Sẽ có lực lượng cảnh sát tư pháp?
Các Website khác - 28/09/2005
Dự thảo Bộ Luật thi hành án vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét. Theo dự thảo này, sẽ có hàng loạt đổi mới về công tác thi hành án, trong đó đáng chú ý là thành lập lực lượng cảnh sát tư pháp và cải tiến hình thức thi hành án tử hình. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thị Thu Ba đã cho biết về vấn đề này.
Nâng cao hiệu quả thi hành án

* Thưa Thứ trưởng, tại sao dự thảo Bộ luật Thi hành án lại đặt ra vấn đề thành lập lực lượng cảnh sát tư pháp?

- Điều này xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của công tác thi hành án. Hiện nay, phần lớn các vụ việc cần áp dụng biện pháp cưỡng chế thì ngành tư pháp vẫn cần sự hỗ trợ của công an. Vì thế, dự thảo bộ luật đề xuất thành lập lực lượng cảnh sát tư pháp để bảo đảm cưỡng chế thi hành án dân sự và thi hành án hình sự được tiến hành kịp thời, nâng cao hiệu quả thi hành án. Theo phương án này, sẽ chuyển lực lượng cảnh sát tư pháp từ Bộ Công an sang Bộ Tư pháp; chịu sự quản lý tập trung thống nhất của các cơ quan thi hành án từ trung ương đến địa phương.

* Nếu phương án này được đồng ý, có thể hình dung thế nào về lực lượng cảnh sát tư pháp?

- Ở trung ương có Cục Cảnh sát tư pháp thuộc Tổng cục Thi hành án của Bộ Tư pháp. Ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có Phòng Cảnh sát Tư pháp thuộc Cục Thi hành án cấp tỉnh. Ở cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có Đội Cảnh sát Tư pháp thuộc Chi cục Thi hành án cấp huyện. Lực lượng này sẽ làm các nhiệm vụ liên quan đến thi hành án hiện nay như dẫn giải, bảo vệ, hỗ trợ tư pháp, cưỡng chế…

Không còn cảnh sát trại giam

* Nếu thực hiện phương án chuyển như vậy, có chuyển cả lực lượng cảnh sát trại giam sang cho Bộ Tư pháp quản lý không, bởi đây cũng thuộc lĩnh vực thi hành án?

- Theo dự thảo, sẽ chuyển Cục Quản lý trại giam và hệ thống trại giam hiện nay từ Bộ Công an qua Tổng cục Thi hành án quản lý. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, phần lớn các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Nga... đều giao cho Bộ Tư pháp quản lý thi hành án hình sự và các trại giam để dân sự hóa hoạt động thi hành án hình sự.

Việc này nhằm bảo đảm việc thi hành án được khách quan, vì cơ quan điều tra vừa có chức năng điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, vừa có nhiệm vụ xét hỏi bị can, bị cáo mà lại trực tiếp quản lý, giam giữ họ thì không bảo đảm khách quan. Trong dự thảo, chúng tôi nhấn mạnh đến việc dân sự hóa hoạt động cải tạo ở các trại giam, tập trung giáo dục và cải tạo phạm nhân.

* Dân sự hóa - có nghĩa là lực lượng quản lý trại giam sẽ không phải là lực lượng vũ trang?

- Đúng thế. Lực lượng quản lý trại giam sẽ không trang bị vũ khí “nóng”, chỉ có một số công cụ hỗ trợ như dùi cui, roi điện… Tất nhiên, khi nảy sinh vấn đề phức tạp (chẳng hạn như tù trốn trại), sẽ phải xin hỗ trợ của bên công an.

* Được biết, trong tờ trình lên Chính phủ, Bộ Tư pháp đưa ra hai phương án: cảnh sát tư pháp trực thuộc Bộ Tư pháp; cảnh sát tư pháp vẫn trực thuộc Bộ Công an?

- Sau khi xem xét, đa số các thành viên Chính phủ đều tán thành phương án thành lập lực lượng cảnh sát tư pháp nằm trong hệ thống cơ quan thi hành án của ngành tư pháp.

* Còn ý kiến của Bộ Công an thì sao ?

- Tôi được biết, về cơ bản lãnh đạo Bộ Công an đã đồng tình với đề xuất này.

Sẽ không tạo ra sự xáo trộn về tổ chức

* Thưa Thứ trưởng, lâu nay cảnh sát vẫn là một lực lượng mang tính chuyên biệt về nghiệp vụ. Vậy nếu chuyển một lực lượng nghiệp vụ cho một cơ quan dân sự quản lý thì liệu có bảo đảm về hiệu quả không?

- Việc tập trung cơ quan quản lý thi hành án dân sự và thi hành án hình sự vào một đầu mối được thực hiện theo nguyên tắc chuyển giao “trọn gói” toàn bộ nhân sự, tổ chức, bộ máy thi hành án hình sự hiện có. Vì thế, sẽ không tạo ra sự xáo trộn về tổ chức và cán bộ cũng như về cơ sở vật chất và kỹ thuật. Chúng tôi cũng nhận thức rằng việc chuyển cảnh sát tư pháp về Bộ Tư pháp là một công việc rất lớn, rất phức tạp. Nhưng đây là một chủ trương đã được bàn kỹ, nếu lần này không được thể chế hóa vào trong Bộ luật Thi hành án thì không có cơ sở pháp lý để thực hiện. Tuy nhiên, việc chuyển giao sẽ theo lộ trình để có thời gian chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, dự kiến từ năm 2007 đến năm 2010.

* Ngoài việc thành lập lực lượng cảnh sát tư pháp, được biết dự thảo Bộ luật Thi hành án còn có một số điểm mới khắc phục những bất cập hiện nay về thi hành án tử hình?

- Về thi hành hình phạt tử hình, hiện nay còn nhiều bất cập như thi hành án chậm, vấn đề pháp trường, mai táng, vấn đề cho hoặc không cho gia đình nhận thi thể của phạm nhân… Thực hiện chủ trương đổi mới các quy định về thi hành án tử hình, dự thảo Bộ luật Thi hành án quy định, ngoài hình thức xử bắn như quy định của pháp luật hiện hành, sẽ bổ sung thêm hình thức tiêm thuốc độc để giảm bớt gánh nặng tâm lý của người trực tiếp thi hành án tử hình, cũng như giảm chi phí của nhà nước. Đồng thời, cho phép gia đình phạm nhân được nhận thi thể của tử tù để tự mai táng, hoặc nhận tro thi thể phạm nhân bị tử hình sau khi được hỏa táng vì mục đích nhân đạo.

* Còn việc nghiên cứu giảm bớt các loại án bị xử phạt tử hình thì sao ?

- Về vấn đề này, tôi được biết Quốc hội đang có chủ trương nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự theo hướng giảm một số loại án mà hiện nay bị xử phạt tử hình.

* Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Theo (Sài Gòn giải phóng)