Đây là lần thứ 3, Trần Thị Phú, 30 tuổi, trú tại khối 7, phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò bị bắt giữ về hành vi trộm cắp tài sản giá trị lớn.
Lần thứ nhất, năm 1997, Phú bị bắt trong một phi vụ trộm cắp tiền ở một khách sạn Xanh, thị xã Cửa Lò. Lĩnh án 3,5 năm tù giam, Phú đi cải tạo tại Trại giam Đồng Sơn, Quảng Bình. Cái tuổi đẹp nhất của thời con gái bị khuất lấp sau song sắt, nhưng cơ hội vẫn còn ở phía trước. Phú được giảm án tha tù trước thời hạn.
Về lại quê nhà, Phú chẳng chú tâm lắm với việc kiếm cho mình một cái nghề ổn định. Phú bảo ở quê mình đàn ông chủ yếu làm nghề đi biển, phụ nữ chủ yếu lo việc nhà, chế biến hải sản. Công việc cá mú đôi khi không tránh được sự tanh tưởi nên nhiều lúc Phú cũng ngại đụng chân, đụng tay. Thế nên, rất nhanh chóng, Phú quay lại đường cũ.
Cửa Lò vốn là một thị xã du lịch, hằng năm lượng khách đổ về đây nghỉ ngơi rất lớn. Với những người như Phú, đây là một… tiềm năng. Nhưng rồi, trong một lần trộm cắp tài sản của khách du lịch ở khách sạn, Phú bị bắt năm 2005.
Toà lại xử Phú 42 tháng tù giam. Cải tạo tại Trại giam số 5 (Thanh Hóa). Tháng 8/2008, Phú mới được trả tự do. Tính cả lần bị bắt thứ 3 vào ngày 22/11, đây là lần thứ ba Phú bị bắt sau khi "tác nghiệp" ở khách sạn.
 |
Trần Thị Phú tại cơ quan Công an. |
Tôi hỏi tại sao lại chọn khách sạn làm nơi hành nghề, Phú cho biết "quan điểm" của mình là không lấy của người cùng làng, cùng xã mà phải lấy của người lạ. Khách sạn là nơi những vị khách du lịch từ các nơi đến trọ. Những người ở trọ trong khách sạn thường lắm tiền. Khách sạn Sao Mai được xếp là hạng sang nhất trên địa bàn TP Thanh Hóa, thế nên không phải ngẫu nhiên khi đi từ Nghệ An ra, Phú đến đây thuê trọ.
Trung úy Trần Văn Hà, điều tra viên trực tiếp thụ lý vụ án cho biết, chiều 21/11, Phú đến khách sạn Sao Mai thuê phòng 714. Khoảng 1h sáng 22/11, Phú trở dậy đi trộm cắp. 5h cùng ngày, anh Trần Ngọc Quế, Viện Huyết học Truyền máu TW, nghỉ trọ tại phòng 1105 báo với bảo vệ khách sạn việc mất trộm. Vụ việc lập tức được báo cho Công an TP Thanh Hóa, hai giờ sau, Phú bị bắt với tang chứng, vật chứng đầy đủ.
Trong khi trò chuyện với tôi, Phú liên tục nhắc đến tên người yêu. Vì người này, Phú không quản đường xa tìm đến nhà thăm bố mẹ và cùng họ vào Trại 5 thăm anh ta. Đó là phạm nhân Cao Văn Thủy, quê ở huyện Cẩm Thủy, Thanh Hoá. Phú quen Thủy khi cả hai cùng lao động trong phân xưởng sản xuất chiếu ở Trại 5. Từ ánh mắt vô tình gặp trong khi lao động đã dẫn đến sự quý mến.
Hết giờ lao động, trên đường về buồng giam dù không đi cùng hàng nhưng giữa họ vẫn giao tiếp bằng tín hiệu. Phú ở buồng giam phân trại nữ, Thủy ở bên khu giam giữ phạm nhân nam. Đó là sự cách biệt về không gian, một trở ngại đáng kể cho những người có nhu cầu gặp gỡ, tâm tình. Thế nhưng, khi con tim cùng chung nhịp đập, họ đã có cách giao tiếp khá đặc biệt - viết vào không khí.
Bằng cách này, ban đầu họ chỉ là những thông tin cơ bản. Càng về sau, họ chuyển đến nhau những thông điệp sâu xa hơn. Còn dòng chữ "anh yêu em" hay "em yêu anh" thì cả hai chỉ cần nhìn loáng qua động tác của bàn tay trên không khí là hiểu ý liền.
Ngày ra trại, Phú hứa sẽ đến thăm gia đình Thủy ở Thanh Hóa. Tôi hỏi tại sao ra tù những 3 tháng mới đến thăm nhà người yêu. Phú bảo vì chưa có tiền. Tôi lại hỏi lúc lên đường từ Nghệ An, trong túi có bao nhiêu tiền. Phú lại bảo có 5.000.000đ. Số tiền này Phú dùng để đi xe khách, nghỉ ở khách sạn và mua quà cho mẹ chồng tương lai, thăm nuôi Thủy. Dường như với Phú, số tiền này quá ít cho cuộc ra mắt gia đình người yêu. Thế nên, nửa đêm cô ta mới dở ngón nghề với mục đích kiếm thêm tiền cho cuộc ra mắt thêm hoành tráng.
"Em mới nói chuyện với mẹ Thủy qua điện thoại. Em hứa sẽ và thăm và cùng bà đến Trại 5 thăm Thủy", ngồi trong nhà tạm giữ, Phú cho biết. Tôi hỏi tại sao đã đi tù nhiều lần mà vẫn tái phạm, suy nghĩ hồi lâu, Phú bảo: "Em muốn được uống một thuốc để chữa lành bệnh ăn trộm".
"Em mắc bệnh ăn cắp từ bé, khi lên 7, lên 8 tuổi", Phú tự thú. Địa điểm hành nghề đầu đời là các sân chiếu bóng, rạp xem phim. Phú nhằm vào các đôi trai gái, lén ăn cắp ví tiền. Lớn lên, Phú mới chọn khách sạn làm nơi "tác nghiệp". Chẳng có thuốc nào chữa được cho căn bệnh lười làm, thích kiếm tiền nhanh chóng cả.
"Lần này, em sẽ bị xử mấy năm tù? Lại còn tình tiết tăng nặng nữa chứ?", Phú chợt hỏi. Rồi Phú tính, Cao Văn Thủy phạm tội đánh người gây thương tích, bị xử 12 năm tù giam, nay đã thi hành án được 6 năm. Nếu cô ta bị xử mức án chừng ấy năm thì chả còn cơ hội làm người con gái tốt, chăm chỉ thăm nuôi người mình yêu được.
Giờ đây, hẳn Phú đang tiếc nuối. Tự cô ta đã rút ngắn thời gian được tự do, đến nỗi không kịp vào trại giam thăm người yêu. Không chỉ vậy, còn có một người mẹ nông dân có con đang chịu án phạt tù trông đợi gặp người trong mộng của con trai mình. Người con gái mà nó đem lòng yêu mến trong những ngày trả giá cho hành động tội lỗi của mình. Tiếc rằng, cuộc gặp mặt tưởng như rất gần lại hóa ra rất xa.
Một chuyện tình nảy nở trong trại giam tưởng sẽ đến ngày kết trái. Chỉ vì tham lam, không chịu tu dưỡng bản thân, cô gái 30 tuổi lần đầu nảy nở tình yêu với người khác giới này lại phải tiếp tục trả giá bằng những ngày tháng ở tù