Phòng Thi hành án dân sự TP HCM vừa có công văn gửi lên các cơ quan có thẩm quyền, xin chấp thuận cho thực hiện kế hoạch công khai danh sách các doanh nghiệp chây ỳ, trốn tránh thi hành án.
Theo công văn gửi Bộ Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự, UBND và Sở Tư pháp TP HCM, kế hoạch trên sẽ được thực vào 3 tháng cuối năm 2005. Đầu tiên, chấp hành viên sẽ tập hợp danh sách các doanh nghiệp vi phạm (gồm tên doanh nghiệp, trụ sở, thành viên quản trị, sáng lập, tên giám đốc, phó giám đốc...) trình lên thủ trưởng cơ quan thi hành án duyệt. Tiếp đó sẽ đưa danh sách này lên trang web của UBND và Sở Tư pháp thành phố, trên một số tờ báo và đài truyền hình.
Theo ông Lương Vĩnh Phúc, Trưởng phòng Thi hành án dân sự, tính riêng án kinh tế trong 6 tháng đầu năm, cơ quan này phải tổ chức thi hành 1.054 vụ việc, nhưng chỉ mới giải quyết xong hoàn toàn 164 việc, còn tồn lại 890 việc, trong đó có tới 219 việc chưa có điều kiện thi hành. "Việc giải quyết án kinh tế đạt hiệu quả không cao, chưa đáp ứng được yêu cầu nhanh nhạy của cơ chế thị trường. Cùng với xu hướng ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia thương trường, tranh chấp kinh tế sẽ tăng và số lượng việc phải thi hành án sẽ không dừng ở con số hiện tại", ông Phúc nói.
Cũng theo ông Phúc, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là các doanh nghiệp phải thi hành án không có tài sản, không có tiền trong tài khoản dù cho hoạt động thương mại của doanh nghiệp vẫn tiến hành bình thường. Cũng có nhiều trường hợp, doanh nghiệp tự động "mất tích" mà không thông qua thủ tục giải thể, phá sản hợp pháp. Sau đó, họ lại lập thủ tục mở doanh nghiệp mới.
Chẳng hạn, vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán giữa Công ty Cổ phần Nam Tiến và Công ty TNHH Thương mại Quốc Thành. Kết quả phán quyết của tòa tuyên buộc Công ty Quốc Thành phải trả gần 670 triệu đồng cho Công ty Nam Tiến. Chỉ mới trả được 30 triệu, chưa nộp án phí nhưng công ty này đã "lặn". Đến địa chỉ đăng ký kinh doanh của Quốc Thành, cơ quan thi hành án cũng "bó tay" vì công ty đã "biến" mất.
Ông Phúc cho biết, mục đích của kế hoạch công khai danh sách các doanh nghiệp chây ỳ, trốn tránh thi hành án là nhằm giải quyết một phần án tồn đọng, tạo áp lực để các doanh nghiệp này phải ý thức đầy đủ nghĩa vụ của mình và tự nguyện thi hành án để bảo vệ thương hiệu. Hơn nữa, khi công bố danh sách, cơ quan Thi hành án dân sự có thể nhận thông tin từ nhân dân về tài sản, các khoản vốn góp vào doanh nghiệp khác, các cổ phần, các khoản tiền chi vay... mà đối tượng phải thi hành án đang che đậy.
Ngoài ra, cách làm trên còn nhằm cảnh báo các doanh nghiệp khác cần thận trọng khi xác lập quan hệ thương mại với các doanh nghiệp đã được nêu tên trên "bảng đen" đồng thời nhắc các doanh nghiệp khác phải tự nguyện thi hành án nếu có phán quyết của tòa án, trọng tài thương mại có hiệu lực pháp luật....
N.H.
▪ Hai Nghị định của Chính phủ về việc điều chỉnh lương (01/10/2005)
▪ Ngăn chặn tình trạng tái trở thành nạn nhân của những kẻ buôn người (01/10/2005)
▪ Cần sớm tháo gỡ vướng mắc về tài chính khi thu hồi đất của nông, lâm trường (01/10/2005)
▪ Trẻ em có thể tự mình xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự khi bao nhiêu tuổi? (01/10/2005)
▪ Tự đốt xe để trục lợi bảo hiểm (01/10/2005)
▪ Tự đốt ôtô để trục lợi bảo hiểm (01/10/2005)
▪ Con dâu cùng mẹ chồng buôn bán trẻ em (01/10/2005)
▪ Trưởng ban trọng tài Hà Nội nhận hối lộ (01/10/2005)
▪ Biện pháp chống nhũng nhiễu, tiêu cực ở Hải quan TP Hồ Chí Minh (30/09/2005)
▪ Triệt phá nhóm côn đồ tại buôn Tara, Đác Lắc (30/09/2005)