* Những điểm sửa đổi lớn trong nghị định về vấn đề khai sinh cho trẻ?
- Nghị định mới đã mở rộng hơn về thẩm quyền đăng ký khai sinh: UBND cấp xã - nơi cư trú của người mẹ, thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ; nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ, thì UBND cấp xã, nơi cư trú của người cha thực hiện việc đăng ký khai sinh. Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người mẹ và người cha thì UBND cấp xã, nơi trẻ em đang sinh sống trên thực tế thực hiện việc đăng ký khai sinh.
* Như vậy, e rằng sẽ có chuyện đùn đẩy giữa địa phương này và địa phương khác?
- Tuy nhiên, việc đăng ký khai sinh vẫn đảm bảo nguyên tắc theo thứ tự ưu tiên sau đây: Thứ nhất: phải đăng ký khai sinh cho trẻ tại UBND cấp xã nơi người mẹ đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú. Thứ hai: Trong trường hợp người mẹ không có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú và trẻ hiện đang sống với cha có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú, thì khi đó mới đăng ký khai sinh cho trẻ tại UBND cấp xã nơi người cha đang thường trú hoặc tạm trú. Thứ ba: Trong trường hợp cả người cha và người mẹ của đứa trẻ không rõ hiện đang cư trú tại đâu, đứa trẻ vẫn được làm giấy khai sinh khi sống với người thân như: ông bà hoặc cô, dì, chú, bác.
* Thủ tục đăng ký khai sinh có gì "thoáng" hơn không, thưa ông?
- Thủ tục đăng ký khai sinh được quy định tại nghị định mới rất đơn giản, tạo điều kiện tối đa cho người đi đăng ký khai sinh. Giấy tờ phải có khi đăng ký khai sinh cho trẻ theo nghị định mới gồm hai loại: giấy chứng sinh và giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ (nếu có); trường hợp không có giấy chứng sinh có thể được thay thế bằng văn bản xác nhận của người làm chứng.
Trong trường hợp không có người làm chứng thì người đi khai làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực. Nghị định mới đã thể hiện rõ tính cải cách thủ tục hành chính bằng cách trao quyền chủ động cho cán bộ tư pháp hộ tịch. Nếu cán bộ tư pháp hộ tịch biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha, mẹ đứa trẻ thì không bắt buộc người đi khai sinh phải xuất trình giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ.
* Đối với trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú thì sao?
- Trong trường hợp này, nếu không xác định được người cha, thì phần khai về người cha trong sổ đăng ký khai sinh và giấy khai sinh của trẻ được để trống. Trong trường hợp khi đăng ký khai sinh cho trẻ, đồng thời có người đứng ra nhận đứa trẻ là con, thì UBND cấp xã sẽ kết hợp giải quyết đồng thời hai việc: đăng ký khai sinh cho trẻ và đăng ký việc nhận con.
Quy định này tạo điều kiện cho người nhận con có thể ghi tên luôn vào phần khai về người cha trong giấy khai sinh và sổ đăng ký khai sinh của người con và có thể đặt họ cho con theo họ của cha ngay từ khi đăng ký khai sinh.
Thời hạn đăng ký khai sinh cho trẻ được áp dụng chung tất cả các vùng, miền là 60 ngày, kể từ ngày trẻ sinh ra.
|