Về quyền cạnh tranh trong kinh doanh
Nhà nước bảo hộ quyền cạnh tranh trong kinh doanh theo nguyên tắc trung thực, không xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, của người tiêu dùng. Điều 39 LCT quy định hành vi cạnh tranh không lành mạnh bao gồm:
- Chỉ dẫn gây nhầm lẫn: là sử dụng chỉ dẫn chứa đựng những thông tin về tên thương mại, khẩu hiệu, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hóa dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh.
- Xâm phạm bí mật kinh doanh: là tiếp cận, thu thập, tiết lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu bí mật đó.
- Ép buộc trong kinh doanh: Cấm doanh nghiệp ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó.
- Gièm pha doanh nghiệp khác: Là bằng hành vi trực tiếp hay gián tiếp đưa ra những thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.
- Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác: là bằng hành vi trực tiếp hay gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.
- Quảng cáo, khuyến mãi nhằm cạnh tranh không lành mạnh: là so sánh trực tiếp hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác, tổ chức khuyến mãi mà gian dối về giải thưởng, khuyến mại không trung thực hoặc gây nhầm lẫn về hàng hóa, dịch vụ để lừa dối khách hàng.
- Phân biệt đối xử của hiệp hội: là từ chối doanh nghiệp tham gia hay rút khỏi hiệp hội làm doanh nghiệp đó bị bất lợi trong cạnh tranh.
- Bán hàng đa cấp bất chính: là yêu cầu người tham gia phải đặt cọc, phải mua sản phẩm hoặc phải trả một khoản tiền để được tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia.
Về điều tra xử lý vụ việc cạnh tranh
Vụ việc cạnh tranh được giải quyết khi các tổ chức, cá nhân cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại. Thời hạn khiếu nại là hai năm kể từ ngày hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh được thực hiện. Hồ sơ khiếu nại phải có đơn theo mẫu của cơ quan quản lý cạnh tranh và quan trọng là phải có chứng cứ có thể là vật chứng được dùng làm phương tiện vi phạm hoặc lời khai của người làm chứng, giải trình của tổ chức, cá nhân có liên quan, tài liệu gốc hay bản sao tài liệu gốc, tài liệu dịch được dùng làm căn cứ để xác định hành vi vi phạm và phải do bên khiếu nại chịu trách nhiệm về tính trung thực của nó khi cung cấp cho cơ quan quản lý cạnh tranh.
Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ khiếu nại, cơ quan quản lý cạnh tranh có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho bên khiếu nại việc thụ lý hồ sơ, bên khiếu nại phải nộp tiền tạm ứng chi phí cho việc xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật nhưng bên bị kết luận vi phạm quy định của Luật này là người phải trả phí sau cùng. Trong trường hợp bên bị điều tra không vi phạm thì cơ quan quản lý cạnh tranh phải chịu phí xử lý vụ việc.
Về người tham gia tố tụng
Bao gồm bên khiếu nại, bên bị điều tra, Luật sư, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch, người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh bao gồm cơ quan quản lý cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh. Khi xử lý vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Hội đồng có quyền triệu tập các bên cũng như mời người làm chứng. Trong quá trình điều tra, nếu thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển hồ sơ đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Trường hợp không nhất trí một phần hay toàn bộ nội dung quyết định xử lý vụ việc, các bên có quyền khiếu nại lên Hội đồng cạnh tranh hoặc Bộ trưởng Thương mại. Những phần khiếu nại của quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thì chưa được đem ra thi hành. Các bên có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với một phần hay toàn bộ nội dung quyết định giải quyết khiếu nại ra Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền. Tuy nhiên, những phần của quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh không bị khởi kiện ra Tòa vẫn được đưa ra thi hành.
Các hình thức xử phạt vi phạm pháp luật về cạnh tranh
Điều 117 quy định đối với mỗi hành vi vi phạm, các tổ chức, cá nhân phải chịu một trong các hình thức sau đây: Cảnh cáo, phạt tiền, có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, tịch thu tang vật, phương tiện dùng để vi phạm hoặc buộc khắc phục hậu quả như cải chính công khai, chia tách doanh nghiệp đã sáp nhập, hợp nhất, buôn bán lại phần doanh nghiệp đã mua, loại bỏ những điều khoản vi phạm ra khỏi họp đồng hoặc giao dịch kinh doanh. Nếu gây thiệt hại đến lợi ích Nhà nước, lợi ích của các tổ chức, cá nhân khác thì còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
|