Biết chủ trương Bộ Quốc phòng tuyển người đi lao động ở Hàn Quốc đối với quân nhân xuất ngũ, Nguyễn Thị Lan, 37 tuổi, giám đốc công ty TNHH Lan Giang, trụ sở ở phố Quan Nhân, Thanh Xuân, Hà Nội đã ra thông báo tuyển người.
Để tìm mối, Lan đã thuê Trần Anh Tuấn, 36 tuổi ở Gia Bình, Bắc Ninh tuyển người lao động. Mỗi người Lan chỉ thu 6.000 USD còn Tuấn có thể thu chênh lệch bao nhiêu tùy ý. Anh này được thể, thu của người cần đi xuất khẩu tới 8.000 USD.
Lan đã thông báo với Phạm Thị Lập (49 tuổi, giám đốc công ty cổ phần sông biển Bắc Nam, ở Thủy Nguyên, Hải Phòng) việc quân khu 3 đang tuyển người đi lao động. Chị ta nhờ Lập tìm đường dây chạy cho số lao động của công ty Lan Giang đi theo chỉ tiêu của Quân khu 3, nếu thành công sẽ được nhận 500 USD một người. Thấy vậy, bà Lập đã bàn bạc với Hoàng Văn Hỷ (56 tuổi, ở Ngô Quyền, Hải Phòng, chủ tịch HĐQT của công ty) tìm người.
Sau đó, ông Hỷ gặp Bùi Văn Trung (ở phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, Hải Phòng). Người đàn ông này tự giới thiệu với Hỷ là Thượng úy, làm ở phòng chính sách, Quân khu 3, chuyên về xuất khẩu lao động. Trung đưa cho ông Hỷ tờ thông báo tuyển người đi lao động ở Hàn Quốc.
|
Lan (trái) và Anh Tuấn tại tòa. |
Nhận được thông tin từ Lập, Lan đã thông báo và thực hiện tuyển lao động ồ ạt. Để tạo lòng tin cho các đầu mối thu tiền và người lao động, Lan đã mời các đầu mối đi ăn uống. Trong buổi gặp gỡ đó Lan dẫn theo Trần Văn Khảm là bộ đội Biên phòng và giới thiệu là chồng. Chị ta nói đơn vị của Khảm đang tuyển bộ đội xuất ngũ đi lao động nước ngoài.
Sau khi, tạo được lòng tin với mọi người, Lan thu của mỗi người 8.000 USD cùng 2,5 triệu đồng học nghề. Bằng thủ đoạn đó, Lan đã lừa được 101 người lao động và các đầu mối tuyển người.
Theo tố cáo của các nạn nhân, Lan đã nhận từ 7 đầu mối và người lao động trực tiếp nộp cho Lan 6,107 triệu USD và 237,5 triệu đồng học phí đào tạo nghề. Nhận được tiền xong, Lan cũng tổ chức cho một số lao động đi học nghề và khám sức khỏe, đồng thời đưa ra tờ thông báo của phòng chính sách sư đoàn về việc cho người đi lao động.
Lan hứa hẹn rằng chỉ sau 3 tháng, chậm nhất là 6 tháng người lao động sẽ được ký hợp đồng và sang Hàn Quốc làm việc. Tuy nhiên, người lao động đợi khá lâu nhưng vẫn bặt vô âm tín. Đến khi Lan bỏ trốn, mọi người mới biết đã bị lừa.
Ngày 3/3/2006 Lan (ở Hải Dương) đã bị bắt. Lan khai số tiền thu của người lao động đưa cho Lập 133.000 USD, Hỷ 64.000 USD, trả cho các đầu mối được 134.200 USD, còn lại Lan chi tiêu cho cá nhân hết.
Ngày 25/11, TAND TP Hà Nội đã đưa Lan và đồng bọn ra trước vành móng ngựa về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nạn nhân của nữ giám đốc này đa phần là những nông dân nghèo, đông nhất là ở Bỗ Trạch, Quảng Bình với 31 người. Để có tiền, nhiều người đã vay mượn, cầm cố sổ đỏ để nộp cho Lan. Bị hại không biết đến bao giờ mới có thể nhận lại được tiền của mình.
Phiên tòa diễn ra trong ba ngày, đến chiều 28/11, HĐXX sau khi xem xét đã tuyên phạt Lan tù chung thân, Lập 8 năm tù, Anh Tuấn 9 năm, Hỷ 10 năm tù về tội trên.
Việt Dũng
Theo Ngoisao.net
▪ Người có HIV nên công khai danh tính khi cần sự hỗ trợ (18/08/2008)
▪ Chuyện tình nữ đạo chích (29/11/2008)
▪ Ba sát thủ chém chết người tại sảnh khách sạn (29/11/2008)
▪ Bắt quả tang hộ lý vứt bệnh phẩm là khối u, rau thai (29/11/2008)
▪ Bắt 26 “cư dân bay” tại sàn VietPlaza (28/11/2008)
▪ Quyết liệt đuổi bắt 2 tên cướp người nước ngoài (28/11/2008)
▪ Bị nghi lấy trộm 5.500 đồng, một cháu bé bị trói đến chết (27/11/2008)
▪ Sát nhân tuổi teen và chiếc xe đạp (27/11/2008)
▪ Giết cháu vì tranh cãi bộ nhớ điện thoại, chú lãnh tù (27/11/2008)
▪ Giết bạn vì va chạm trong khi chào cờ (26/11/2008)