Thanh tra 541 công trình đầu tư xây dựng trường học, phát hiện sai phạm hơn 22 tỷ đồng
Các Website khác - 27/02/2006
Tính đến cuối năm 2005, đã có 46 tỉnh, thành phố triển khai công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động đầu tư xây dựng trường học theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 12/VPCP ngày 12-1-2004. Trong tổng số 541 công trình, dự án được thanh tra, các cơ quan chức năng đã phát hiện tổng sai phạm về tiền hơn 22,1 tỷ đồng.
Tuy chưa phải là con số tổng hợp của 64 tỉnh, thành phố trong toàn quốc, song thực tế qua thanh tra, kiểm tra cho thấy, công tác quản lý đầu tư xây dựng trường học thời gian qua đặt ra nhiều vấn đề cần chấn chỉnh.

Trong tổng số 541 công trình, dự án được thanh tra, các cơ quan chức năng đã phát hiện tổng sai phạm về tiền hơn 22,1 tỷ đồng. Ðiều khiến chúng ta lo ngại hơn, các sai phạm nằm ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng, từ khảo sát lập dự toán thiết kế, đến đấu thầu, thi công xây lắp, nghiệm thu, thanh toán, quyết toán công trình. Các địa phương có nhiều sai phạm, thất thoát, lãng phí trong công tác này phải kể đến Hà Tĩnh 877 triệu đồng (5 %), Hòa Bình 339 triệu đồng (4,9%), Bắc Giang 1,2 tỷ đồng (19,6 %)...

Nhiều công trình không tuân thủ các bước của công tác khảo sát dẫn đến phải điều chỉnh lại thiết kế trong quá trình thi công, đồng thời làm phát sinh kinh phí và chậm tiến độ. Công trình Trường tiểu học Tam Bố, Tân Thượng và Tân Sơn (Lâm Ðồng), do khảo sát không kỹ, thiếu tính thực tế, cho nên khi thi công phải thay đổi tiết diện sắt, gia cố thêm móng. Công trình Trường THCS Sơn Thượng, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi), xác định vị trí xây dựng trường chỉ cách con suối có 7 m, trong khi bờ suối lại đang bị xói lở mạnh, khiến thầy, trò và các bậc phụ huynh băn khoăn, lo lắng.

Ðiều đáng quan tâm, một số công trình do Viện Nghiên cứu thiết kế trường học (Bộ Giáo dục và Ðào tạo) ký hợp đồng làm tư vấn thiết kế, nhưng giá trị hợp đồng không tính đến hệ số trùng lắp; khi lập dự toán thiết kế không căn cứ đơn giá vật tư, nhân công của địa phương nơi xây dựng trường học, nên làm tăng giá trị dự toán của công trình. Ðơn vị thẩm định dự toán thiết kế cũng không phát hiện ra sai sót này, dẫn đến việc cấp có thẩm quyền lấy đó làm căn cứ xét thầu, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước. Có công trình thực hiện đầu tư, song không tính đến hiệu quả khai thác sử dụng, gây lãng phí, như công trình trường phổ thông ở huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), tổng mức đầu tư hơn mười tỷ đồng, thiết kế quy mô trên diện tích 24.000 m2, với 14 phòng học, 25 phòng dành cho khu hành chính - thí nghiệm - thực hành, nhưng chỉ để phục vụ... 270 học sinh trên toàn đảo! (thừa gần hai phần ba số phòng đã xây dựng).

Công tác đấu thầu, ký kết hợp đồng kinh tế cũng cho thấy nhiều dấu hiệu đáng ngờ. Không ít công trình chỉ định thầu không đúng quy định, chẳng hạn theo quy định đối với những gói thầu nhỏ hơn 500 triệu đồng thì được tổ chức chọn thầu, nhưng phải có ít nhất ba nhà thầu chào giá, song trên thực tế nhiều nơi không làm việc này mà chỉ định thầu theo giá thẩm định của Sở Xây dựng. Hồ sơ mời thầu có ghi chỉ tiêu kỹ thuật, quy cách, chủng loại vật tư, nhưng khi thương thảo để ký hợp đồng lại không ghi rõ các nội dung này, cho nên dễ bị các nhà thầu lợi dụng. Như công trình Trường THCS Tân Thạnh (Long An), gói thầu cung cấp bàn ghế cho Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Ðồng Tháp...

Có trường hợp, để rút được tiền của Nhà nước, các bên liên quan còn thông đồng ký hợp đồng tư vấn giám sát khống, hoặc ký hợp đồng thiết kế trước khi có quyết định phê duyệt dự án đầu tư... (công trình Trường tiểu học Ðông Hưng Thuận 2, quận 12; Trung tâm Giáo dục Dạy nghề thanh thiếu niên 2 - TP Hồ Chí Minh).

Không chỉ có vậy, việc thi công, giám sát, nghiệm thu, thanh toán, quyết toán công trình, cũng phát hiện không ít thiếu sót, tiêu cực. Nổi lên trong số đó là việc sử dụng sai chủng loại vật tư, thi công sai thiết kế, thi công thiếu khối lượng, làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Qua thanh tra, kiểm tra 20 công trình, các cơ quan chức năng ở Lâm Ðồng đã phát hiện mười công trình thi công không đúng thiết kế. Nhiều công trình trường học ở Phú Yên, đang còn trong thời gian bảo hành, nhưng đã sụt, lún, xuống cấp cần phải gia cố, sửa chữa lại.

Trong thanh quyết toán, các trường hợp thanh quyết toán trùng lắp, quyết toán khống khối lượng diễn ra khá phổ biến. Một số công trình thuộc nguồn vốn ODA, theo quy định không phải nộp thuế VAT, nhưng khi xác nhận phiếu giá khối lượng hoàn thành, kho bạc Nhà nước ở một số tỉnh vẫn tính để chi trả cho các nhà thầu, mà việc thu hồi, trên thực tế, không phải là đơn giản, nhất là khi đã chi trả cho các công ty TNHH xây lắp ở nơi khác đến.

Hà Trung