Trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, ai có nghĩa vụ nộp thuế?
Các Website khác - 30/03/2006
Hỏi: Đề nghị cho biết người chuyển nhượng hay người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất có nghĩa vụ nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất ?
Trả lời: Căn cứ Luật Thuế chuyển quyền sử dụng đất, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất (bao gồm cả đất có nhà và vật kiến trúc trên đó), khi chuyển quyền sử dụng đất phải nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất.
Chuyển quyền sử dụng đất là chuyển đổi, chuyển nhượng, chuyển cho người khác quyền sử dụng đất của mình theo quy định của pháp luật.

Thuế chuyển quyền sử dụng đất do người chuyển quyền sử dụng đất nộp và nộp một lần theo thông báo của cơ quan thuế địa phương nơi có đất chuyển quyền sử dụng. Trong trường hợp người nhận quyền sử dụng đất tự nguyện nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất thay cho người chuyển quyền sử dụng đất thì người đó có trách nhiệm kê khai, nộp thuế.

Người nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất có trách nhiệm kê khai với cơ quan thuế về loại đất, diện tích, vị trí, trị giá đất, kèm theo giấy phép thay đổi mục đích sử dụng đất (nếu có) khi làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất; cung cấp tài liệu cần thiết có liên quan đến việc tính thuế theo yêu cầu của cơ quan thuế.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nhận quyền sử dụng đất khi thuế chuyển quyền sử dụng đất đã được nộp đủ.

Các trường hợp sau đây không thuộc diện chịu thuế chuyển quyền sử dụng đất:

Nhà nước giao đất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng theo quy định của pháp luật; tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trả lại đất cho Nhà nước hoặc Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật; chuyển quyền sử dụng đất trong trường hợp ly hôn, thừa kế theo quy định của pháp luật; chuyển quyền sử dụng đất giữa vợ với chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi với con đẻ, con nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại với cháu nội, cháu ngoại, anh chị em ruột với nhau; tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất có chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê; tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hiến quyền sử dụng đất cho Nhà nước hoặc cho các tổ chức để xây dựng cơ sở văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao; cơ sở từ thiện không nhằm mục đích kinh doanh theo các dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.


---------------------

Người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật

Hỏi: "Con tôi tuy chưa đến tuổi kết hôn nhưng do các cháu yêu nhau đã lâu nên hai bên gia đình đã đồng ý cho các cháu kết hôn. Sau khi chúng tôi tổ chức lễ cưới và đăng ký cho các cháu xong, thì một người hàng xóm cùng thị trấn đã viết đơn gửi VKS yêu cầu xem xét việc kết hôn của các con tôi và đề nghị Tòa án huỷ việc kết hôn trái pháp luật của các con tôi với lý do con tôi chưa đến tuổi kết hôn. Giữa gia đình tôi và gia đình người hàng xóm không có mối quan hệ thân thích, nhưng ông ấy đã xâm phạm đến quyền tự do của gia đình tôi. Xin hỏi vấn đề nêu trên được quy định như thế nào?"

Trả lời: Theo quy định của pháp luật thì việc bà cho phép con gái kết hôn khi chưa đến tuổi kết hôn là vi phạm quy định của pháp luật về độ tuổi kết hôn, việc kết hôn đó là trái pháp luật. Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật đó thì các cá nhân, cơ quan, tổ chức đều có quyền đề nghị VKS xem xét, yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật. Việc này được quy định tại Điều 15 Luật Hôn nhân và Gia đình về người có quyền yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật, bao gồm:

"1. Bên bị cưỡng ép, bị lừa dối kết hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Tòa án hoặc đề nghị VKS yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 9 của Luật này.

2. VKS theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 9 và Điều 10 của Luật này.

3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Tòa án hoặc đề nghị VKS yêu cầu Tòa án huỷ việc kết hôn trái pháp luật do vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 9 và Điều 10 của Luật này:

a. Vợ, chồng, cha, mẹ, con của các bên kết hôn;

b. Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em;

c. Hội Liên hiệp Phụ nữ.

4. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có quyền đề nghị VKS xem xét, yêu câu Tòa án huỷ việc kết hôn trái pháp luật".

Như vậy, theo quy định tại khoản 4 của Điều luật nêu trên thì mọi công dân nếu thấy có hành vi vi phạm pháp luật đều có quyền thực hiện quyền của mình theo quy định của pháp luật.

---------------------

Ban quản lý nhà chung cư

Hỏi:Người nhà tôi có mua một căn hộ chung cư nhưng gặp một số vấn đề rắc rối. Xin hỏi. ban quản lý nhà chung cư được hình thành như thế nào? Nếu muốn gửi đơn khiếu nại thì có thể gửi đến cơ quan nào, ban quản lý nhà hay chủ đầu tư nhà chung cư?

Trả lời: Theo bản Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Quyết định số 10/2003/QĐ-BXD ngày 3-4-2003 của Bộ Xây dựng thì đơn vị được UBND thành phố giao trực tiếp quản lý nhà chung cư có chức năng giúp UBND thành phố thực hiện việc quản lý Nhà nước về nhà chung cư. Theo quy định thì sau khi chủ đầu tư bán hoặc cho thuê trên 80% tổng số căn hộ nhà chung cư chủ đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan chính quyền, công an phường, xã sở tại và các chủ sử dụng tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị. Thành viên ban quản trị gồm các đại diện của chủ sử dụng, đơn vị quản lý nhà chung cư và công an phường, xã sở tại.

Mỗi ban quản trị phải có ít nhất 03 (ba) thành viên đại diện cho các chủ sử dụng được bầu theo nguyên tắc đa số. Mỗi nhà chung cư trong khu nhà chung cư được xây dựng trước đây hoặc trong cụm nhà chung cư phải có ít nhất 01 (một) đại diện chủ sử dụng tham gia ban quản trị; cơ quan công an phường, xã sở tại và đơn vị quản lý nhà chung cư mỗi bên cử 01 (một) đại diện tham gia ban quản trị. Các thành viên ban quản trị bầu trưởng ban để điều hành các hoạt động trong nhiệm kỳ được giao.

Nhiệm kỳ của Ban quản trị tối đa là 03 năm (36 tháng). Ban quản trị nhà chung cư có nhiệm vụ thu thập, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của các chủ sử dụng liên quan đến công tác quản lý sử dụng và cung cấp các dịch vụ nhà chung cư để phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan xem xét giải quyết. Khi chưa thành lập được ban quản trị, đơn vị quản lý nhà chung cu có trách nhiệm đảm nhận thực hiện nhiệm vụ của ban quản trị.

Nếu có khiếu nại về công tác quản lý sử dụng, vận hành khai thác, sửa chữa trong nhà chung cư sẽ do ban quản tại xem xét giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền sở tại xem xét giải quyết.

---------------------

Thời hạn trả lời khiếu nại lần đầu?

Hỏi: Tôi khiếu nại đến UBND huyện về việc áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ nhà ở vì cho rằng tôi xây dựng trái phép nhưng đã bốn tháng không được trả lời. Xin hỏi trong thời gian bao lâu cơ quan nhận đơn khiếu nại trả lời cho người dân? Nếu không trả lời, tôi phải làm gì?

Trả lời: 1. Luật khiếu nại, tố cáo qui định trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và không thuộc một trong các trường hợp không được thụ lý, người giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý để giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại biết; trường hợp không thụ lý để giải quyết thì phải nêu rõ lý do.

Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày thụ lý để giải quyết. Ở vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 45 ngày kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày thụ lý để giải quyết.

2. Trong trường hợp của ông, thời hạn trả lời của UBND huyện đã hết, nên ông có quyền khiếu nại đến chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án huyện trong thời gian 30 - 45 ngày kể từ ngày hết thời hạn giải quyết như quy định trên.

<