối người thi hành công vụ.
- Điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy hoặc các loại xe tương tự lạng lách hoặc đánh võng hoặc đuổi nhau trên đường bộ trong, ngoài đô thị; điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, xe chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh; buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng thân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe nằm trên yên xe điều khiển xe; đứng trên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy hoặc có hành vi vi phạm trên mà không chấp hành lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc chống người thi hành công vụ, hoặc gây tai nạn.
- Sử dụng xe ô-tô có tay lái bên phải mà không được phép; xe đăng ký tạm hoạt động quá phạm vi, thời hạn cho phép; điều khiển xe quá niên hạn tham gia giao thông.
- Có giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại xe đang điều khiển không có giấy phép lái xe hoặc giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp; giấy phép lái xe bị tẩy xóa...
--------------------
Bảo vệ trẻ em khi trẻ em bị cản trở thực hiện các quyền dân sự
Hỏi: Nếu người cản trở trẻ em thực hiện các quyền dân sự được pháp luật quy định thì ai sẽ là người bảo vệ trẻ khỏi bị xâm hại?
Trả lời: Khi quyền dân sự của một chủ thể bị xâm hại thì chủ thể đó có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác:
- Công nhận quyền dân sự của mình;
- Buộc chấm dứt hành vi vi phạm;
- Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
- Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
- Buộc bồi thường thiệt hại;
- Phạt vi phạm.
Là những người chưa thành niên, có năng lực hành vi dân sự chưa đầy đủ, về nguyên tắc, trẻ em không thể tự mình thực hiện quyền nói trên mà phải thông qua người đại diện theo pháp luật (cha, mẹ), người đỡ đầu hoặc người giám hộ.
--------------------
Trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng
Hỏi: Nghị định 147/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp, trợ cấp đối với một số đối tượng có công với cách mạng. Trong trường hợp người có công đã mất thì thân nhân của họ có được hưởng chế độ trợ cấp này không?
Trả lời: Thông tư số 33/2005/TT-BLĐTBXH ngày 9-12-2005 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 147/2005/NĐ-CP ngày 30-11-2005 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng, quy định về trợ cấp ưu đãi đối với một số trường hợp cụ thể sau:
Người hy sinh được Chính phủ tặng Bằng Tổ quốc ghi công, công nhận là liệt sĩ từ ngày 1-10-2005 trở đi thì gia đình (bao gồm cha mẹ, vợ hoặc chồng, con, người có công nuôi liệt sĩ) được hưởng khoản trợ cấp một lần 7.100.000 đồng.
Trường hợp liệt sĩ không còn thân nhân thì người thừa kế của liệt sĩ theo quy định của pháp luật giữ Bằng Tổ quốc ghi công được hưởng khoản trợ cấp một lần 7.100.000 đồng.
Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng, bao gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19-8-1945; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong kháng chiến; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh (bao gồm cả thương binh loại B); bệnh binh (bao gồm cả bệnh binh hạng 3); người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ đang hưởng trợ cấp; người có công giúp đỡ cách mạng mà chết từ ngày 1-10-2005 trở đi thì người tổ chức mai táng được trợ cấp mai táng với mức là 2.800.000 đồng, thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 3 tháng trợ cấp, phụ cấp của tháng cuối cùng.
Trường hợp người có công với cách mạng đang hưởng nhiều chế độ trợ cấp mà chết thì thân nhân được hưởng khoản trợ cấp một lần bằng 3 tháng trợ cấp, phụ cấp của các chế độ đang hưởng.
Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày và người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế đã được hưởng trợ cấp ưu đãi một lần mà chết từ ngày 1-10-2005 trở đi thì người tổ chức mai táng được trợ cấp mai táng với mức 2.800.000 đồng.
|