Luật Du lịch gồm 11 chương, 88 điều, trong đó Chương I là những quy định chung. Chương này xác định phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Du lịch, quy định các chính sách, nguyên tắc phát triển du lịch và giải thích thuật ngữ. Tại Điều 5 Luật khẳng định các nguyên tắc phát triển du lịch theo hướng bền vững, theo quy hoạch, bảo đảm hài hoà giữa kinh tế, xã hội và môi trường; bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của tài nguyên du lịch. Điều 6 quy định các chính sách phát triển quan trọng, trong đó nêu rõ: Nhà nước có cơ chế, chính sách huy động mọi nguồn lực, tăng đầu tư phát triển du lịch để bảo đảm du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước; đồng thời có chính sách khuyến khích, ưu đãi về đất đai, tài chính, tín dụng đối với tổ chức, cá nhân đầu tư trong một số lĩnh vực như bảo vệ, tôn tạo tài nguyên du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch, xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, phát triển du lịch tại nơi có tiềm năng ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn.
Luật quy định các nội dung quản lý nhà nước về du lịch và trách nhiệm quản lý nhà nước về du lịch, trong đó cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về du lịch; chủ trì phối hợp các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quản lý nhà nước về du lịch. Trong chương này có bổ sung một số quy định mới so với Pháp lệnh Du lịch năm 1999 như về bảo vệ môi trường, vai trò của cộng đồng dân cư địa phương, hiệp hội trong phát triển du lịch.
Chương II quy định về tài nguyên du lịch có bốn điều, từ Điều 13 đến Điều 16, quy định về các loại tài nguyên du lịch và chế độ quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch. Đồng thời quy định về trách nhiệm của các ngành, các cấp, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên du lịch. Trong trường hợp tài nguyên được sử dụng cho nhiều mục đích kinh tế khác nhau, Luật quy định sự phối hợp giữa các ngành, cơ quan, tổ chức liên quan trong việc sử dụng tài nguyên để bảo đảm không làm giảm độ hấp dẫn của tài nguyên du lịch.
Chương III là quy hoạch phát triển du lịch gồm năm điều, từ Điều 17 đến Điều 21, quy định các loại quy hoạch phát triển du lịch, nguyên tắc, nội dung quy hoạch du lịch, thẩm quyền lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch cũng như việc quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch du lịch. So với Pháp lệnh du lịch năm 1999, quy định về nội dung này trong Luật cụ thể hơn, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn cho việc xây dựng các quy hoạch du lịch, khẳng định hiệu lực của quy hoạch du lịch.
Chương IV quy định về khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch và đô thị du lịch gồm 12 điều, từ Điều 22 đến Điều 33, chia thành hai mục, trong đó có nhiều nội dung mới so với Pháp lệnh Du lịch năm 1999. Mục 1 về khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch quy định cụ thể điều kiện, thẩm quyền, thủ tục công nhận và công bố khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch theo các cấp độ: quốc gia và địa phương. Các điều kiện công nhận khu du lịch được xây dựng căn cứ vào kinh nghiệm của các nước và thực tiễn phát triển các khu du lịch ở Việt Nam hiện nay.
Ngoài ra, mục này còn có quy định cụ thể về vấn đề tổ chức quản lý đối với khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch, trong đó xác định các chủ thể quản lý và nội dung quản lý, tạo điều kiện để công tác quản lý hoạt động tại các khu, tuyến, điểm du lịch đi vào nền nếp, góp phần khắc phục tình trạng lộn xộn trong hoạt động kinh doanh dịch vụ, hàng hoá, không bảo đảm trật tự trị an, vệ sinh môi trường tại một số khu, tuyến, điểm du lịch hiện nay. Mục 2 quy định về đô thị du lịch. Đây là khái niệm mới so với Pháp lệnh Du lịch năm 1999. Nội dung của mục này gồm những quy định về điều kiện, thủ tục, thẩm quyền công nhận đô thị du lịch và một số cơ chế nhằm phát triển và quản lý đô thị du lịch. Mục đích nhằm phát triển thương hiệu du lịch ở một số đô thị có lợi thế phát triển du lịch, đồng thời tạo cơ sở pháp lý bảo đảm cho việc phát triển và quản lý ở các đô thị du lịch theo hướng bền vững.
Chương V quy định về khách du lịch gồm 4 điều, từ Điều 34 đến Điều 37. Để bảo đảm an toàn cho khách du lịch, Điều 37 quy định cơ quan nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa rủi ro, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ, tài sản của khách du lịch, ngăn chặn những hành vi thu lời bất chính đối với khách. Trong trường hợp khẩn cấp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời có biện pháp cứu hộ, cứu nạn cần thiết để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại đối với khách du lịch; các khu du lịch, điểm du lịch có các biện pháp phòng tránh rủi ro và tổ chức bộ phận bảo vệ, cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu cho khách du lịch; tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch có trách nhiệm thông báo kịp thời cho khách du lịch về các trường hợp khẩn cấp, dịch bệnh và các nguy cơ có thể gây nguy hiểm cho khách du lịch; áp dụng các biện pháp cần thiết và phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu cho khách du lịch.
Chương VI, quy định về kinh doanh du lịch gồm 34 điều, từ Điều 38 đến Điều 71, chia thành sáu mục tương ứng với các ngành nghề kinh doanh trong lĩnh vực du lịch. Ngoài nhiều quy định kế thừa Pháp lệnh Du lịch năm 1999 Chương này bổ sung một số quy định mới đáp ứng nhu cầu điều chỉnh của thực tiễn như: quy định về doanh nghiệp lữ hành có vốn đầu tư nước ngoài, hợp đồng lữ hành, đại lý lữ hành, kinh doanh vận chuyển khách du lịch, trong đó có bổ sung hai ngành nghề kinh doanh là kinh doanh phát triển khu du lịch, điểm du lịch và kinh doanh nhà hàng và các dịch vụ khác trong khu du lịch, điểm du lịch, đô thị du lịch... Các quy định về điều kiện kinh doanh, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong từng lĩnh vực ngành nghề dược Luật quy định cụ thể và chặt chẽ. Một nội dung mới được quy định trong Luật Du lịch là quy định về việc mua bảo hiểm cho khách du lịch, trong đó, việc mua bảo hiểm du lịch là bắt buộc đối với doanh nghiệp lữ hành đưa khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài.
Chương VII là hướng dẫn viên du lịch gồm 7 điều, từ Điều 72 đến Điều 78, quy định về các loại hướng dẫn viên, trong đó có bổ sung loại hướng dẫn viên du lịch nội địa để đáp ứng yêu cầu thực tiễn về dịch vụ hướng dẫn cho khách du lịch nội địa hiện nay. Nội dung chương này còn có các quy định về điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên, thẩm quyền cấp, đổi, thu hồi thẻ hướng dẫn viên; quyền và nghĩa vụ của hướng dẫn viên và những điều cấm đối với hướng dẫn viên.
Chương VIII quy định về xúc tiến du lịch gồm bốn điều, từ Điều 79 đến Điều 82. Theo đó, quy định về nội dung xúc tiến du lịch, chính sách xúc tiến du lịch, hoạt động xúc tiến du lịch của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở cấp Trung ương và cấp tỉnh, việc quản lý hoạt động xúc tiến của doanh nghiệp du lịch. So với Pháp lệnh Du lịch năm 1999, chương này có một số quy định mới tạo cơ sở pháp lý cho một số hoạt động đang được triển khai trên thực tế như việc đặt văn phòng đại diện du lịch của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương tại nước ngoài, sử dụng chuyên gia và phương tiện truyền thông nước ngoài tham gia và các chương trình tuyên truyền, quảng bá cho du lịch Việt Nam.
Chương IX quy định về hợp tác quốc tế về du lịch gồm có hai điều, Điều 83 và Điều 84, trong đó khẳng định chính sách hợp tác quốc tế về du lịch của nhà nước ta, khẳng định cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương là đại diện chính thức cho Việt Nam tại các tổ chức du lịch quốc tế và khu vực.
Chương X là thanh tra du lịch, giải quyết yêu cầu kiến nghị của khách du lịch có hai điều, Điều 85 và Điều 86, quy định vị trí của thanh tra du lịch. So với Pháp lệnh Du lịch năm 1999, Chương này có một điều mới quy định về giải quyết yêu cầu, kiến nghị của khách du lịch. Theo đó, tại các đô thị du lịch, khu du lịch và nơi có lượng khách du lịch lớn, cơ quan du lịch cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận yêu cầu, kiến nghị của khách du lịch để chuyển tới cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm giải quyết.
Và cuối cùng là Chương XI quy định điều khoản thi hành có hai điều, Điều 87 và Điều 88, quy định về thời điểm có hiệu lực của Luật và trách nhiệm hướng dẫn thi hành Luật Du lịch.
|