Nhận được tin báo của Công ty bảo vệ Thăng Long, thuộc Tổng cục Hậu cần - Bộ Công an, đầu giờ chiều 9-3, Công an quận 1, Công an phường Bến Thành đã bắt quả tang một nhóm ba người giả danh phóng viên, biên tập viên Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV) đang làm tiền doanh nghiệp. Các đương sự được đưa về trụ sở Công an phường Bến Thành để lấy lời khai, cùng tang vật là máy quay phim và một xe ô-tô bốn chỗ Toyota Camry biển kiểm soát 51LD - 0789.
Qua những lời khai ban đầu, nhận định đây là một vụ lừa đảo nghiêm trọng, Công an quận 1 đã khẩn trương tiến hành điều tra mở rộng vụ án. Khoảng 16 giờ 30, lực lượng công an đã khám khẩn cấp nơi ở, làm việc của nhóm "nhà báo" lừa đảo tại địa chỉ trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3 và 6N Ngô Tất Tố, phường 22, quận Bình Thạnh. Đến 18 giờ 15 phút, từ lời khai thêm của các đối tượng, một nhóm công an tiếp tục triển khai khám khẩn cấp nơi ở của bốn đối tượng thuộc nhóm nhà báo dỏm tại địa chỉ phòng số 8, nhà A1K3 Ngô Tất Tố, phường 22, quận Bình Thạnh.
Theo những thông tin ban đầu, đại diện nhóm "nhà báo" lừa đảo liên hệ với Công ty bảo vệ Thăng Long qua điện thoại, xưng là phóng viên HTV, đề nghị được làm phóng sự phát trên truyền hình với giá 4,5 triệu đồng. Ngày 8-3, một nhóm ba người đã xuống Công ty Thăng Long để tác nghiệp. Công ty này đã dẫn nhóm phóng viên đến ngay Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh để quay một hạng mục công trình mà công ty đang thực hiện cho đài. Khi đưa nhóm "nhà báo HTV" vào chính trụ sở HTV thì nhóm này... không rành lối đi. Hỏi giấy tờ thì nhóm "nhà báo" không xuất trình được. Nghi ngờ "nhà báo" dỏm, Công ty Thăng Long một mặt tiếp tục hẹn ngày 9-3 đến làm việc, một mặt báo cáo các cơ quan chức năng để xin ý kiến chỉ đạo. Chiều 9-3, khi ba "nhà báo" đến tác nghiệp thì bị Công an quận 1, Công an phường Bến Thành xuất hiện bắt quả tang.
Theo thông tin ban đầu nhóm "nhà báo" lừa này hoạt động khá chuyên nghiệp và có 12 người, gồm 7 nam và 5 nữ, hầu hết đều dưới 30 tuổi, do Nguyễn Thị Phương Dung, 24 tuổi, quê ở Tam Kỳ, Quảng Nam cầm đầu. Phương thức hoạt động của nhóm là thông qua các mối quan hệ hoặc tìm điện thoại trên niên giám, gọi đến các doanh nghiệp đề nghị đến làm phóng sự phát trên truyền hình. Khi đối tác "OK", nhóm "nhà báo" liền đi thuê xe hơi đời mới, dán logo HTV, BTV... tùy theo danh xưng khi quan hệ với đối tác, rồi vác máy xuống... quay phim, phỏng vấn đàng hoàng. Sau khi tác nghiệp xong, nhóm này đề nghị được nhận tiền bồi dưỡng, cũng có phi vụ tiền bồi dưỡng được đề xuất ngay từ đầu.
Xe của Công an quận 1 đưa các nhà báo dỏm về trụ sở.
Từ 28-2-2006, Dung thuê một phần căn nhà số 6N Ngô Tất Tố, phường 22, quận Bình Thạnh, để làm văn phòng giao dịch, giá thuê 800.000 đồng/tháng. Theo người dân nơi đây, cách đây hai ngày, nhóm này cho người sơn cánh cửa bên ngoài cho mới, nhưng phía trong thì vẫn tuềnh toàng giống căn nhà trọ hơn là "Văn phòng truyền hình HTV"...
Khi thấy công an đến khám xét, hàng trăm người dân đã tụ tập đến xem khiến đoạn đường này bị ùn tắc giao thông. Đến 19h30, việc khám xét "văn phòng" mới hoàn tất. Cơ quan công an đã thu giữ 8 chiếc xe gắn máy cùng nhiều sổ sách, danh bạ điện thoại, danh thiếp của giám đốc rất nhiều công ty mà nhóm "nhà báo" đã kinh qua...
Còn tại địa chỉ A1K3 Ngô Tất Tố, sáu cán bộ công an phải làm việc liên tục hơn một giờ đồng hồ mới kiểm tra hết các đồ vật của bốn "nhà báo" trong nhóm. Theo chủ nhà A1K3, nhóm bốn người này vừa dọn đến thuê phòng hôm 8-3, với giá 1 triệu đồng/tháng, nhưng mới đặt cọc 100 nghìn đồng. Người đến giao dịch thuê phòng là Nguyễn Trọng Phương, 30 tuổi, quê ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Khi đến thuê phòng, Phương dò hỏi rất nhiều về tình hình an ninh trật tự, về việc công an khu vực có thường xuyên đến kiểm tra hay không... Ngoài ba vali quần áo, nhóm của Phương mang theo rất nhiều thùng tài liệu, đồ đạc sinh hoạt, một ti vi LG 21 inches, một đầu DVD, một máy ảnh tự động và một bộ loa vi tính.
Đáng lưu ý, trong số các đồ đạc của nhóm Phương có cả một bộ cầu vai chiến sĩ quân đội nhân dân, bít-tất công an và rất nhiều hồ sơ, đơn khiếu nại nhà đất, hợp đồng mua bán nhà đất... chứng tỏ lĩnh vực hoạt động của nhóm này rất rộng và khá "chuyên nghiệp". Tại địa chỉ này, Phương còn giữ gần nguyên một hộp danh thiếp ghi công tác tại Phòng thông tin của Trung tâm sản xuất phim truyền hình VCD - Đài phát thanh - truyền hình Bình Dương, có văn phòng tại... 302 Cô Bắc, phường Cô Giang, quận 1...
Trước khi bị bắt tại Công ty bảo vệ Thăng Long, từ đầu tuần đến nay nhóm "nhà báo" lừa đảo đã tổ chức "quay phim làm phóng sự" cho hai công ty khác trên địa bàn quận Thủ Đức, chiếm đoạt nhiều triệu đồng. Nguồn tin này cũng cho biết Nguyễn Thị Phương Dung từng là cộng tác viên của Tạp chí HTV (?). Còn qua thông tin trao đổi giữa các "nhà báo" với công an cho thấy, có rất nhiều đối tượng trong nhóm này đã từng cộng tác, tập sự tại các cơ quan truyền thông. Hiện vụ việc vẫn đang được Công an quận 1 tiếp tục điều tra, mở rộng.
|