Mức trợ cấp tạo việc làm khi hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ
Các Website khác - 30/09/2005
Hỏi: Đề nghị cho biết, mức trợ cấp tạo việc làm đối với hạ sĩ quan, binh sĩ khi xuất ngũ được xác định như thế nào?

Trả lời: Theo quy định của Mục II Thông tư liên tịch số 138/2004/TT-BQP ngày 5-10-2004 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn chế độ trợ cấp tạo việc làm đối với hạ sĩ quan, binh sĩ khi xuất ngũ thì mức tiền trợ cấp tạo việc làm đối với hạ sĩ quan, binh sĩ khi xuất ngũ được xác định như sau:

Mức trợ cấp tạo việc làm = 6 tháng x Tiền lương tối thiểu tại thời điểm xuất ngũ.

Thí dụ: Anh Nguyễn Văn A nhập ngũ tháng 1-2003, được xuất ngũ ngày 10-1-2005 (thời hạn phục vụ tại ngũ của anh A là hai năm).

Mức lương tối thiểu tại thời điểm xuất ngũ là 290.000 đồng.

Vậy mức trợ cấp tạo việc làm đối với anh A là: 6 tháng x 290.000 đồng = 1.740.000 đồng.

Tuy nhiên, mức trợ cấp tạo việc làm này chỉ áp dụng đối với hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội có thời gian phục vụ tại ngũ đủ 24 tháng trở lên và đủ 36 tháng trở lên theo quy định về thời hạn phục vụ tại ngũ tại Điều 14 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ Quân sự năm 1990.

Không áp dụng đối với những trường hợp xuất ngũ quy định tại Điều 8 quy định việc thực hiện xuất ngũ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ ban hành kèm theo Quyết định số 2528/2000/QĐ-BQP ngày 2-11-2000 của Bộ trưởng Quốc phòng.

-------------

Quyền thay đổi di chúc miệng

Hỏi: "Bố tôi bị bệnh hiểm nghèo, khi còn nằm trên giường bệnh bố tôi có di chúc miệng cho tôi được thừa kế toàn bộ di sản do bố tôi để lại, có ba người làm chứng. Nhưng sau 5 tháng điều trị, bệnh tình bố tôi thuyên giảm nên bố tôi lại thay đổi ý định không cho tôi được hưởng toàn bộ số tài sản trên. Đề nghị cho biết bố tôi có được thay đổi di chúc miệng không".

Trả lời: Theo Điều 654 Bộ luật Dân sự thì: trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.

Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.

Sau 3 tháng kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng bị hủy bỏ".

Căn cứ vào quy định trên thì bố bạn di chúc miệng đã được 5 tháng và bệnh tình của bố bạn có phần thuyên giảm, do đó bố bạn hoàn toàn có quyền thay đổi lại di chúc miệng.

Theo Pháp luật Việt Nam