Dịch vụ đòi nợ thuê sẽ được pháp luật thừa nhận
Các Website khác - 10/03/2006

Bộ Tài chính đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi công chúng để sớm hoàn thành dự thảo Nghị định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Một nội dung đáng chú ý trong dự thảo là nghiêm cấm các hành vi lừa gạt, sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực đối với khách nợ.

Nhiều doanh nghiệp đang bó tay với khoản nợ khó đòi (Unicom).

Theo dự thảo đang được Bộ Tài chính xây dựng, dịch vụ đòi nợ chỉ được thực hiện theo thỏa thuận trên cơ sở hợp đồng ký kết giữa bên chủ nợ và doanh nghiệp được phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Các cá nhân, tổ chức đều có thể lập doanh nghiệp kinh doanh loại hình dịch vụ này và sẽ chịu sự quản lý của Bộ Tài chính. Trong đó, đơn vị kinh doanh dịch vụ đòi nợ không được thực hiện dịch vụ đòi nợ đối với khoản nợ mà chính mình là khách nợ.

Dịch vụ đòi nợ theo quy định tại dự thảo chỉ được thực hiện đối với các khoản nợ đã quá hạn thanh toán phát sinh trong giao dịch dân sự và phải có đầy đủ giấy tờ pháp lý theo quy định của pháp luật. Đối với các khoản nợ không phát sinh trong giao dịch dân sự, chưa quá hạn thanh toán, đang tranh chấp hoặc đã được Toà án tuyên án và chuyển sang cơ quan thi hành án để xử lý... sẽ không nằm trong đối tượng thực hiện của dịch vụ đòi nợ...

Trong quá trình triển khai nghiệp vụ, đơn vị kinh doanh dịch vụ đòi nợ không được thực hiện hoặc sử dụng những người ngoài doanh nghiệp mình, những tổ chức khác thực hiện các hành vi như lừa gạt, sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực đối với khách nợ, người thân của khách nợ hoặc những người, tổ chức khác có liên quan. Dịch vụ này không được xâm phạm đời tư của khách nợ, người thân của khách nợ hoặc những người khác có liên quan.

Theo tiết lộ của một quan chức Bộ Tài chính, nhiều khả năng ngay trong năm nay, dự thảo Nghị định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ sẽ được trình Chính phủ. Nghị định ra đời sẽ là hành lang pháp lý đầu tiên cho chủ sở hữu của những khoản nợ khó đòi trong tương lai.

M.K.