Tài xế và những 'ký hiệu bí ẩn'
Các Website khác - 24/10/2008

Nghề nào cũng có “mánh khóe” riêng của nghề đó. Câu này đúng với những bác tài xe tải, xe khách, họ có “mánh khóe độc” để qua mặt cảnh sát giao thông.

Đây là ký hiệu: “Cẩn thận nhé, CSGT bắn tốc độ đó”

Theo cánh tài xế thì có rất nhiều ký hiệu để biết được CSGT đang tuần tra, kiểm soát và “bắn” (bắn tốc độ) ở đâu. Sở dĩ những ký hiệu “không nói nên lời” mà bác tài nào cũng hiểu để tìm cách “né” CSGT ấy vẫn tồn tại là vì nhờ nó mà có khi cánh tài xế “lách” được một vài trạm CSGT và tránh được một khoản nộp phạt, có khi là nộp phạt nặng.

Khó khăn lắm tôi mới thuyết phục được tài xế H. (chạy xe khách tuyến Đông Hà - Đà Nẵng và ngược lại) cho đi cùng xe và giải thích cho những “ký hiệu bí ẩn” đó. Vì theo anh H., những ký hiệu đó ít khi anh tâm sự với người ngoài (tức là người không có xe chạy tuyến) vì sợ lộ và mất “mánh khóe” làm ăn.

Là người có thâm niên trong nghề cầm “vô lăng” của mình, anh H. tâm sự, anh có 10 năm lái xe tải Bắc - Nam và hơn 7 năm lái xe khách liên tỉnh nên chuyện những “ký hiệu bí ẩn” của cánh tài xế đối với anh là “chuyện thường ngày ở huyện”. Bây giờ mỗi lần ngang dọc trên các tuyến Quốc lộ, anh thừa hiểu các “đồng nghiệp” cần gì khi “nháy nháy” đèn pha hoặc ra ký hiệu bằng tay.

Theo anh, có nhiều loại ký hiệu để nhận biết CSGT, nhưng chung quy lại có mấy “ký hiệu” mà anh em đồng nghiệp hay dùng. Đầu tiên muốn hỏi nhau có CSGT làm hay không thì các xe đi ngược chiều nhau cần phải ra ký hiệu, ban đêm thì dùng đèn nháy nháy 2-3 lần (thậm chí ban ngày cũng nháy đèn) còn ban ngày thì hỏi nhau bằng tay.

Khi giơ 2 ngón tay làm ký hiệu giống như “khẩu súng lục” chỉ chỉ xuống dưới là lúc đó biết CSGT đang bắn tốc độ ở đâu, đoạn nào. Khi đó tài xế nào muốn “chắc ăn” biết CSGT đang “bắn” ở đâu thì dùng điện thoại di động để hỏi cho kỹ đoạn nào và CSGT đang ngồi ở đâu để “bắn” (cánh tài xế thường có số điện thoại của nhau để trao đổi mánh khóe nghề nghiệp). Có khi lấy bàn tay vẫy vẫy là lúc đó hãy đi chậm lại, sắp có trạm CSGT.

Rồi có khi lấy 1 ngón tay chỉ lên trời cao vút với một đường cong như cung tên thì đó là ký hiệu có trạm CSGT làm từ xa, cách khoảng 5-10km. Lúc đó các tài xế “căn” đường để mà chạy.

Hay có cử chỉ xòe bàn tay ra lắc tròn hỏi nhau thì lúc đó đối phương muốn biết CSGT bắn tốc độ có lập biên bản hay không, nếu nhận được sự trả lời là 1 ngón tay ra ký hiệu “quẹt quẹt” tức là cứ ký vào biên bản mà đi.

Đang tâm sự với tôi về những ký hiệu, bất ngờ có xe khách cùng tuyến đang chạy ngược chiều đoạn qua huyện Phú Lộc (TT-Huế) ra ký hiệu 2 ngón tay, anh H. giải thích tức là hôm nay có 2 trạm CSGT làm, nếu có chở quá số người quy định thì hãy chạy cẩn thận kẽo lỡ bị “tuýt còi” thì coi như…tiêu.

Nếu lúc đó “xe dù” hoặc xe đang “nhét” khách thì thường thường các tài xế cho xe chạy chậm lại để “núp”, tức là chờ lúc nào có xe tải to lớn hay xe container để bám theo đuôi mong sự kềnh càng và to lớn của xe tải hoặc xe container đó che khuất xe mình khi qua trạm CSGT và khi đó may mắn thoát được sự “tuýt” của CSGT.

Anh H. kể, có lần, một đồng nghiệp gọi điện cho anh hỏi hôm nay CSGT có bắn tốc độ không vì tài xế đó lúc đi qua QL1A đoạn Phú Lộc (TT-Huế) lỡ “đạp” (nhấn ga) 100km/h để đua nhau với các xe khác nhằm “vợt” khách.

Khi biết mình bị “dính” tốc độ và có trạm CSGT làm ở đoạn Tứ Hạ thì tài xế đó “né” bằng cách tạm thời cho xe “núp” ở cây xăng số 16, chờ khi nào CSGT không đủ kiên nhẫn đợi xe đến để phạt và ra về lúc đó tài xế mới cho xe chạy tiếp. Nếu hành khách mà lỡ đi chuyến xe đó coi như “ngáp ngắn, ngáp dài”.

Sở dĩ phải núp như thế vì nếu lỡ mà bị CSGT “tuýt còi” thì không đủ tiền để nộp phạt. Với xe 12 chỗ ngồi mà tài xế “nhét” 25 hành khách và chạy quá 20% tốc độ thì không có khung hình phạt nào mà kể hết, thậm chí bị “treo xe” 1 tháng trời, mà nếu bị như thế thì coi như tháng đó nhà xe cũng “treo niêu” luôn.

Vì thế, nhờ những “ký hiệu bí ẩn” và những cuộc điện thoại, họ đã may mắn thoát được CSGT, hàng ngày vẫn tung tăng “đạp ga” và “vợt”, “nhét khách”. Anh H. còn cho biết thêm, những ký hiệu ở “cung đường xe lậu” Đông Hà - Lao Bảo mới phong phú hơn. Nếu không phải tài xế chạy tuyến đó thì khó mà biết được.

Ở tuyến này ngoài những ký hiệu để nhận biết CSGT ở đâu và có bắn tốc độ hay không thì còn có những ký hiệu biết được các lực lượng tuần tra liên ngành như Hải quan, Biên phòng, Cảnh sát Kinh tế…vì thế mà những xe (loại 12 ghế ngồi) “no hàng lậu” hàng ngày vẫn tới tấp về thị xã Đông Hà.

Anh H. nói rằng muốn biết rõ hơn hãy hỏi phụ xe T. của anh. Anh T. là người có thâm niên phụ xe cho những chuyến xe hàng lậu gần 10 năm nay trước khi anh chuyển sang phụ xe khách.

Anh T. nói, hàng ngày có từ 60-80 chiếc xe chạy tuyến Đông Hà - Lao Bảo. Ngày xưa hoạt động buôn lậu sôi nổi hơn vì sự lơi lỏng kiểm soát của các lực lượng chức năng, còn hiện nay do báo chí phản ánh nhiều nên các lực lượng chức năng kiểm soát gắt gao, phải thường xuyên dùng ký hiệu hỏi nhau và có khi nhờ sự “du di” của lực lượng chức năng mới thoát được những “chuyến xe lậu”.

Anh T. liệt kê cho tôi biết từ Lao Bảo về thị xã Đông Hà có 9 trạm kiểm tra liên ngành gồm: Đồn Biên phòng 613 (ở Ngã 3 Tân Long); đồn Đặc nhiệm BP (ở dốc làng Vây); đội Tái kiểm Hải Quan (ở sau lưng Làng Vây); Trạm B (ở dốc Đương Lễ, gần chợ Khe Sanh đi về); Trạm liên ngành (ở Cầu Đakrông); Công An kinh tế huyện Đakrông (ở KM41); Công an Kinh tế huyện Cam Lộ (gần chợ Cam Lộ); Công an Kinh tế của tỉnh (ở Dốc Ma, đường 9B) và Công an Thị xã Đông Hà.

Vì thế để “lọt” qua những trạm kiểm tra trên đòi hỏi sự tinh quái của tài xế và nhiều lúc phụ thuộc vào sự may rủi, vì không phải lúc nào, ngày nào 9 trạm trên cũng hoạt động liên tục.

Anh T. cho biết muốn biết hôm nay có mấy trạm làm thì nháy đèn hỏi nhau, nếu giơ 2 ngón tay tức là có 2 trạm làm, còn nếu giơ 5 ngón tay và búng búng ngón tay tức là có 5 trạm kiểm soát chặt chẽ nhưng phải “chung chi” lúc đó họ mới “du di” cho qua.

Anh T. cho biết một bí mật là đa số các chủ xe hàng tháng đều “đóng góp” hàng tháng cho từng trạm. Tùy theo sự gắt gao từng trạm mà “chung chi” cho hợp lý. Chủ xe nào chở hàng nhiều thì đóng góp nhiều. Đa số hàng mà các chủ xe buôn lậu là thuốc lá và nước ngọt được các đầu nậu “gùi” từ biên giới về.

Hiện nay do các lực lượng làm gắt nên mỗi khi xe từ Lao Bảo “lọt” về được Đông Hà thì các chủ xe thường cho xe “nhả hàng” ở các quán cóc dọc đường 9 (QL9), tránh sự kiểm soát của Công an Kinh tế tỉnh và CA Kinh tế Thị xã Đông Hà.

Hàng ngày vào khoảng thời gian chập choạng tối lúc đó tấp nập những “chuyến xe lậu” rải hàng hai bên đường. Hàng được tập kết từ các quán cóc này rồi có chủ hàng đứng chờ nhận và có đội ngũ “xe ôm chuyên nghiệp” (những người chạy xe ôm chuyên chở hàng lậu) đến chở từng chuyến về Đông Hà.

Và cứ thế, những chuyến hàng lậu nhờ những “ký hiệu bí ẩn” và những “mánh khóe” trong nghề ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác và năm này qua năm khác tỏa đi các tỉnh phía Nam, làm “cuộc chiến chống hàng lậu” đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Chuyến xe tôi đi nhờ anh H. kết thúc tại bến xe Trung tâm TP Đà Nẵng. Lại một lần nữa anh H. thoát được CSGT mặc dù xe anh chở quá số người quy định (30 người/45 người). Anh H. tâm sự, mặc dù nhờ những “ký hiệu” đó anh đã thoát được nhiều vụ “no khách”, “nêm khách” và…”bắn”. Thậm chí có mấy tháng trời xe của anh không “dính” một lỗi nào.

Anh kể vui, có lần xe anh bị CSGT TT-Huế “tuýt” lại nói rằng dạo này xe anh chạy nghiêm chỉnh thật, không “dính” tốc độ lần nào. Nhưng CSGT không biết được để có được sự “nghiêm chỉnh” đó anh H. phải nhờ vào ký hiệu và những cú điện thoại với đồng nghiệp để “qua mặt” CSGT. Tuy nhiên, không phải xe nào cũng “đỏ” như xe anh H., vì hiện nay CSGT đổi chỗ bắn tốc độ liên tục nên thỉnh thoảng cũng có nhiều xe “dính” tốc độ liên tục.

Quy luật “may nhờ rủi chịu” và những “ký hiệu bí ẩn” vẫn cứ song hành với các bác tài trên mọi nẻo đường

Theo Công An Nhân Dân