![]() |
Bác sĩ, Luật gia Trịnh Thị Lê Trâm - Ảnh: Thùy Chi |
Trao đổi với phóng viên Trang tin điện tử Tiếng Chuông về vấn đề này, Bác sĩ - Luật gia Trịnh Thị Lê Trâm, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và chính sách về Y tế - Chủ tịch Hội Phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội cho rằng, những người nhiễm HIV rất cần được thụ hưởng các dịch vụ trợ giúp pháp lý toàn diện, bao gồm thông tin và giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp và đại diện pháp lý trong các vụ việc dân sự, hình sự và hành chính… Trong suốt thời gian làm việc trong lĩnh vực HIV/AIDS, bà đã biết rất nhiều trường hợp người nhiễm HIV/AIDS, những người nguy cơ cao lây nhiễm HIV bị phân biệt đối xử, kỳ thị và bị vi phạm quyền.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, khảo sát của Trung tâm tư vấn pháp luật và chính sách về Y tế, trên 320 người nhiễm HIV, 160 người dân và cán bộ tại Hà Nội, Thanh Hóa, Yên Bái, Long An; một số luật gia, luật sư và người nhiễm HIV tại 3 tỉnh Bạc Liêu, Lai Châu, Bắc Ninh; số người nhiễm HIV, bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được tư vấn miễn phí trên điện thoại 18001521 và trợ giúp pháp lý từ năm 2009 - 2014 cho thấy, định kiến của cộng đồng với các nhóm nguy cơ cao và HIV còn rất nặng nề.
Cụ thể, 88% lên án gái mại dâm là người làm lây lan HIV trong cộng đồng; 83,8% lên án người tiêm chích ma túy; 71,3% coi HIV/AIDS là tệ nạn xã hội; 55,6% cho rằng người nhiễm HIV nên chịu đựng hậu quả do các hành vi xấu của họ đem lại; 51,3% người cho rằng những người nhiễm HIV là lăng nhăng, bừa bãi; 48,8% cho biết sẽ rất xấu hổ nếu trong gia đình có người nhiễm HIV…
Đối mặt với sự kỳ thị, phân biệt đối xử nặng nề như vậy, nhưng đa số người nhiễm HIV không biết hoặc có nghe nói đến Luật Phòng, chống HIV/AIDS. Có đến 66,7% trong số họ chưa được đọc và tập huấn về luật này; 75,9% cho biết họ chưa từng được tiếp cận các dịch vụ tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Đối với việc trợ giúp pháp lý, chỉ có 10,2% luật gia, luật sư tham gia trả lời khảo sát cho biết, đã từng trợ giúp pháp lý cho những người nhiễm HIV. Trong khi đó, số lượng khách hàng gọi điện đến đường dây nóng 18001521 để yêu cầu tư vấn về HIV/AIDS và pháp luật có liên quan liên tục tăng lên qua các năm. Năm 2009 chỉ có khoảng 1.200 người gọi tư vấn, thì đến năm 2014 có đến gần 3.200 người liên hệ tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý.
Luật gia Trịnh Thị Lê Trâm cho biết, những người nhiễm HIV có nhu cầu tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, bao gồm: lao động việc làm, hôn nhân và gia đình, giáo dục đào tạo, bảo trợ xã hội, chăm sóc điều trị, bảo mật thông tin, dân sự hành chính, hình sự…
Qua đó cho thấy, khó khăn của người nhiễm HIV/AIDS trong tiếp cận trợ giúp pháp lý của nhà nước. Có những trường hợp người nhiễm HIV/AIDS chia sẻ, họ bị khó khăn về thủ tục, tâm lý sợ sệt và lo ngại vì sợ công khai danh tính. Một khó khăn nữa là do địa điểm thường nằm trong khuôn viên cơ quan nhà nước.
Để tăng cường trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện cho những người nhiễm HIV/AIDS được tiếp cận trợ giúp dễ dàng hơn, Luật gia Trịnh Thị Lê Trâm cho rằng, cần thiết phải có sự tham gia của liên ngành trong công tác trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS để công tác này thực sự đạt được hiệu quả cao nhất trong bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người nhiễm HIV và người bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, Hội Luật gia của 63 tỉnh, thành phố cần có các hoạt động tư vấn và trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV và những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại địa phương.
Trong chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS hàng năm nên cấu trúc phần kinh phí cho công tác tư vấn và trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích và có sự hỗ trợ về kinh phí từ nguồn kinh phí của trợ giúp pháp lý nhà nước hàng năm cho các tổ chức tư vấn pháp luật đang thực hiện tốt hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV.
▪ Na Uy: Người dân có thể tự quyết định giới tính? (22/03/2016)
▪ WHO góp phần hỗ trợ giảm gánh nặng các bệnh truyền nhiễm (21/03/2016)
▪ Cần những chính sách đặc thù riêng cho người nhiễm HIV (21/03/2016)
▪ Giúp người nhiễm HIV ổn định cuộc sống (21/03/2016)
▪ Đòi bồi thường vì bị chẩn đoán nhiễm HIV hơn 10 năm (21/03/2016)
▪ Tiếp cận phổ cập và quyền con người (09/11/2010)
▪ Bi kịch của một thanh niên (24/07/2013)
▪ Hai lần phơi nhiễm HIV, vẫn kiên quyết bắt ma túy (25/12/2011)
▪ Xét xử vụ xâm hại 2 bé gái ở Ứng Hòa, Hà Nội: Biết nhiễm HIV vẫn phạm tội có thể phải chịu án tử hình (08/06/2012)
▪ Tẩm quất thư giãn bằng tay và... miệng (24/04/2012)