Bắt đầu chỉ là màn sương trắng đục lững lờ sà xuống tán thông xanh mướt trải khắp núi đồi trập trùng miền bắc Thái-lan. Càng lên cao, trời càng lạnh, những hạt sương li ti dần thành mưa dày hạt quất mạnh vào kính chắn gió ô-tô. Con đường dốc ngoằn ngoèo lên vùng núi Doi Tung thuộc tỉnh Chiang Rai, lối vào tâm điểm khu Tam giác Vàng, phút chốc bao phủ bởi màn nước trắng xóa. Hun hút phía dưới là thung lũng. Anh bạn làm báo người Thụy Điển ngồi cạnh tôi kín đáo làm dấu thánh mỗi khi xe vào những đoạn cua gấp. Trong khi đó, bác tài xế Thái-lan vẫn bình thản giữ chân ga, ôm chặt vô-lăng đưa xe nhích từng chặng một, tiếng bánh xe nghiến sàn sạt trên con đường loáng nước…
Tam giác “vang bóng một thời”
Con sông Mê Công bắt nguồn từ Tây Tạng (Trung Quốc) khi chảy xuôi xuống phía nam trở thành đường biên giới tự nhiên giữa Myanmar và Lào sau đó tiếp tục phân chia lãnh thổ Lào và Thái-lan. Một nhánh khác là sông Ruak chảy từ tây sang đông làm thành biên giới tự nhiên giữa Myanmar và Thái-lan. Hợp lưu giữa sông Ruak và sông Mê Công là biên giới chung của ba nước Thái-lan, Myanmar và Lào với tâm điểm mang tên Tam giác Vàng.
Theo các sách địa dư, Tam giác Vàng rộng tới 350 nghìn km2, lớn hơn diện tích cả nước Việt Nam, bao gồm vùng rừng núi phía đông bắc Myanmar, phía bắc Thái-lan (tỉnh Chiang Rai, Mae Hong Son, Chiang Mai) và tây bắc Lào. Nằm ở khu vực biên giới ba nước Thái-lan, Myanmar và Lào, ở độ cao thích hợp cho việc trồng cây anh túc, Tam giác Vàng nổi tiếng thế giới về sản xuất thuốc phiện dạng thô, tinh chế và buôn lậu ma túy từ những năm 50 của thế kỷ trước.
Thuốc phiện là chất nhựa lấy ra từ cây anh túc, tên khoa học là papaver somniferum. Chất nhựa này có màu nâu vàng chứa những thành phần như morphine, codeine, papaverine, và heroine. Đây là chất gây tê liệt thần kinh, có khả năng gây hưng phấn, được sử dụng trong ngành y với liều lượng nhỏ, tuy nhiên dùng với liều lượng lớn, cơ thể con người sẽ suy yếu và đi đến tử vong. Ước tính khoảng 10 tấn thuốc phiện có thể tinh chế thành một tấn heroin.
Người ta không thể tính toán chính xác số lượng thuốc phiện được sản xuất hằng năm ở khu vực này, tuy nhiên trước những năm 90 của thế kỷ 20, vào những giai đoạn cao điểm, lượng thuốc phiện sản xuất tại khu vực này hằng năm “đạt” trên bốn nghìn tấn.
Cùng với khu giao lộ giữa các nước Afghanistan, Iran và Pakistan mang tên Trăng lưỡi liềm vàng, Tam giác Vàng trở thành một trong hai “địa chỉ” sản xuất thuốc phiện lớn nhất châu Á. Từ nơi này, thuốc phiện hoặc dưới dạng thô, hoặc được tinh chế được vận chuyển tới nhiều nước trên thế giới. Do nằm ở khu vực biên giới ba nước nên có những vùng, chính quyền trung ương chưa thể kiểm soát.
Hàng chục năm trước, Tam giác Vàng nổi tiếng với câu chuyện về đoàn xe do lừa hoặc ngựa kéo len lỏi theo những lối mòn xuyên rừng rậm hoặc đồi núi chở “hàng” tới điểm tập kết hoặc các xưởng tinh chế ẩn mình đâu đó trong rừng già Myanmar, Thái-lan hoặc Lào. Những chuyến xe tưởng bình thường nhưng trị giá tới hàng triệu USD vì chở theo thuốc phiện hoặc heroin được các phe nhóm trang bị vũ khí tối tân đi theo áp tải.
Cũng từ đây, các vụ tranh chấp và thanh toán đẫm máu nhằm giành độc quyền nguồn hàng béo bở này giữa các băng đảng, phe nhóm diễn ra thường xuyên. Trong thế kỷ trước, ở khu vực Tam giác Vàng từng có những trùm thuốc phiện như Khun Sa, Vàng Pao nắm trong tay hàng chục nghìn quân vũ trang tham gia các hoạt động chuyên chở và vận chuyển ma túy.
Quân đội Thái-lan - Lào tuần tra chung kiểm soát ma túy trên sông Mê Công. | Trong nhiều thập niên, các tộc người thiểu số sống tại khu vực Tam giác Vàng như Akha, Lahu, Lue, Lisu, Shan… trồng cây thuốc phiện để cung cấp cho những nhóm này. Theo thống kê của Cơ quan Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC), đến năm 1990, diện tích trồng cây thuốc phiện khu vực Tam giác Vàng là hơn 180 nghìn ha, chiếm hơn hai phần ba trong tổng số gần 263 nghìn ha trồng cây thuốc phiện trên toàn thế giới.
Giá thuốc phiện và các loại ma túy tăng cao, đặc biệt sau cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành ở Afghanistan, càng khiến các nhóm buôn bán vận chuyển ma tuý hám lợi đầu tư vào việc trồng loài cây này ở khu vực Tam giác Vàng. Những công nghệ mới như bón phân đạm, dùng thuốc trừ sâu, tưới tiêu… cũng bắt đầu được áp dụng vào việc trồng cây thuốc phiện nhằm tăng sản lượng.
Ngăn chặn việc trồng cây thuốc phiện, buôn bán, vận chuyển ma túy bất hợp pháp đặc biệt ở khu vực Tam giác Vàng luôn là vấn đề “nóng” đối với Chính phủ ba nước trong khu vực.
Bài học chống ma túy và phép lạ Doi Tung
Ở Thái-lan, việc trồng cây thuốc phiện, buôn bán và vận chuyển ma túy bị coi là bất hợp pháp kể từ năm 1959. Sau nhiều nỗ lực dẹp bỏ việc trồng cây thuốc phiện, đến nay vấn đề ma túy ở Thái-lan chủ yếu liên quan việc vận chuyển, buôn bán và lạm dụng loại chất kích thích này. Bọn buôn bán ma túy tìm đủ cách vượt sông Mê Công tuồn ma túy vào Thái-lan để tiêu thụ và chuyển tới thị trường châu Âu, châu Mỹ và châu Đại Dương.
Từ tháng 2-2003, Chính phủ Thái-lan triển khai chiến dịch mang tên “Cuộc chiến chống ma túy”. Trong chiến dịch này, các cơ quan chức năng Thái-lan thu giữ số lượng lớn ma túy viên tổng hợp, vũ khí và phương tiện chuyên chở. Theo Văn phòng Ủy ban kiểm soát ma túy Thái-lan (ONCB), tính từ đầu năm 2003 đến tháng 4-2005, Thái-lan bắt 163.701 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy, thu giữ gần 2,4 tấn heroin, xấp xỉ 108 triệu viên methamphetamine, tiêu diệt và bắt giữ một số tên. Chính phủ Thái-lan sẽ triển khai giai đoạn bốn cuộc chiến chống ma túy vào tháng 10 tới.
Ma túy đưa vào Thái-lan dưới nhiều dạng như heroin, cocaine, katemine nhưng thường là ma túy tổng hợp như methamphetamine (tiếng Thái gọi là yaba hay thuốc điên), ecstasy (thuốc lắc).
Theo ông Suthep Tiewtrakul, chỉ huy Cơ quan phối hợp kiểm soát ma túy huyện Chiang Khong, giáp biên giới Lào, một viên methamphetamine bán bất hợp pháp ở Chiang Khong hoặc ở Chiang Saeng có giá gốc khoảng 80 baht (32 nghìn đồng Việt Nam) nếu chuyên chở trót lọt xuống miền nam Thái-lan sẽ có giá hơn gấp bốn lần: 350 baht (140 nghìn đồng Việt Nam) và gấp đôi mức này nếu tới thị trường Mỹ, châu Âu. Trong khi đó, một hộp nhựa nhỏ thường được bọn buôn lậu sử dụng đựng thuốc viên yaba có thể chứa tới 200 viên.
Là người làm công tác hải quan cửa khẩu Mae Sai, huyện Chiang Saeng (Chiang Rai) khu vực tiếp giáp Myanmar, thanh tra Arun Sangsasithorn nắm rất chắc các thủ đoạn của bọn buôn lậu. Ông cho biết những kẻ buôn bán thường phân tán nhỏ lẻ, cất giấu trong hàng hóa và đồ dùng như máy nghe nhạc, hộp mỹ phẩm, đế giày, hộp kẹo chocolate, đồ chơi trẻ em, thùng đựng nhiên liệu của xe ô-tô, xe máy, giấu quanh người.
Một hình thức phổ biến thường được bọn vận chuyển ma túy sử dụng là đựng ma túy bằng bao cao-su và đưa qua hậu môn giấu trong trực tràng. Không chỉ vậy, bọn buôn bán còn sử dụng cả trẻ em vào việc vận chuyển ma túy, đóng giả nhà sư để chuyển hàng cấm. Chính vì thế các cơ quan chức năng Thái-lan luôn phối hợp chặt chẽ trong việc phát hiện và truy bắt tội phạm.
Cùng việc chủ động truy quét ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển ma túy, Thái-lan phối hợp với các nước láng giềng như Myanmar, Lào tuần tra chung và chia sẻ thông tin. Trong các hoạt động phối hợp từ đầu năm đến tháng năm vừa qua, Thái-lan và Myanmar bắt được chín tên buôn lậu, thu 800 nghìn viên methamphetamine, Thái-lan và Lào bắt được một tên, thu giữ 208 nghìn viên methamphetamine, cả ba nước phối hợp bắt giữ ba tên và 350 gam heroin.
Thái-lan cùng nhất trí với các nước thành viên ASEAN, xây dựng một ASEAN không ma túy vào năm 2015, tham gia ký Bản ghi nhớ kiểm soát ma túy với năm nước Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar và Việt Nam dưới sự chủ trì của UNODC…
Tuy nhiên, điểm quan trọng là Thái-lan được cộng đồng quốc tế đánh giá cao ở phương thức đối phó vấn đề ma túy một cách bền vững. Đặt mục tiêu xóa bỏ về cơ bản tệ nạn ma túy trên toàn quốc vào năm 2008, Thái-lan ý thức được việc cần thiết phải áp dụng các biện pháp phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt tại những điểm nóng về ma túy như khu vực Tam giác Vàng.
Một trong những mô hình xóa bỏ thành công việc trồng cây thuốc phiện là dự án phát triển Doi Tung ở Chiang Rai do quỹ Mae Fah Luang và Chính phủ Thái-lan thực hiện. Đây là sáng kiến của Hoàng thái hậu Srinagarindra, thân mẫu Quốc vương Thái-lan Bhumibol Adulyadej.
Dự án bắt đầu từ năm 1988 đến 2017, được chia thành ba giai đoạn với mục tiêu xóa bỏ việc trồng thuốc phiện và sử dụng ma túy, xóa đói nghèo, cải thiện và xây dựng đời sống kinh tế, xã hội bền vững cho người dân thông qua việc tuyên truyền, cải tạo môi trường, hướng dẫn chuyển đổi canh tác từ trồng cây thuốc phiện sang những loài cây cho hiệu suất kinh tế cao như cà-phê, macadamia, tạo điều kiện cho người dân địa phương phát triển ngành nghề nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ du lịch...
Khác các chương trình phòng chống ma túy thông thường, từ năm 1988, dự án chú trọng xóa đói nghèo cho người dân, coi đó là tiền đề xóa bỏ cây thuốc phiện. Nhờ dự án này, khu vực Doi Tung xóa bỏ hoàn toàn việc trồng cây thuốc phiện trở thành một trong những điểm tham quan du lịch của Thái-lan.
Sau 17 năm dự án Doi Tung đi vào hoạt động, khu vực này đã biến đổi rõ rệt. Từ một vùng đồi núi cằn cỗi nghèo khổ, môi trường bị tàn phá nặng nề, Doi Tung vươn mình thành địa điểm du lịch hấp dẫn với bầu không khí trong lành và những cảnh quan tuyệt mỹ, được so sánh như là một “Geneva của Thái-lan”.
Đến nay, độ che phủ rừng đã tăng từ 45% năm 1998 lên tới hơn 80%, thu nhập bình quân đầu người hằng năm tăng từ 3.772 baht (1998) lên hơn 31 nghìn baht (2005). Hàng năm, một lượng lớn khách du lịch đổ dồn về đây vào mùa khô từ tháng 11 đến tháng 5 để tham quan Tam giác Vàng, Bảo tàng thuốc phiện, ngắm những giò hoa phong lan khoe sắc, tới thăm các cơ sở sản xuất và bán đồ thủ công mỹ nghệ…
Theo trợ lý Giám đốc điều hành Dự án Doi Tung Pimpan Diskul Na Ayudhaya, thành công của dự án là cơ sở để Myanmar phát triển dự án tương tự tại khu vực Yong Kha thuộc bang Shan giáp khu vực Doi Tung của Thái-lan. Afghanistan cũng đang phát triển dự án chia sẻ thông tin và kiến thức phát triển bền vững nhằm xóa bỏ thuốc phiện và ma túy.
Bức tranh trên đà hoàn thiện
Đến năm ngoái, theo báo cáo của UNODC, diện tích trồng thuốc phiện của Myanmar còn khoảng 44.200 ha, giảm khoảng 106 nghìn ha so với diện tích năm 1990, Lào còn 6.600 ha, giảm hơn 23 nghìn ha so với năm 1990. Ở Thái-lan, từ năm 2003 đến nay, diện tích trồng cây thuốc phiện cơ bản được triệt phá hoàn toàn.
Cô Noi, nhân viên hướng dẫn thuộc phòng du lịch Doi Tung ví von rằng nếu coi khu vực Tam giác Vàng là một bức tranh toàn cảnh thì Doi Tung là điểm sáng của bức tranh ấy. Quả vậy, Doi Tung xứng đáng là kinh nghiệm không chỉ của riêng Thái-lan mà còn của nhiều nước trên thế giới trong cuộc chiến xóa đói nghèo và loại trừ ma túy khỏi cuộc sống cộng đồng như xác nhận của Giám đốc điều hành UNODC Antonio Maria Costa.
Tuy nhiên, còn không ít khó khăn trong cuộc chiến chống ma túy ở đây. Trước tiên địa hình phức tạp bao gồm đồi núi, sông ngòi và rừng rậm là một trong những khó khăn với cơ quan chức năng của cả ba nước Thái-lan, Lào và Myanmar khi truy bắt các băng nhóm buôn bán ma túy cũng như ngăn chặn việc trồng cây thuốc phiện.
Không chỉ vậy, đây là khu vực biên giới ba nước nên các đối tượng dễ dàng lẩn trốn qua các nước khác nếu bị truy bắt. Đường biên giới cũng khá dài, nếu lực lượng mỏng, cơ quan chức năng các nước rất khó kiểm soát.
Tiếp đến, ma túy là một món hàng siêu lợi nhuận nên mặc dù bị ngăn chặn ráo riết nhưng không ít kẻ vì hám lợi vẫn tiếp tục trồng trọt, vận chuyển và buôn bán chất này.
Để tiếp tục ngăn chặn có hiệu quả việc trồng trọt, buôn bán, vận chuyển ma túy, theo UNODC, ngoài việc thực hiện các biện pháp mạnh, các nước cần chú trọng tuyên truyền, vận động người dân, tạo cho họ cơ hội việc làm nhằm xóa đói giảm nghèo, tăng cường hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm, kiểm soát chặt chẽ và thông tin kịp thời những diễn biến liên quan vấn đề ma túy…
Cheo leo trên độ cao 1.509 mét so mặt biển, đồn biên phòng Chang Muk của Thái-lan nằm ở điểm cao nhất của vùng núi Doi Tung, giáp biên giới Myanmar. Khoát tay chỉ cả khu vực rộng lớn, trung úy đồn trưởng Dusit Melab nói, việc trồng cây thuốc phiện phía bắc Thái-lan đến nay hầu như đã chấm dứt, tuy nhiên những hoạt động vận chuyển, buôn bán ma túy qua biên giới vẫn là vấn đề nóng.
Theo trung úy Dusit Melab, ở độ cao này, từ trong những công sự chất bằng bao tải cát, binh lính Thái-lan dễ dàng quan sát và kiểm soát các hoạt động vận chuyển ma túy qua biên giới. Chỉ tính trong tháng 12-2004, đồn biên phòng Chang Muk đã bắt giữ 40 nghìn viên ma túy buôn lậu qua biên giới.
Từ cao điểm Chang Muk, khi cơn mưa đã ngớt, nhìn ra chung quanh chúng tôi chỉ thấy một màu xanh bạt ngàn, ngút tầm mắt. Thế nhưng, cũng theo lời trung úy Dusit Melab, ở thung lũng dưới chân đồn biên phòng Chang Muk phía bên kia biên giới, nơi lúp xúp của vài chục nóc nhà của người dân sắc tộc Shan của Myanmar lại là một làng nhỏ có thể sản xuất tới 100 viên ma túy/ngày.
Xây dựng một Tam giác Vàng đoạn tuyệt hẳn quá khứ và trở thành một vùng đất yên bình với những điểm tham quan kỳ thú không chỉ là ước mong của cô nhân viên du lịch đất Thái mà có lẽ còn là niềm hy vọng của các quốc gia ở đây. Bức tranh hoàn thiện về “Tam giác Vàng không ma túy” vẫn đang ở phía trước và là mục tiêu phấn đấu của các quốc gia trong khu vực.
Vũ Mai Hoàng Phóng viên báo Nhân Dân thường trú tại Thái-lan
|