Muốn tiết kiệm thì phải xây dựng định mức hợp lý
Các Website khác - 30/09/2005
Bên lề phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, góp ý xây dựng dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bà Dương Thu Hương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội cho biết: "Sau khi lấy ý kiến của nhân dân, dự luật đã được bổ sung một số nội dung mới, thể hiện rõ ràng hơn, đầy đủ hơn, hợp lý hơn".
* Thưa bà, những nội dung mới được bổ sung vào dự thảo Luật lần này là gì?

- Đó là phạm vi điều chỉnh của Luật đã được mở rộng thêm sang lĩnh vực thời gian và đào tạo. Thời gian ở đây là thời gian lao động và được hiểu rất rộng. Cụ thể, đó là thời gian của cán bộ, công chức nhà nước thực hiện 8 giờ lao động, thời gian để các lãnh đạo xử lý, giải quyết công việc, thời gian để thẩm định dự án, cấp vốn cho dự án... Tất cả những thời gian đó nếu bị bớt xén hoặc kéo dài cũng bị coi là lãng phí.

Vấn đề chống lãng phí trong đào tạo được đưa thêm vào nhằm mục đích để sao cho đào tạo phải sát với thực tế, phù hợp với yêu cầu của thị trường. Nếu như theo quan điểm cũ, thì chỉ tiêu bao nhiêu đào tạo bấy nhiêu là không phù hợp, nhưng bây giờ người ta có nhu cầu bao nhiêu thì phải tiến hành tạo điều kiện đào tạo bấy nhiêu để đáp ứng yêu cầu của thực tế. Những điều này cũng đã được nói rõ trong dự thảo Luật.

* Theo bà, quy định là vậy, song trên thực tế, các quy định này rất khó định lượng?

- Theo tôi, quy định trong dự luật là đã rõ, điều quan trọng là ở khâu tổ chức thực hiện. Điểm mấu chốt để Luật đi vào cuộc sống chính là ở chỗ phải xây dựng định mức hợp lý. Để có sự hợp lý này thì định mức phải được xây dựng trên cơ sở khoa học, sát với thực tế và phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước. Ba căn cứ này phải kết hợp một cách nhuần nhuyễn để tạo ra được định mức hợp lý.

* Nhưng từ trước đến nay, việc xây dựng các tiêu chuẩn, định mức sát với thực tế là rất khó?

- Quả là khó, nhưng tôi nghĩ rằng, nếu thực hiện được cơ chế khoán thì sẽ xử lý tốt vướng mắc này. Cụ thể, với khả năng ngân sách như vậy, trong cơ quan A có từng này chức năng, nhiệm vụ, cán bộ, công nhân viên có từng này việc phải làm, tôi khoán cho anh. Trong việc khoán này đã phải phù hợp với khả năng ngân sách rồi, người thực hiện phải thực hiện theo kinh tế thị trường, theo thực tế, nhưng không được vượt quá mức tôi đã khoán. Thế là được! Trong quá trình thực hiện, nếu đơn vị tiết kiệm được thì lại càng có lợi.

* Trong dự thảo Luật, vấn đề trách nhiệm cá nhân được xử lý ra sao?

Dự thảo Luật đã quy định trách nhiệm của cơ quan ban hành định mức. Nếu cơ quan này làm không đúng quy định cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đối với các cơ quan thực hiện định mức thì người đứng đầu cũng phải chịu trách nhiệm nếu vượt quá định mức. Cụ thể, bản thân người đứng đầu cơ quan đó phải thực hiện đúng quy định về định mức tiêu chuẩn, đồng thời phải chỉ đạo cơ quan thực hiện tiết kiệm.

Điều này thể hiện rõ trách nhiệm công dân cũng như trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Nếu để xảy ra lãng phí tại cơ quan, đơn vị mình, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm bồi thường và phải bị xử lý kỷ luật, nếu sai phạm nghiêm trọng thì còn có thể bị xử lý hình sự nữa.

* Có một thực tế là, giá cả thì tăng hằng năm, song định mức vẫn "đứng im" trong nhiều năm. Như vậy, dù muốn hay không, ở chừng mực và lĩnh vực nào đó, khái niệm "tiết kiệm" không đúng với bản chất của nó, thưa bà?

- Đúng thế, cơ quan xây dựng định mức phải làm sao bổ sung, rà soái, thay đổi kịp thời định mức so với những biến đổi của thực tiễn. Chúng ta không thể chấp nhận là đến năm 2005, nhưng vẫn còn phải thực hiện theo định mức, tiêu chuẩn của những năm 90 của thế kỷ trước.

* Dư luận nhân dân vẫn bất bình với việc lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị Nhà nước mua xe ô-tô vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Vậy vấn đề này có được giải quyết trong dự luật này không?

Theo quy định của dự thảo Luật, đơn vị nào mua xe vượt tiêu chuẩn sẽ phải bồi thường. Đây là một sự răn đe mà tôi cho rằng rất hữu hiệu. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn nhấn mạnh về vấn đề định mức, tiêu chuẩn. Thí dụ như miền núi, đường đi rất khó khăn, nếu chúng ta vẫn quy định tiêu chuẩn, định mức như các tỉnh đồng bằng là không phù hợp.

Có cán bộ đã nói với tôi rằng, nếu mua đúng tiêu chuẩn, định mức cũng được, nhưng chiếc xe đó chỉ chạy được một năm là hỏng, nhưng nếu mua vượt lên một chút thôi thì lại có được một chiếc xe chạy đến 4-5 năm. Vậy chúng ta lựa chọn phương án nào? Đây chính là yêu cầu thực tế và các tiêu chuẩn, định mức phải tính đến.

Theo Đầu tư