Người dân dễ dàng tiếp cận thông tin về sở hữu trí tuệ
Các Website khác - 31/03/2006
Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) sắp có hiệu lực đã khắc phục được hầu hết những bất cập trong các văn bản pháp luật đã ban hành trước đây và tạo ra một khung pháp lý đồng bộ, điều chỉnh toàn diện các khía cạnh của hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ. Cục trưởng Cục SHTT Phạm Đình Chướng đã có cuộc trò chuyện chung quanh vấn đề này.
* Xin Cục trưởng cho biết ý nghĩa của việc ban hành Luật SHTT trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý để chuẩn bị cho hội nhập kinh tế với thế giới?

- Việc Quốc hội khóa XI, Kỳ họp thứ 8 thông qua Luật SHTT ngày 29-11-2005 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật chuẩn bị cho quá trình hội nhập kinh tế thế giới. Luật SHTT được ban hành xuất phát từ nhu cầu nội tại, nhằm thúc đẩy hoạt động sáng tạo, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh, thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ, nâng cao hiệu lực và hiệu quả của hệ thống bảo hộ SHTT của nước ta trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Với dung lượng gồm 6 phần, 222 điều luật, nhiều quy định của Luật SHTT là điểm mới so với hệ thống trước đây. Những nhân tố quan trọng này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của công tác quản lý và thực thi quyền SHTT ở nước ta.

* Luật SHTT đề cao tinh thần giải quyết tranh chấp quyền SHTT tại Tòa án, tuy nhiên hiện nay Việt Nam chưa có toà chuyên trách về SHTT và thực tế việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án có nhiều vấn đề bất cập, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào? Theo ông chúng ta có nên thành lập tòa chuyên trách về SHTT như ở Thái-lan, Đức hay không?

- Trong hoạt động bảo vệ quyền SHTT của hầu hết các nước, biện pháp dân sự luôn được coi trọng và đóng vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, ở nước ta biện pháp này đã không phát huy được ưu điểm của nó do hiệu quả hoạt động xét xử các tranh chấp, xâm phạm quyền SHTT của Tòa án còn thấp. Thực trạng nói trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do năng lực xét xử và kiến thức chuyên môn về SHTT của các thẩm phán còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu; trình tự, thủ tục xét xử tại Tòa án còn phức tạp và kéo dài, bên cạnh đó, một số quy định của pháp luật chưa cụ thể cũng khiến Tòa án gặp khó khăn trong hoạt động xét xử... Luật SHTT đã xác định cụ thể hệ thống cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT, trong đó có Tòa án; phân định ranh giới, phạm vi áp dụng biện pháp dân sự và biện pháp hành chính; quy định căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực SHTT để tạo điều kiện thuận lợi cho Tòa án trong hoạt động xét xử.

Việc xây dựng tòa chuyên trách về SHTT cũng là một giải pháp quan trọng nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng hoạt động xét xử của Tòa án. Tuy nhiên, giải pháp này đòi hỏi cần phải có sự chuẩn bị và có bước đi thích hợp. Trong thời gian trước mắt, chúng ta nên tập trung cho công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và pháp luật về SHTT cho các thẩm phán.

* Một trong những bất cập lớn nhất của hoạt động xử lý xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính là hiện có quá nhiều cơ quan cùng có thẩm quyền xử lý. Có ý kiến cho rằng nên có "cơ chế một cửa" trong giải quyết khiếu nại liên quan đến SHTT ông thấy ý kiến này thế nào?

- Luật SHTT đã xác định cụ thể hệ thống cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT, trong đó Tòa án có chức năng xử lý xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp dân sự và biện pháp hình sự; UBND các cấp, thanh tra, quản lý thị trường, công an, hải quan có chức năng xử lý xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính; ngoài ra, hải quan có chức năng kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu liên quan đến SHTT.

Yêu cầu đặt ra là cần xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan có chức năng xử lý xâm phạm quyền bằng biện pháp hành chính và phân định rõ phạm vi thẩm quyền trách nhiệm của mỗi cơ quan này; nếu cần thiết thì các cơ quan có thể thống nhất, thu gọn đầu mối theo hướng chỉ giao cho một số cơ quan có chức năng trực tiếp xử lý xâm phạm quyền, số còn lại có chức năng hỗ trợ cho hoạt động này. Các yêu cầu nêu trên sẽ được giải quyết trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật SHTT.

Cơ chế "một cửa" trong xử lý hành chính sẽ không còn cần thiết phải đặt ra, vì một khi đã thu gọn đầu mối các cơ quan có thẩm quyền xử lý, phạm vi trách nhiệm của mỗi cơ quan đã được xác định cụ thể, rõ ràng, không còn chồng chéo thì chủ thể quyền SHTT sẽ không còn lúng túng và biết rõ cần phải "gõ cửa nào" khi cần bảo vệ quyền lợi của mình.

* Có ý kiến cho rằng cần tuyên truyền sâu rộng để Luật SHTT đi vào cuộc sống. Sự cần thiết thành lập Câu lạc bộ nhà báo viết về SHTT đang được đặt ra. Ông có ủng hộ vấn đề này không và ông có sáng kiến gì để đưa Luật SHTT đi vào cuộc sống?

- Việc hình thành CLB nhà báo viết về SHTT là một hình thức tốt để phổ biến các kiến thức chuyên môn và pháp luật về SHTT. Ngoài ra cần triển khai nhiều hình thức khác như tổ chức các lớp tập huấn, xây dựng chuyên mục tìm hiểu Luật SHTT trên một số phương tiện thông tin đại chúng, biên soạn, phát hành tài liệu, cẩm nang cho thẩm phán, cán bộ trong các cơ quan có chức năng bảo vệ quyền SHTT, các DN; đưa kiến thức pháp luật về SHTT vào nhà trường, tăng cường hoạt động trợ giúp, tư vấn pháp luật về SHTT... Xây dựng các cơ sở dữ liệu liên quan đến hoạt động của hệ thống SHTT nhằm tăng cường năng lực cho hệ thống SHTT, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có thể dễ dàng tiếp cận các thông tin liên quan đến SHTT khi có nhu cầu.

* Xin cảm ơn ông!

Theo Pháp luật Việt Nam