Những dự án "trên mây"
Ngày 27-5-2005, Đội CBL-BBHC, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV - CATP Hà Nội nhận được đơn của ông Nguyễn Thế Toàn ở phố Cửa Bắc, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình tố cáo hành vi lừa đảo, chiếm đoạt hơn 100.000 USD của ông và một người bạn là Trần Huyền Đạm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển nguồn nhân lực Việt Nam, do hai đối tượng Nguyễn Trung Sơn (SN 1956), trú tại tổ 53 thị trấn Đông Anh và Phạm Thị Giản (SN 1958), trú tại phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, hiện ở 112, công viên Thủ Lệ, quận Ba Đình gây ra.
Thông qua việc giới thiệu, môi giới để được trúng thầu xây dựng nhà chung cư cao tầng nằm hai bên đường Láng Hạ - Thanh Xuân, Giản và Sơn đã cấu kết lừa đảo, chiếm đoạt của ông Đạm và ông Toàn 120.000 USD.
Năm 2004, ông Trần Huyền Đạm có nhu cầu được làm chủ đầu tư xây dựng chung cư cao tầng tại các ô đất dọc hai bên đường Láng Hạ - Thanh Xuân. Ông Đạm đã nhờ ông Toàn tìm các mối quan hệ để giúp đỡ được đầu tư xây dựng.
Biết Nguyễn Trung Sơn quen một số đầu mối chạy "dự án", ông Toàn đã đặt vấn đề và được Sơn giới thiệu tới Phạm Thị Giản, một người có nhiều mối "quan hệ" với quan chức thành phố, có khả năng chạy được các "dự án" quan trọng.
Điều kiện đầu tiên được Sơn đưa ra để có công văn của thành phố chấp nhận cho ông Đạm làm chủ đầu tư hai lô đất 3.7 No và 3.10 No ở hai bên đường Láng Hạ - Thanh Xuân là ông Đạm phải chi trước cho Sơn 300 triệu đồng, sau từ 5-10 ngày sẽ có công văn của thành phố.
Ngày 1-1-2004, ông Đạm đã đưa cho ông Toàn 20.000 USD để giao cho Sơn. Ngay sau đó ông Toàn đã giao cho Sơn 15.000 USD có giấy biên nhận.
Chưa dừng lại ở đó, Sơn và Giản đã gặp ông Đạm và nói muốn có ngay quyết định của UBND thành phố Hà Nội thì phải chi 2 tỷ đồng. Sổ tiền ứng trước và 1 tỷ để lo lót quan chức các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Muốn làm được việc này, ông Đạm phải có công văn của công ty có chức năng xây dựng gửi UBND thành phố xin làm chủ đầu tư.
Ông Đạm đồng ý giao tiếp cho ông Toàn 80.000 USD để đưa cho Sơn - Giản. Ngay sau đó, ông Đạm mượn tư cách pháp nhân của Công ty Vật liệu xây dựng và xuất nhập khẩu Hồng Hà làm công văn gửi Sở Kế hoạch - Đầu tư và UBND thành phố Hà Nội xin được đầu tư xây dựng chung cư tại đường Láng Hạ - Thanh Xuân và giao công văn này cho Sơn - Giản.
Quá hẹn mà không thấy Sơn - Giản giao quyết định của thành phố cho mình, ông Toàn và ông Đạm đến Sở Kế hoạch - Đầu tư hỏi được trả lời không có hồ sơ của Công ty Hồng Hà dự thầu.
Thanh minh cho sự không minh bạch trên, Sơn - Giản cho ông Toàn và ông Đạm biết dự án này là của "ông" một lãnh đạo thành phố nên không có hồ sơ tại Sở Kế hoạch - Đầu tư(?!)
Chờ thêm bốn tháng nữa vẫn không thấy có kết quả, ông Đạm đã tìm gặp Sơn để hỏi, anh ta làm bản thỏa thuận lo từ đầu đến khi UBND thành phố Hà Nội có quyết định giao đất cho công ty của ông Đạm vào ngày 20-6-2005.
Muốn "xuôi chèo mát mái", ông Đạm phải chi tiếp 10 tỷ đồng. Đến tháng 5-2005 vẫn không thấy có kết quả, ông Toàn gặp Sơn và Giản đòi tiền. Giản đã trả cho ông Toàn 230 triệu đồng.
Cũng trong thời gian hứa hẹn chạy "dự án" xây dựng nhà chung cư cao tầng ở đường Láng Hạ - Thanh Xuân cho ông Đạm. Giản và Sơn đã "bắn tin" có dự án xây dựng chung cư tại HTX Nông nghiệp Láng Thượng và đường Nguyễn Phong Sắc, nếu muốn đầu tư thì phải chi phí khoảng 35 tỷ đồng.
Thấy dự án này mang tính "khả thi" cao, ông Đạm đã giao trước cho Sơn và Giản 45.000 USD và công văn của Công ty Nguồn nhân lực Việt Nam xin được đầu tư xây dựng tại đây để thông qua Sơn - Giản gửi UBND thành phố và Sở Xây dựng Hà Nội. Sau khi nhận 45.000 USD. Giản cam kết đến ngày 16-6-2004 sẽ có công văn của UBND thành phố giao cho Công ty Nguồn nhân lực Việt Nam đầu tư xây dựng trên khu đất 18.000 m2 tại HTX Nông nghiệp Láng Thượng và đường Nguyễn Phong Sắc.
Lật mặt kẻ lừa đảo
Nhằm tạo dựng lòng tin đối với ông Đạm, Giản - Sơn đã đưa hai công văn của UBND quận Đống Đa (bản photo) gửi UBND thành phố Hà Nội cho ông Đạm. Thế nhưng, công văn này không có số, không đề ngày, tháng và không ký, đóng dấu với nội dung: Khu đất của HTX Nông nghiệp Láng Thượng chưa giao cho đơn vị nào; Công ty Nguồn nhân lực Việt Nam xin được đầu tư xây dựng, đề nghị UBND thành phố giúp đỡ tạo điều kiện.
Ngoài ra, Giản - Sơn còn đưa cho ông Đạm công văn của công ty Hồng Hà, xin đầu tư xây dựng chung cư cao tầng ở hai bên đường Láng Hạ - Thanh Xuân (bản photo), có ý kiến của một vị quan chức thành phố gửi Sở Kế hoạch - Đầu tư xem xét và công văn của Công ty Nguồn nhân lực Việt Nam xin đầu tư xây dựng tại khu đất HTX Nông nghiệp Láng Hạ, có ý kiến của một lãnh đạo cấp cao thành phố gửi Sở Quy hoạch kiến trúc đô thị giải quyết theo quy định báo cáo thành phố.
Đồng thời, Giản - Sơn cũng đưa cho ông Đạm công văn số 403, ngày 15-1-2004 có chữ ký của lãnh đạo thành phố gửi Sở Kế hoạch - Đầu tư với nội dung Công ty Hồng Hà xin làm chỗ đầu tư xây dựng khu chung cư đường Láng Hạ - Thanh Xuân.
Xác minh tại Văn phòng UBND thành phố Hà Nội, lực lượng CBL-BBHC xác định công văn số 110/CV-ĐTDA ngày 4-1-2004 của Công ty Hồng Hà gởi UBND thành phố Hà Nội không qua hệ thống văn thư của Văn phòng UBND thành phố. Công văn số 403/UB-NNDC ngày 15-1-2004 không có lưu tại Văn phòng UBND thành phố và tại đây chỉ lưu một bản giống công văn 403/UB-HĐTĐ ngày 16-2-2004, nhưng có nội dung khác(?!)
Tiếp tục xác minh tại Sở Kế hoạch - Đầu tư, lực lượng CBL-BBHC xác định dự án xây dựng nhà chung cư tại hai bên đường Láng Hạ - Thanh Xuân là có thật, nhưng đã mở thầu từ ngày 5-2-2004 và có bảy đơn vị đã trúng thầu. Sở Kế hoạch - Đầu tư có nhận được công văn số 110/CV-ĐTDA của Công ty Hồng Hà, nhưng do công văn đến ngày 4-2-2004 quá muộn nên không giải quyết được.
Tại Sở Quy hoạch kiến trúc đô thị cũng đã nhận được công văn số 15 ngày 18-2-2004 của Công ty Nguồn nhân lực Việt Nam cùng phiếu xử lý văn bản có chữ ký của lãnh đạo thành phố. Sở này đã trả lời cho Công ty Nguồn nhân lực Việt Nam biết khu đất tại HTX Nông nghiệp Láng Thượng nằm trong quy hoạch mở đường của UBND thành phố.
Dựa vào những kết quả xác minh, điều tra nêu trên, lực lượng CBL-BBHC Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKTACV - CATP Hà Nội đã đủ cơ sở kết luận Giản và Sơn không có nhiệm vụ trong các cơ quan xét duyệt đầu tư các dự án trên, vẫn nhận lời chạy dự án "trên mây" và không đăng ký nộp hồ sơ dự thầu cho ông Đạm.
Hai đối tượng này còn tạo công văn, lập hồ sơ thiết kế không có thật và biết rõ ngày 5-2-2004 là ngày Sở Kế hoạch - Đầu tư mở thầu, nhưng ngày 20-4-2004 ký thỏa thuận với ông Đạm để lo chạy dự án?!
Nghiêm trọng hơn, Giản và Sơn đã tạo công văn giả của UBND thành phố và quận Đống Đa để gây dựng lòng tin tuyệt đối cho ông Đạm, nhằm mục đích chiếm đoạt tiền.
Hiện tại, số tiền của ông Đạm bị Giản - Sơn chiếm đoạt là 105.000 USD.
Ngày 9-12-2005, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Thị Giản và Nguyễn Trung Sơn về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; đồng thời phê chuẩn lệnh bắt tạm giam bốn tháng đối với Giản - Sơn về tội danh nêu trên. 20 giờ ngày 9-12-2005, Đội CBL-BBHC, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV - CATP Hà Nội đã thực hiện lệnh bắt, khám xét nơi ở của hai đối tượng Giản - Sơn. Trong quá trình khám xét tại nhà Phạm Thị Giản, cơ quan điều tra đã thu được nhiều giấy tờ, chứng từ, sổ sách và bản vẽ thiết kế các công trình xây dựng liên quan đến việc lo lót chạy những "dự án" trên mây của Sơn và Giản.
Ngoài ra, Giản còn cho biết vừa từ Thái Nguyên về Hà Nội và đã ký kết được hợp đồng góp vốn với một công ty của Trung Quốc để đầu tư vào dự án khu Đô thị Tứ Hiệp - Thanh Trì, với tổng vốn đầu tư lập 802 tỷ đồng... Vụ án đang tiếp tục được khai thác mở rộng.
|