Doanh nghiệp vi phạm hợp đồng, người lao động chịu thiệt
Các Website khác - 25/02/2006
19 người lao động làm việc tại Malaysia theo hợp đồng được ký với Trung tâm xuất khẩu lao động và thương mại - Công ty cung ứng dịch vụ hàng không (Airserco) thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã phải về nước trước thời hạn một năm do không có việc làm. Nhưng điều bức xúc đối với những người lao động này là cách đối xử "tiền hậu bất nhất" của Trung tâm đối với họ.
Rất nhiều điều khoản trong hợp đồng đã bị vi phạm mà phần thiệt thòi đổ lên đầu người lao động.

Tháng 1-2004, Trung tâm xuất khẩu lao động và thương mại - Công ty Airserco ký hợp đồng với 19 người lao động, tất cả đều quê ở Thái Bình, về việc đi làm việc tại Malaysia, ngành xây dựng, trong đó có các điều khoản như sau:

- Thời gian làm việc: 8 giờ/ngày, 6 ngày/tuần.

- Lương cơ bản: 28 Ringgit Malaysia (RM)/ ngày (1RM = 4200 VND)

- Mức thuế Malaysia người lao động phải nộp mỗi năm là 1200 RM, số tiền này sẽ bị khấu trừ vào tiền lương hằng tháng.

- Trường hợp người lao động ốm đau, chủ sử dụng lao động phải có trách nhiệm đưa người lao động đi khám chữa bệnh, mọi kinh phí khám chữa bệnh của người lao động thực hiện theo chế độ bảo hiểm y tế .

- Trường hợp người lao động buộc phải về nước trước thời hạn vì lý do bất khả kháng thì chi phí vé máy bay về nước cho người lao động do chủ lao động chịu.

Nhưng trên thực tế, những điều khoản trên đã không được thực hiện hoặc vi phạm. Cụ thể là:

Hầu hết trong số 19 người lao động khi sang Malaysia đã phải "ăn không ngồi rồi" trong suốt ba tháng liền vì không có việc làm.

Trong hai năm đi lao động ở Malaysia, người may mắn nhất cũng chỉ có việc làm trong thời gian một năm, có người còn chịu cảnh thất nghiệp một năm rưỡi. Khi có việc làm thì chủ sử dụng lao động lại nợ lương, còn thuế thu nhập thì thu trước cả một năm! Theo hợp đồng đã ký kết thì lương tối thiểu một năm sẽ là gần 9000 RM nhưng thực tế người lao động chỉ được trả 3000 - 4000 RM/năm.

Ốm đau, thậm chí tai nạn lao động phải bỏ tiền chi phí khám chữa bệnh trong khi vẫn phải đóng tiền bảo hiểm y tế 40RM/quý. Tiền thuế đánh vào người lao động thì tăng lên 1700RM/năm

Sau hai năm vừa làm vừa chờ việc, có thời gian phải chờ việc tới 3-4 tháng, thì đến cuối tháng 12 - 2005, tất cả 19 người lao động nhận được thông báo phải về nước trước hạn hợp đồng một năm vì lý do khách quan: Không có việc làm! Chưa hết sửng sốt vì thông tin phải về nước trước thời hạn thì người lao động lại được thông báo phải chịu toàn bộ chi phí vé máy bay về nước. Không những thế, chủ sử dụng lao động còn không trả tiền lương tháng cuối cho họ.

Tại điều 3 của bản hợp đồng mà Trung tâm xuất khẩu lao động và thương mại (Công ty Airserco) đã ký với 19 người lao động có cam kết nghĩa vụ của doanh nghiệp là : Đảm bảo để người lao động được hưởng các quyền lợi (như đã nêu trên). Bồi thường hoặc yêu cầu đối tác bồi thường thiệt hại cho người lao động về những thiệt hại do doanh nghiệp hoặc đối tác nước ngoài gây ra theo pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật nước sở tại.

Thế nhưng, quyền lợi của người lao động đã không được bảo đảm. Một số điều khoản trong hợp đồng bị phía đối tác nước ngoài vi phạm gây thiệt hại cho người lao động nhưng Công ty Airserco đã không có những can thiệp kịp thời, hiệu quả.

Trở về Việt Nam với hai bàn tay trắng sau hai năm đi làm thuê xứ người. Nợ ngân hàng để chi phí cho các thủ tục đi xuất khẩu lao động chưa trả hết. Những người chỉ có việc làm trong thời gian sáu tháng thì tiền lương chỉ đủ trang trải cho các sinh hoạt tối thiểu hằng ngày, trong cả quãng thời gian nằm dài chờ việc, không có tiền gửi về trả nợ. Để đến bây giờ về nước phải ôm một món nợ không nhỏ. Giấc mộng đổi đời đã tan vỡ.

Mong muốn cuối cùng của họ là được Công ty Airserco hoàn trả lại những chi phí họ đã phải bỏ ra trước đó cho một năm không được làm việc và có chính sách bồi thường thiệt hại thoả đáng, cũng như can thiệp phía đối tác để họ được trả đủ lương, chi trả tiền vé máy bay. Nhưng lại một lần nữa, họ thất vọng.

Điều người lao động khó hiểu nhất, bức xúc nhất là trước khi lên đường đi làm việc tại Malaysia, Trung tâm xuất khẩu lao động và thương mại -Công ty Airserco yêu cầu người lao động nộp một khoản tiền 230 USD (gọi là tiền đặt cọc), khoản tiền này không được ghi trong hợp đồng, hứa là sẽ trả lại sau khi người lao động hoàn thành hợp đồng. Nhưng, sau khi thanh lý hợp đồng thì người lao động mới ngỡ ngàng vì không thấy khoản tiền đặt cọc ấy ở đâu. Hỏi thì được trả lời là số tiền đó được chi trả vào tiền hỗ trợ và phí môi giới!

Đến bây giờ thì tất cả 19 người lao động kể trên chỉ còn biết trông chờ vào các cơ quan chức năng xem xét, can thiệp để bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của họ.

Nguyễn Anh Thơ