Giúp người nhiễm HIV ổn định cuộc sống
Hội Luật gia Việt Nam - 21/03/2016
Tạo công ăn việc làm và cơ hội phát triển kinh tế cho người nhiễm hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV, giúp họ tự tạo việc làm, ổn định cuộc sống và tái hòa nhập xã hội cũng như giảm đói nghèo sẽ góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm HIV.

Chị H, tư vấn viên đồng đẳng của Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS thuộc Hội Luật gia Việt Nam chia sẻ: “Là người trong cuộc lại tham gia công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, tôi hiểu, người nhiễm HIV rất cần được hỗ trợ vốn để sinh kế làm ăn.”

Chị H cho hay, trước đây cũng có một số tổ chức quốc tế, xã hội dân sự cho người nhiễm HIV vay vốn với mức 5-10 triệu đồng. Tuy nhiên với số tiền quá ít nên số người nhiễm HIV vay vốn không nhiều vì với số tiền này chưa đủ để họ có thể sinh kế. Với mức 20-30 triệu theo quyết định 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/04/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương là cũng tạm đủ để họ kinh doanh sản xuất nhỏ.

Theo chị H, nên đưa vốn về các vùng nông thôn vì ở đó người dân nói chung, người nhiễm HIV nói riêng còn rất nhiều khó khăn. Theo đánh giá của một số tổ chức xã hội dân sự về việc cho người nhiễm HIV vay vốn thì nhu cầu vay vốn ở các vùng nông thôn cao hơn.

Đồng quan điểm với chị H, Bác sỹ, Luật gia Trịnh Thị Lê Trâm, Chủ tịch Hội phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS cho rằng, số tiền 20 triệu cũng tạm đủ để những người được vay có thể mua sắm các loại vật tư, vật nuôi gia súc gia cầm, công cụ lao động hàng hoá phương tiện phục vụ kinh doanh buôn bán, cũng như đầu tư các nghề thủ công trong hộ gia đình hay góp vốn thực hiện phương án sản xuất kinh doanh với cá nhân tổ chức khác.

“Tạo việc làm cho người nhiễm HIV, người sau cai, người điều trị nghiện bằng methadone, người bán dâm hoàn lương là một chính sách nhân văn và kịp thời của nhà nước trong bối cảnh các nguồn tài trợ quốc tế đang giảm dần”, Bs Trịnh Thị Lê Trâm nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Bs. Trịnh Thị Lê Trâm, các nhóm đối tượng, nhất là người nhiễm HIV thường “ngại” vay vốn vì sợ lộ thông tin dẫn đến bị kỳ thị. Làm thế nào để họ có thể thoải mái, tự tin tiếp cận nguồn vốn cũng là một bài toán khó?

Theo Bs. Trịnh Thị Lê Trâm, ngoài việc phải bảo mật thông tin cho họ cũng cần phải giảm bớt các thủ tục hành chính để họ dễ dàng tham gia.

Để giảm rủi ro khi cho vay vốn, theo Bs Trâm, cần phải xem xét kỹ phương án kinh doanh của người được vay, đồng thời giám sát chặt chẽ quá trình sử dụng vốn của họ.

“Bên cạnh Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ, người nhiễm HIV đang mong mỏi sớm triển khai Nghị định số 136/2013/NĐ-CP, ngày 21/10/2013 của Chính phủ về quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có người nhiễm HIV. Nếu làm được sẽ ổn định cuộc sống và tái hòa nhập xã hội cũng như giảm đói nghèo cho người nhiễm HIV, góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.”, Bs.Tg Trịnh Thị Lê Trâm khẳng định.

Về phía Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS, Theo Bs Trâm, khi có những hướng dẫn cụ thể, song song với các hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV, Trung tâm sẽ tiếp cận với các nhóm tự lực để giới thiệu về chính sách cho vay vốn của chính phủ cũng như hướng dẫn họ các thủ tục để hoàn chỉnh thủ tục vay.

 

 
Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS, thuộc Hội Luật gia Việt Nam có nhiệm vụ:

1. Cung cấp thông tin,tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS.

2. Trợ giúp pháp lý về y tế cho người nhiễm HIV/AIDS và những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội.

3. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật và chính sách về Y tế, HIV/AIDS.

4. Tham gia xây dựng, góp ý dự thảo các văn bản pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS.

5. Tham gia nghiên cứu khoa học, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực pháp luật và chính sách về Y tế, HIV/AIDS theo quy định của pháp luật.

6. Thực hiện các dự án do cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài tài trợ trong lĩnh vực pháp luật và chính sách về Y tế, HIV/AIDS theo quy định của pháp luật. 

7. Thực hiện các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.

Từ năm 2007 đến nay Trung tâm đã tư vấn qua điện thoại cho hơn 15.000 người nhiễm HIV và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS các kiến thức cơ bản về HIV/AIDS và các chính sách có liên quan và trực tiếp trợ giúp pháp lý cho gần 4500 người…