Đa số đại biểu chuyên trách không đồng ý với luật hiện hành rằng, người khiếu nại lần đầu phải khiếu nại với chính người ra quyết định hành chính. Đại biểu cũng không tán thành phương án Chính phủ đề xuất là có thể khởi kiện ra tòa bất cứ lúc nào trong quá trình giải quyết khiếu nại.
Chiều 19/8, thảo luận về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật khiếu nại tố cáo, nhiều đại biểu cho rằng, quy định người ra quyết định hành chính là người giải quyết khiếu nại lần đầu của dân là "vừa đá bóng vừa thổi còi" không phù hợp tới tình hình hiện tại.
Theo ông Nguyễn Đình Lộc, việc này sẽ đặt cán bộ vào hoàn cảnh khó xử. Bởi "chẳng ai muốn thừa nhận là mình sai. Nếu không bị sức ép lớn thì họ cũng chẳng sửa". Và như thế, người phải thi hành quyết định trên sẽ bị thiệt thòi bởi tâm lý không chịu chấp nhận sửa sai của cán bộ.
"Bỏ quy định này là cuộc cách mạng, cần tiến hành dứt khoát", ông Lộc nhấn mạnh. Theo quan điểm của đại biểu Lộc, người giải quyết khiếu nại lần đầu phải là cấp trên của cơ quan đã ra quyết định đó. Ý kiến này được nhiều người tán thành.
Tuy nhiên, đa số đại biểu cũng cho rằng, riêng các quyết định của chủ tịch tỉnh hay bộ trưởng thì phải có cơ chế khác. Những người này sẽ trực tiếp giải quyết khiếu nại lần đầu với những văn bản do họ ban hành.
Mặt khác, để đảm bảo dân chủ, Ủy ban pháp luật đề xuất, khi cấp trên giải quyết khiếu nại cần thông tin đến cơ quan ra quyết định lần đầu. Việc này sẽ nâng cao trách nhiệm của cấp dưới, khi biết rằng nếu làm không đúng sẽ bị cấp trên xem xét lại.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Vũ Đức Khiển nhìn nhận: "Chất lượng các quyết định của cơ quan nhà nước chưa cao. Dân bức xúc khiếu nại không giảm. Chính vì vậy, cần phải chấn chỉnh cái gốc của vấn đề đó là, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan giải quyết, nếu không vô hình trung chúng ta sẽ "xúi" dân khiếu nại".
Theo yêu cầu của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, các quyết định hành chính bị khiếu nại đều có thể được xem xét bởi một cơ quan tư pháp. Vì lẽ đó, Chính phủ đề nghị sửa quy định hiện hành thành người khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án ở bất cứ thời điểm nào trong quá trình giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, Ủy ban pháp luật lại cho rằng, đề xuất trên của Chính phủ "không phù hợp với nguyên tắc và tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước".
Ông Lê Quang Bình nhận định: "Phương án sửa đổi sẽ khiến khiếu nại ngày càng tăng. Đầu việc lớn khiến tòa hành chính không thể gánh nổi". Theo phân tích của đại biểu Nguyễn Đức Dũng, do việc quán triệt luật không đầy đủ nên "60-70% số vụ không thuộc đối tượng giải quyết của Luật khiếu nại tố cáo nhưng dân vẫn khiếu nại". Cùng quan điểm này, Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao Đặng Quang Phương lo ngại: "Nếu khởi kiện ra tòa hành chính mà không giới hạn thì sẽ bị lạm dụng, công việc sẽ quá tải".
Trước các ý kiến không đồng tình, ông Khiển đã đề xuất giải pháp "trung dung" là trong trường hợp không đồng ý với cách giải quyết lần đầu do cơ quan cấp trên của cơ quan bị khiếu nại đưa ra, người dân có quyền kiện ra tòa án.
"Đẩy mạnh cải cách hành chính và tư pháp là cách tốt nhất hạn chế khiếu nại, tố cáo", ông Khiển đúc kết.
Anh Thư
▪ Ngăn chặn nạn đánh cá bằng mìn trên hồ thủy điện Hòa Bình (19/08/2005)
▪ Giải đáp pháp luật về cai nghiện ma túy (19/08/2005)
▪ Hướng dẫn việc miễn, giảm thi hành án đối với khoản tiền phạt, án phí (19/08/2005)
▪ Khơi dậy sức mạnh toàn dân trong việc chống tham nhũng (19/08/2005)
▪ Cảnh giác với các thủ đoạn lừa du học (19/08/2005)
▪ Dừng xem xét mọi đề xuất của Công ty Sơn Thủy (19/08/2005)
▪ Vụ án phố Ôn Như Hầu (19/08/2005)
▪ "Cảnh sát nhân dân luôn xung kích đấu tranh phòng chống tội phạm..." (19/08/2005)
▪ Một người nước ngoài lãnh án tử hình vì buôn ma túy (19/08/2005)
▪ Quyền và nghĩa vụ đối với đất đã được cấp giấy đỏ (18/08/2005)