Nhiều mô hình tốt trong phòng, chống ma túy được nhân rộng như "Khu dân cư không có tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội", "Gia đình không có người nghiện ma túy", "Dòng họ không có người mắc tệ nạn xã hội", "Khối phố bình yên", "Nhà trọ không có tệ nạn xã hội"... Theo thống kê, hiện nay cả nước có 4.950 xã, phường, thị trấn không có tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy, chiếm 45% tổng số xã, phường, thị trấn trong cả nước và gần 40 nghìn cơ quan, đơn vị được công nhận là cơ quan, đơn vị văn hóa không có may túy, tội phạm và tệ nạn xã hội. Công tác phòng, chống ma túy ở các cơ quan, đơn vị được tiến hành đồng thời với việc giải quyết các vấn đề xã hội như việc làm, đào tạo nghề, tạo các sân chơi lành mạnh thu hút giới trẻ.
Công tác đấu tranh chống tội phạm ma túy đạt được kết quả nổi bật, đã đánh trúng nhiều đường dây, tổ chức ma túy lớn, xóa và làm chuyển biến hàng nghìn tụ điểm phức tạp về ma túy. Các lực lượng công an, bộ đội biên phòng, hải quan đã điều tra, khám phá hơn 64 nghìn vụ, hơn 100 nghìn đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ khoảng một tấn heroin, 1,5 tấn thuốc phiện, gần 6,5 tấn cần sa, hơn 700 nghìn viên ma túy tổng hợp... cùng nhiều phương tiện, tài sản có giá trị hàng trăm tỷ đồng.
Trên hai tuyến biên giới trọng điểm là tây - bắc và bắc miền trung, đã phát hiện hàng trăm đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy có quy mô xuyên quốc gia, quốc tế, tập trung chủ yếu tại địa bàn các tỉnh Sơn La, Ðiện Biên, Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... Lượng ma túy phát hiện, thu giữ trên hai tuyến này chiếm tới 65% tổng số ma túy phát hiện, thu giữ trên phạm vi cả nước, với đủ loại thuốc phiện, heroin, tân dược gây nghiện và ma túy tổng hợp. Lực lượng chức năng đã phối hợp triệt phá nhiều đường dây, tổ chức tội phạm lớn, chúng khai nhận vận chuyển trót lọt hàng tấn thuốc phiện, hàng nghìn bánh heroin và hàng trăm nghìn viên ma túy tổng hợp. Nguy hiểm hơn, có sự cấu kết rất chặt chẽ giữa tội phạm ma túy trong và ngoài nước, tội phạm buôn bán vũ khí, buôn bán người, các nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm, móc nối của tội phạm ma túy với các nhóm phỉ tại một số địa bàn biên giới.
Hành vi phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, trắng trợn nguy hiểm, số lượng ma túy vận chuyển lớn (điển hình là vụ 188 bánh heroin bị thu giữ tại Cha Lo, tỉnh Quảng Bình, và vụ 199 bánh heroin bị thu giữ tại cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị). Khi bị bắt, tội phạm ma túy thường dùng khoản tiền lớn để mua chuộc hoặc dùng súng, lựu đạn chống trả quyết liệt. Tinh vi hơn, chúng tạo dựng vỏ bọc dưới dạng sản xuất, kinh doanh - dịch vụ để tổ chức điều chế ma túy, sử dụng ma túy và rửa tiền qua các dự án đầu tư bằng nguồn tiền do buôn bán ma túy mà có, như vụ Trịnh Nguyên Thủy, chủ nhà hàng Sơn Thủy ở Hà Nội, vụ Lê Văn Tiền ở TP Hồ Chí Minh.
Ma túy tổng hợp "nóng" ở tuyến biên giới tây - nam, có vụ tội phạm ma túy tập kết 500.000 viên ở bên kia biên giới để vận chuyển vào nước ta, vụ Hải quan tỉnh Kiên giang bắt đối tượng Tế Som, quốc tịch nước ngoài, vận chuyển trái phép 160.401 viên ma túy tổng hợp. Ngoài tuyến đường bộ, tội phạm ma túy còn vận chuyển qua các cảng hàng không, đường biển, chuyển phát nhanh bằng đường bưu điện với cách thức che giấu rất tinh vi.
Trong nội địa, tình hình buôn bán, vận chuyển và tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy còn phức tạp. Lực lượng công an đã thống kê được khoảng 800 điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, có sự tham gia hoạt động buôn bán, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy của các đối tượng tội phạm hình sự nguy hiểm, đối tượng nghiện ma túy nhiễm HIV. Với sự đấu tranh quyết liệt và phối hợp của nhiều lực lượng, nhiều điểm nóng về ma túy như các xã thuộc Na Ư (huyện Ðiện Biên, tỉnh Ðiện Biên), xã Lóng Luông, Lóng Sập, Pa Háng, Nà Ðít, Cò Nòi, Thôm Mòm (tỉnh Sơn La), xã Hưng Long (tỉnh Nghệ An)... đã được giải quyết.
Qua năm năm thực hiện Chương trình hành động phòng, chống ma túy, tốc độ gia tăng người nghiện ma túy được kiềm chế và đến cuối năm 2005, số người nghiện ma túy đã giảm gần 12 nghìn người so với năm trước, còn 158.428 người có hồ sơ kiểm soát. Công tác cai nghiện đã được xã hội hóa, số người được tiếp cận dịch vụ cai nghiện ở 41 tỉnh, thành phố đã đạt và vượt chỉ tiêu. 83 trung tâm chữa bệnh, giáo dục lao động xã hội được mở rộng đưa công suất tiếp nhận lên khoảng 58 nghìn người, bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện từng bước được kiện toàn và nâng cao năng lực. Cả nước đã tiếp nhận cai nghiện cho 206.911 lượt người, tăng 68.578 lượt người so với giai đoạn 1996-2000.
Ðáng mừng là qua thực tiễn đã tìm ra một số mô hình cai nghiện phù hợp các vùng, miền, nhóm đối tượng cụ thể. Bước đầu đã định hình một số mô hình có hiệu quả: "Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện" tại TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác; quản lý sau cai bằng "Câu lạc bộ B93" ở Hà Nội; cai nghiện ba giai đoạn và "Công trường 06" ở Tuyên Quang và một số tỉnh miền núi phía bắc; giải quyết việc làm tại chỗ cho người sau cai nghiện của một số tỉnh như: Ninh Bình, Thanh Hóa; cai nghiện tại cộng đồng của tỉnh Nam Ðịnh... Ðiều đó góp phần giảm tỷ lệ tái nghiện bình quân từ 90 đến 95% trong giai đoạn 1996 - 2000 xuống còn 70 - 80%, có nơi tỷ lệ tái nghiện thấp hơn như Tuyên Quang, Nam Ðịnh.
Ðể thực hiện Kế hoạch tổng thể phòng, chống ma túy đến năm 2010, cần có sự chỉ đạo sát sao và kiên quyết của cấp ủy đảng, chính quyền, có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các ban, ngành từ T.Ư tới địa phương; tăng cường lực lượng cán bộ và cơ sở vật chất, trang bị cho công tác phòng, chống ma túy; đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ kinh nghiệm và viện trợ của Liên hợp quốc và các tổ chức, các nước cho công tác này.
|