Theo Quy chế, các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, công ty của nhà nước; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan chiến sĩ trong các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang (quân đội nhân dân và công an nhân dân) phải gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm vận động gia đình, cộng đồng dân cư thực hiện. Đồng thời mọi gia đình công dân đều phải có trách nhiệm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Các đối tượng công chức, viên chức... không mời và không dự tiệc cưới trong giờ làm việc; không sử dụng thời gian làm việc, công quỹ và phương tiện của cơ quan, đơn vị tổ chức để đi dự lễ hội khi không có nhiệm vụ. Đặc biệt, một nội dung được rất nhiều công chúng quan tâm: không lợi dụng việc cưới, việc tang để nhận quà biếu nhằm trục lợi cá nhân; sử dụng công quỹ của cơ quan, đơn vị, tổ chức để làm quà mừng cưới, viếng đám tang phục vụ mục đích cá nhân.
Trong thời điểm hiện nay, khi các hoạt động cưới, tang, lễ hội ở nhiều địa phương đang bung ra dưới nhiều hình thức khác nhau thì sự ra đời của quy chế được xem là rất cần thiết trong việc hỗ trợ cơ quan quản lý đưa những hoạt động này vào nề nếp. Cưới xin, tang lễ... theo nhiều người vẫn là chuyện riêng tư và gia chủ có quyền tự do tổ chức dưới bất kỳ hình thức nào. Bởi vậy một thời gian rất dài các hoạt động này đã trở thành cơ hội trục lợi của nhiều vị quan chức, là nơi phô bày sự lãng phí của không ít gia đình với mục tiêu "kinh doanh" từ những cuộc vui hay tang lễ. Quy chế nhấn mạnh: Việc cưới cần tổ chức trang trọng vui tươi, lành mạnh. Phù hợp với phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc. Các thủ tục như chạm ngõ, lễ hỏi, xin dâu cần được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ; trang trí lễ cưới và trang phục cô dâu, chú rể phải lịch sự, phù hợp với truyền thống. Trường hợp tổ chức ăn uống cần tiết kiệm, không kéo dài nhiều ngày và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Lễ đăng ký kết hôn và trao giấy chứng nhận kết hôn; tổ chức cưới và đưa đón dâu phải tuân thủ đầy đủ những quy định của pháp luật. Các hình thức cưới xin đơn giản như báo hỷ, tiệc trà, đám cưới không thuốc lá, cơ quan, tổ chức hoặc đoàn thể xã hội đứng ra tổ chức lễ cưới; đặt hoa tại đài tưởng niệm... được đặc biệt khuyến khích.
Cũng theo các điều khoản trong quy chế, việc tổ chức tang lễ phải thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về hộ tịch, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông và trật tự an toàn công cộng; đồng thời cần thực hiện theo những quy định trong hương ước, quy ước của địa phương về việc tang. Tang lễ phải được tổ chức chu đáo, trang nghiêm nhưng vẫn cần bảo đảm gọn nhẹ và tiết kiệm, hạn chế tối đa việc rắc vàng mã, tiền âm phủ, không rắc tiền giấy hoặc tiền xu trên đường... Tang phục, cờ tang và treo cờ tang theo phong tục truyền thống của từng vùng, miền, dân tộc, tôn giáo. Khuyến khích các hình thức tổ chức tang lễ với những thủ tục đơn giản như sử dụng băng, đĩa nhạc tang thay phường bát âm, hạn chế vòng hoa; hỏa táng, điện táng; các tuần tiết như lễ cúng 3 ngày, 7 ngày, 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu và cải táng tổ chức trong nội bộ gia đình, họ tộc bạn thân... Việc tổ chức tang lễ đối với cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo quy định tại Quy chế tổ chức lễ tang đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước khi từ trần ban hành kèm theo Nghị định số 62/2001/NĐ- CP của Chính Phủ... Đối với việc tổ chức lễ hội, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về di sản văn hoá và Quy chế tổ chức lễ hội do Bộ trưởng Bộ VH-TT ban hành. Đồng thời cần có những biện pháp quản lý chặt chẽ, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm di tích, danh lam thắng cảnh; lừa đảo trộm cắp của du khách; thương mại hóa và các hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội.
Sau khi Quy chế được ban hành, Bộ VH-TT dự kiến trong thời gian sớm nhất sẽ xây dựng một thông tư hướng dẫn việc triển khai thực hiện.
|