Những nẻo đường hàng lậu
Sau khi quốc lộ 09 với chiều dài hơn 80 km, nối thị xã Đông Hà-Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo được nâng cấp và mở rộng, lưu lượng xe cộ ngược xuôi trên tuyến đường này ngày càng nhộn nhịp. Trong đó nhiều nhất vẫn là xe khách loại 12, 24 và 40 chỗ ngồi. Những chiếc xe này thường quay vòng Đông Hà - Lao Bảo từ 2 đến 3 chuyến mỗi ngày, khách đi xe chủ yếu là dân tham gia buôn lậu.
Sau mỗi chuyến trở về thị xã Đông Hà, cánh lái xe liền cho xe tấp vào các điểm đã định trước để bốc dỡ hàng. Tại đây, đường trắng Thái-lan, nước giải khát đóng lon hiệu bò húc của Thái-lan với số lượng lớn được đội quân xe thồ "chạy hết ga" chuyển ngay đến các "đại lý" nằm phân tán trên địa bàn Đông Hà.
Một người chạy xe thồ chuyên chở thuê hàng lậu cho biết: "Chạy xe như tôi mỗi chuyến thường chở bốn bao đường loại 50 kg, mỗi ngày có thể chở được 2 tấn với tiền công 100.000 đồng, sau khi trừ tiền xăng và tiền ăn uống còn được 60.000 đồng. Vợ tôi được thuê đóng hàng, mỗi tháng khoán gọn 600.000 đồng, hàng về lúc nào chủ gọi đóng lúc đó. Tôi hỏi: "Đường trắng và nước bò húc Thái-lan về bằng cách nào mà các anh có thể thồ 2 tấn mỗi ngày?". Anh này giải thích: "Với loại xe 12 chỗ ngồi, mỗi chuyến chỉ chở khoảng 2 đến 3 tạ đường, còn lại dành để chở rượu ngoại và nói chung là hàng gọn nhẹ, nhưng với loại xe ca 40 chỗ ngồi mỗi chuyến có thể chở tới 4 tấn đường". Và nói thêm: "Anh cứ việc đến nhà bà D mà xem, gia đình bà ấy hiện đang sở hữu 8 chiếc xe chạy tuyến Đông Hà - Lao Bảo, nói là xe chở khách nhưng thực chất chỉ có chở người buôn lậu và hàng lậu. Ngoài các "bến đỗ" hàng nhập lậu Thái-lan nằm sâu trong các khu dân cư cứ vào tầm chạng vạng tối, lái xe còn “xuống hàng" ngay tại bến xe Đông Hà, ở đây việc phân tán hàng hóa diễn ra chóng vánh vì sợ bị lực lượng chống buôn lậu phát hiện. Theo một người bốc hàng thuê ở bến xe, đã có vài gian hàng lậu bị lực lượng chức năng tịch thu, nhưng rồi chuyện đâu lại vào đấy, "xe vẫn về và hàng vẫn xuống". Tại các "đại lý", từ 12 giờ đêm trở đi hàng lậu tiếp tục được đưa lên xe, vào ra trên đường thiên lý Bắc-Nam. Do sự chênh lệch giá đường giữa Thái-lan và nội địa khá lớn nên lợi nhuận của đường nhập lậu cao (giá đường tại Thái-lan khoảng dưới 7.000 đồng/kg, khi đưa về thị xã Đông Hà được bán với mức giá khoảng 9.000 đồng/kg) nên tình trạng buôn lậu đường Thái-lan diễn ra ở thị xã Đông Hà ngày càng phức tạp.
Đến Đông Hà mua... rượu ngoại
"Đến Đông Hà nhớ tranh thủ mua hàng Thái-lan và rượu ngoại..." . Đó là câu truyền miệng quen thuộc của khách thập phương mỗi khi có dịp đi ngang qua Quảng Trị. Điều này phản ánh một thực tế, địa bàn Đông Hà hiện có nhiều hộ tham gia kinh doanh hàng nhập lậu trong đó có rượu ngoại. Và khác với một số mặt hàng như nồi cơm điện, phụ tùng xe máy, đồ điện tử..., các chủ kinh doanh thường cất ở nhà để tránh bị lực lượng quản lý thị trường kiểm tra. Mặt hàng rượu ngoại thường được "cất giấu” ngay tại các điểm bán hàng vì ít bị nhòm ngó(?).
Số liệu thống kê của các lực lượng chống buôn lậu Quảng Trị cho thấy, trong 8 tháng vừa qua đã có hơn 10 nghìn chai rượu ngoại trong danh mục các mặt hàng trọng điểm, vận chuyển trái phép bị phát hiện và xử lý hành chính, mà tập trung chủ yếu vẫn là tại địa bàn thị xã Đông Hà.
Việc tham gia vận chuyển hàng lậu, nhất là rượu ngoại giờ đây không chỉ có phương tiện và các đối tượng cư trú trên địa bàn Quảng Trị, mà còn có cả những đối tượng, đến từ ngoại tỉnh. Điển hình như vụ Đỗ Viết Hưng chủ xe khách BKS 16H-6916, trú tại 22/27 Đường Kênh, phường Cửa Bắc, TP Nam Định, vận chuyển trái phép 252 chai rượu ngoại; vụ Nguyễn Quang Hoàng, trú tại Xuân Hương, Xuân Lộc, Đồng Nai vận chuyển 252 chai rượu ngoại bằng xe khách BKS 54N-5608. Cả hai vụ vi phạm nói trên đều đã bị Công an thị xã Đông Hà bắt giữ và xử lý.
Bao giờ chặn được cơn lốc hàng lậu?
Hàng nhập lậu từ Thái-lan đang tràn ngập thị xã Đông Hà là một thực trạng mà ai cũng đều biết rõ. Vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề? Câu hỏi này thường được các ngành chức năng chống buôn lậu của Quảng Trị giải thích, kể từ khi ra đời Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, do địa hình rừng núi phức tạp, hiểm trở, nên công tác chống buôn lậu gặp rất nhiều khó khăn. Bọn buôn lậu vừa manh động lại vừa tinh vi, chúng thường xé lẻ hàng, thuê cửu vạn gùi cõng qua khu vực cánh gà cổng B của Khu thương mại đặc biệt Lao Bảo nhằm tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng, sau đó đưa hàng lên xe khách xuôi về nội địa. Trong khi đó, ở thị trường nội địa, hàng lậu sau khi bị tịch thu, chính quyền địa phương tổ chức bán đấu giá và người mua hàng được làm hồ sơ hợp pháp. Như vậy, nhiều đối tượng buôn lậu đã sử dụng bộ hồ sơ và hoá đơn chứng từ này để quay vòng hợp thức hoá hàng nhập lậu, dễ dàng qua mặt cơ quan chức năng.
Thực tế là cơn sốt hàng lậu ở thị xã Đông Hà vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Song, chẳng lẽ các cơ quan chức năng không có giải pháp hữu hiệu, không thể phối hợp tốt hơn để ngăn chặn tình trạng buôn lậu như hiện nay?
|