* Thưa ông, vấn đề gì sẽ được ưu tiên trong các nghị định mà Bộ Xây dựng soạn thảo trong năm nay?
- Nghị định đầu tiên mà chúng tôi sẽ xây dựng là về sản xuất và tiêu thụ nước sạch. Nội dung chính của nghị định là những quy định về sản xuất, chất lượng, phân phối, quản lý khách hàng..., với mục tiêu xoá bỏ bao cấp trong hoạt động này. Từ trước đến nay, chúng ta duy trì chế độ bao cấp và nửa bao cấp, giá nước sạch vẫn do chính quyền địa phương quyết định. Từ chế độ bao cấp như vậy, đã phát sinh nhiều bất cập trong việc quản lý.
* Nhưng để việc cung cấp nước sạch được tốt hơn thì theo ông, vấn đề mấu chốt là gì?
- Theo tôi, chính các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cần phải vươn lên, làm sao chống được thất thoát. Nhiều doanh nghiệp hiện vẫn dựa vào việc thất thoát để biện minh cho khâu quản lý yếu kém của mình và cuối cùng thì chính quyền địa phương lại phải bù lỗ cho các doanh nghiệp. Như thế là bất hợp lý. Chúng ta phải làm sao để đưa hoạt động này trở thành một hoạt động kinh doanh theo cơ chế thị trường.
* Hiện tượng đào đường bừa bãi để lắp đặt các công trình ngầm có được quan tâm khắc phục không?
- Đây là một cách làm thiếu quy hoạch tổng thể mà chúng ta cần phải khắc phục. Vì vậy, chúng tôi cũng sẽ xây dựng nghị định thứ hai, quy định về xây dựng công trình ngầm trong đô thị, nhằm khắc phục tình trạng đường sá bị đào lên lấp xuống liên tục. Bên cạnh đó, nghị định này cũng nhằm đến việc quản lý các công trình ngầm mà từ trước đến nay chúng ta chưa có một văn bản nào chế tài cả.
* Được biết, các nhà đầu tư cũng rất quan tâm đến vấn đề này?
- Đúng. Các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất quan tâm đến những quy định này. Thí dụ, khi được cấp một ngàn mét vuông đất để xây dựng thì họ muốn biết, có được đào sâu xuống lòng đất để xây dựng hay không? Đây là vấn đề đặt ra mà pháp luật Việt Nam chưa có quy định chặt chẽ. Vì vậy, chúng ta cần phải xây dựng ngay một hành lang pháp lý để thực hiện.
* Xu hướng của một đô thị văn minh hiện nay là sẽ có rất nhiều công trình ngầm, chứ không phải cái gì cũng phải làm trên mặt đất cả, thưa ông?
- Chính vì vậy mà trong nghị định này, chúng tôi sẽ gợi mở một lĩnh vực cho các nhà đầu tư của toàn xã hội tập trung vào làm, đó là dịch vụ đầu tư hạ tầng. Tôi lấy thí dụ như ở thủ đô Paris (Pháp), họ có một công ty đầu tư hạ tầng không phải của Nhà nước, chuyên làm những hành lang ngầm dưới lòng đất mà ô-tô có thể chạy được. Sau đó tất cả các thiết bị ngầm, như đường điện, nước, cáp quang đều phải đưa xuống hệ thống đó và phải trả chi phí dịch vụ cho công ty này. Ở nước ta, nói đến vấn đề này, nhiều người cứ tưởng xa vời, nhưng thực ra yêu cầu đã đến rồi và chúng ta phải tính đến một tầm nhìn xa hơn.
* Vấn đề xử lý chất thải đô thị chắc cũng sẽ được chế tài bằng một nghị định?
- Đúng là việc xử lý chất thải cũng đang trở thành vấn đề bức xúc của các đô thị hiện nay. Nghị định về vấn đề này sẽ tập trung quy định về xử lý rác, chất thải rắn, nước thải... theo hướng cố gắng đưa công nghệ mới vào. Chúng ta không thể mãi thực hiện việc chôn lấp rác thải được, vì ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Bài toán ở đây là cần phải có công nghệ xử lý tái tạo những chất thải của đô thị. Để làm được việc này, Nhà nước cần phải có chính sách khuyến khích cụ thể, vì hiệu quả kinh tế trong hoạt động này không cao, nên ít hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
* Một vấn đề cũng rất bức xúc đòi hỏi phải có một quy định cụ thể đó là nghĩa trang?
- Hiện nay, nghĩa trang đang phát triển mang tính chất tự phát, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, như lịch sử, truyền thống, phong tục... và nhiều nghĩa trang đã nằm trọn trong đô thị. Vì vậy, chúng ta cũng cần phải quy hoạch lại, đưa về những vị trí cho hợp lý. Nghị định về vấn đề này sẽ bao gồm cả công tác quy hoạch, có thiết kế điển hình làm mẫu... để bảo đảm vừa dẹp, vừa không lãng phí đất. Đây là một vấn đề khó, nhưng phải quyết tâm làm.
|