Vì sao Dự án tây sông Vân thực hiện chậm?
Các Website khác - 08/03/2006
Sông Vân có từ hàng nghìn năm nay, gắn với nhiều sự tích lịch sử và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và làm đẹp cho thị xã Ninh Bình. Nhưng do nhiều nguyên nhân sông Vân bị lấn chiếm, hủy hoại, làm cho dòng chảy bị thu hẹp và ô nhiễm nặng nề.
Ngày 18-7-1994, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành quyết định số 579/QÐ-UB phê duyệt tổng thể thị xã Ninh Bình, trong đó xác định hai bờ sông Vân là khu vực cây xanh và công viên. Căn cứ vào quy hoạch đã được phê duyệt, UBND tỉnh chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu khả thi xây dựng công trình kè bờ tây sông Vân, đoạn từ cầu Lim đến cầu Vũng Trắm và đã được phê duyệt bằng các quyết định số 1882/QÐ-UB, ngày 26-12-1998 và quyết định số 110/QÐ-UB ngày 20-1-1999.

Ðược Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) và xây dựng kè bờ tây sông Vân từ nguồn vốn của dự án sửa chữa âu Vân và nạo vét (bước 1) kênh trục hệ thống nam Ninh Bình (do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đầu tư), ngày 11-2-2001, UBND tỉnh Ninh Bình có thông báo số 01/TB-UB, giao cho thị xã Ninh Bình triển khai GPMB. Dự án này được đầu tư bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng phát triển châu Á, thời hạn giải ngân trong một năm. Nhưng do công tác GPMB không đáp ứng được, hết thời hạn giải ngân, dự án bị gián đoạn.

Ngày 2-3-2004, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Văn bản số 365/BNN-XD thông báo và đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình tìm nguồn vốn khác để tiếp tục thực hiện dự án. Ðể tiếp tục thực hiện dự án quy hoạch hai bờ sông Vân, UBND tỉnh Ninh Bình đã giao cho UBND thị xã Ninh Bình làm chủ đầu tư thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chi tiết hai bờ sông Vân (đoạn từ cầu Lim đến cầu Vũng Trắm), lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng cơ sở hạ tầng và tổ chức thi công bằng nguồn vốn của địa phương. Căn cứ vào quy hoạch được duyệt và dự án được lập, UBND tỉnh Ninh Bình đã có quyết định số 2771/QÐ-UB, ngày 12-11-2004, phê duyệt báo cáo khả thi và quyết định số 3041/QÐ-UB, ngày 10-12-2004, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán xây dựng cơ sở hạ tầng khu bờ tây sông Vân.

Công tác GPMB tây sông Vân được triển khai năm 2001, có 325 hộ phải di chuyển vào khu tái định cư. Ðể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân và thực hiện dự án đúng tiến độ, tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND thị xã Ninh Bình và các sở, ban, ngành của tỉnh thực hiện nghiêm các quy trình về trình tự, thủ tục; chính sách, chế độ đền bù được áp dụng theo quy định của Nghị định 22/1998/NÐ-CP, ngày 24-4-1998 của Chính phủ và chính sách hỗ trợ cao nhất theo thẩm quyền của UBND tỉnh.

Ðến tháng 3-2005, phần lớn các hộ đã chấp hành quyết định của cấp có thẩm quyền, nhận tiền đền bù, tiền hỗ trợ, bàn giao mặt bằng, nhận đất ở khu tái định cư xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống. Còn một số hộ cố tình không nhận tiền đền bù, tiền hỗ trợ, mặc dù được các cấp, các ngành kiên trì vận động, giải thích, giải quyết hết các chế độ chính sách nhưng vẫn không chấp nhận. Họ gửi đơn khiếu kiện đến các đồng chí lãnh đạo Ðảng và Nhà nước. Văn phòng Chính phủ đã cử tổ công tác về làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình, UBND thị xã Ninh Bình, thị sát khu vực giải tỏa và khu vực bố trí tái định cư...

Ngày 1-3-2004, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 994/VPCP VHII báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải và Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng, có nội dung như sau: "Văn phòng Chính phủ nhận thấy:

- Việc di dời các hộ dân để giải phóng mặt bằng khu vực bờ tây sông Vân thuộc địa phận thị xã Ninh Bình, căn cứ vào dự án, quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Ninh Bình.

- Phương án hỗ trợ thiệt hại, hỗ trợ, bố trí tái định cư của UBND tỉnh căn cứ vào Nghị định 22/1998/NÐ-CP, ngày 24-8-1998, về đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và quyết định số 628/QÐ-UB, ngày 21-3-2001 của UBND tỉnh Ninh Bình quy định chi tiết giá các loại đất là đúng nguyên tắc pháp lý.

- Các hộ dân thuộc diện giải tỏa đều được bố trí tái định cư tại khu đô thị có cơ sở hạ tầng tốt, điều kiện ăn ở, sinh hoạt tốt hơn nơi ở cũ...".

Ðến hết năm 2005 đã có 323/325 hộ nhận tiền bồi thường, tiền hỗ trợ, còn gia đình bà Phạm Thị Nhung và Vũ Văn Quân chưa nhận tiền đền bù GPMB với lý do đòi đền bù hết phần diện tích đang sử dụng (kể cả phần diện tích lấn chiếm) và đền bù bằng đất vị trí bám mặt đường 1A. Vừa qua, một số đối tượng bị cưỡng chế GPMB, đã lôi kéo, kích động một số người khác đi khiếu kiện vượt cấp ở nhiều cơ quan trung ương, gây phức tạp trước Tết Nguyên đán 2006. Chúng tôi đã về làm việc với Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Ninh Bình, Chánh Thanh tra tỉnh và thị sát khu vực giải phóng mặt bằng, khu tái định cư và tiếp xúc một số hộ dân ở khu tái định cư để tìm hiểu vì sao việc giải phóng mặt bằng của dự án tây sông Vân đã thực hiện xong mà vẫn còn một số người khiếu kiện vượt cấp.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Chủ tịch UBND thị xã Ninh Bình cho biết, việc đền bù, GPMB thực hiện dự án tây sông Vân, phải di chuyển 325 hộ gia đình, việc kiểm kê, xác định nguồn gốc sử dụng đất hết sức phức tạp. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh ủy, UBND tỉnh và thị xã đều bị một số người quá khích tố cáo sai sự thật, lăng mạ..., gọi điện đến nhà tôi đe dọa hành hung. Tất cả các thành viên của Hội đồng đền bù GPMB làm việc tận tâm, tận lực, nhưng công việc nhiều cũng không thể tránh được sai sót, khi có khiếu nại thì chúng tôi xem xét lại, sai thì phải khắc phục ngay, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân.

Sau khi GPMB xong, một số hộ có đơn khiếu nại chủ yếu đề nghị áp dụng Luật Ðất đai 2003 và Nghị định 197/2004/NÐ-CP, ngày 3-12-2004 để đền bù GPMB; một số người cố tình đòi hỏi quyền lợi một cách vô lý, không có cơ sở, trái chính sách, pháp luật. Công tác GPMB thực hiện dự án xây dựng cơ sở hạ tầng bờ tây sông Vân kéo dài từ năm 2001 đến tháng 5-2005, chính sách, pháp luật về đất đai có sự thay đổi (Luật Ðất đai 2003, Nghị định 197/NÐ-CP thay thế Nghị định 22/NÐ-CP) dẫn đến một số hộ đòi được thực hiện đền bù theo quy định mới.

Chúng tôi đến khu tái định cư của dự án tây sông Vân cách khu vực bị giải tỏa khoảng 150 m, cạnh quốc lộ 1B, cơ sở hạ tầng được xây dựng đồng bộ (đường bê-tông, nước máy và điện sinh hoạt đến từng hộ, các trục đường chính lắp điện chiếu sáng đô thị; hệ thống tiêu, thoát nước đã được xây dựng; một số công trình phúc lợi như chợ, nhà văn hóa... đang được xây dựng). Có thể nói điều kiện của khu tái định cư rất thuận lợi cho các hộ gia đình trong sinh hoạt, kinh doanh, buôn bán, ổn định cuộc sống.

Mặc dù còn một số khiếm khuyết, nhìn chung việc đền bù GPMB của dự án tây sông Vân là đúng đối tượng, đúng chính sách và pháp luật. Chúng tôi kiến nghị tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo UBND thị xã Ninh Bình rà soát, kiểm tra giải quyết dứt điểm những kiến nghị, thắc mắc của một số hộ dân, bảo đảm đúng chính sách, pháp luật, đồng thời xử lý kịp thời một số đối tượng lợi dụng quyền tự do dân chủ vu khống cán bộ, gây mất trật tự công cộng và đẩy nhanh tiến độ xây dựng công viên cây xanh của dự án tây sông Vân.

ĐÀO NGỌC DŨNG, THẾ HUÂN