Chủ thể kinh doanh bất động sản được tự mở sàn giao dịch?
Các Website khác - 19/09/2005
Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) đã được trình Chính phủ để gửi Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội thẩm tra, chuẩn bị trình Quốc hội thông qua vào tháng 10 tới. Ông Chu Văn Chung, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Xây dựng) đã cho biết những quy định được làm rõ trong Dự thảo này:
- Các điều kiện kinh doanh BĐS đã được làm rõ và đưa lên Chương I. Trước đây, các quy định này nằm rải rác ở các chương, quy định điều kiện cho từng chủ thể kinh doanh, từng loại hình kinh doanh. Ban soạn thảo cũng đã làm rõ các loại BĐS được đưa vào kinh doanh. Thí dụ, nhiều ý kiến cho rằng, việc Dự thảo lần trước quy định “các loại nhà khác” được kinh doanh là không rõ ràng. Vì vậy, Ban soạn thảo đã nghiên cứu và đưa ra quy định cụ thể về “các loại nhà khác” bao gồm nhà làm việc, khách sạn, nhà khách.

* Với các công trình xây dựng thì sao?

- Các đại biểu cũng yêu cầu làm rõ hơn về các loại công trình xây dựng. Nếu theo phạm trù của Luật Xây dựng và Nghị định 209/CP của Chính phủ thì các công trình xây dựng có tới 5 loại là công trình dân dụng; công trình công nghiệp; công trình thuỷ lợi, đê điều; công trình giao thông; các công trình hạ tầng kỹ thuật. Trong mỗi loại công trình xây dựng đó lại có rất nhiều nhánh. Do đó, Dự luật sẽ phải làm rõ việc sẽ cho phép loại công trình nào được đưa vào kinh doanh.

* Vậy các công trình xây dựng nào sẽ được phép kinh doanh, thưa ông?

- Dự thảo đã quy định rõ các công trình xây dựng được đưa vào kinh doanh gồm trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, trường học, bệnh viện, các công trình y tế, các công trình văn hoá, các công trình thể thao, nhà kho, nhà xưởng, đường giao thông, nhà ga, bãi đỗ xe, công trình cấp nước, công trình xử lý nước thải, công trình chiếu sáng đô thị.

* Nhiều ý kiến cho rằng, quy định các giao dịch bất động sản phải được thực hiện qua sàn giao dịch là không khả thi. Điều này có được sửa đổi không và nhằm mục đích gì?

- Theo quy định tại Dự thảo lần trước thì tất cả chủ thể kinh doanh BĐS phải thực hiện giao dịch kinh doanh qua sàn giao dịch. Ban soạn thảo đã bỏ quy định “phải”, mà chỉ khẳng định Luật cho phép các chủ thể kinh doanh BĐS được phép mở các sàn giao dịch để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình. Trong trường hợp không tự mở sàn giao dịch, các chủ thể có thể thông qua sàn giao dịch của tổ chức khác để kinh doanh. Áp dụng quy định này là để minh bạch hoá các hoạt động kinh doanh, tránh hiện tượng “giao dịch ngầm” của thị trường như hiện nay.

* Sàn giao dịch sẽ hoạt động theo nguyên tắc nào?

- Các sàn giao dịch này có điều kiện của nó. “Anh” có thể mở thoải mái, nhưng phải đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý của chính quyền địa phương và định kỳ phải báo cáo với cơ quan quản lý về tình hình hoạt động của mình. Nhà nước chỉ cần thông qua các sàn giao dịch là có thể kiểm soát được tình hình của thị trường BĐS.

* Quy định về công khai những thông tin liên quan đến bất động sản có được quy định cụ thể trong Dự thảo?

- Ban soạn thảo đã bổ sung thêm một quy định nữa là các chủ thể hoạt động kinh doanh BĐS phải công khai những thông tin liên quan đến BĐS được đưa vào giao dịch. Đây là một quy định rất quan trọng nhằm bảo đảm tính minh bạch của BĐS.

* Việc công khai phải thực hiện tại sàn giao dịch hay qua hình thức khác?

- Sàn giao dịch là nơi để Nhà nước thực hiện quản lý, còn Luật cũng không cấm các chủ thể kinh doanh BĐS được đăng thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong Dự thảo cũng quy định buộc phải thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình hoạt động, việc thay đổi hoạt động kinh doanh của các chủ thể kinh doanh BĐS… Còn thông tin trên sàn giao dịch mang ý nghĩa là Nhà nước sẽ thông qua sàn giao dịch này để xem xét tình hình hoạt động kinh doanh và các giao dịch để kiểm soát và thu thuế.

Theo Đầu tư