Thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Các Website khác - 16/01/2006
Hội nghị Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam lần thứ ba từ ngày 8 đến 10-1-2006, đã ra Nghị quyết về Mặt trận tham gia thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Nghị quyết của hội nghị. Dưới đây là hai Nghị quyết này:
Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VI

Hội nghị lần thứ ba Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VI đã họp trong các ngày 8, 9 và 10-1-2006, tại thủ đô Hà Nội. Chủ tịch Phạm Thế Duyệt và các Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì Hội nghị. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành của Trung ương. Ðồng chí Tòng Thị Phóng, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đến dự và phát biểu ý kiến.

Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã báo cáo về tình hình công tác Mặt trận năm 2005 và chương trình phối hợp, thống nhất hành động của MTTQ Việt Nam năm 2006; về Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về MTTQ Việt Nam tham gia thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; về việc kết nạp các tổ chức thành viên mới, bổ sung nhân sự vào Ủy ban Trung ương và Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Hội nghị đã thảo luận các báo cáo của Ðoàn Chủ tịch và nhất trí quyết nghị:

1 - Thông qua Báo cáo tình hình công tác Mặt trận năm 2005 và chương trình phối hợp, thống nhất hành động của MTTQ Việt Nam năm 2006.

Hội nghị nhấn mạnh: Công tác Mặt trận năm 2005 có nhiều chuyển biến tốt, khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được mở rộng và tăng cường. Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên đã động viên các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trên nhiều lĩnh vực. Chất lượng các phong trào, các cuộc vận động được nâng lên, đạt hiệu quả thiết thực, nhất là cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và cuộc vận động "Ngày vì người nghèo", góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2005 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2001-2005). Công tác tham gia xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền có nhiều đổi mới, đạt hiệu quả thiết thực.

Tuy nhiên, Hội nghị cũng lưu ý những mặt còn yếu kém và hạn chế như: Việc tập hợp và phát huy vai trò của người tiêu biểu trong các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài... chưa được quan tâm đúng mức; chất lượng các phong trào thi đua chưa được đồng đều, bền vững, có nơi còn mang tính hình thức; công tác giám sát vẫn còn nhiều khó khăn và hiệu quả thấp; đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp còn nhiều bất cập.

Năm 2006, năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ X, năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006-2010), Mặt trận các cấp cần tổ chức thực hiện chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2006 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trọng tâm là đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân cả trong và ngoài nước nhằm mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tổ chức thành công Ðại hội đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên; vận động các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2006 như Nghị quyết Quốc hội đã đề ra; phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, làm tốt việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt do Hội đồng nhân dân cấp xã bầu, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố; thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về tham gia thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện Quy chế giám sát cán bộ, đảng viên, công chức ở khu dân cư tại năm tỉnh, thành phố thí điểm; đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân; tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp, nhất là cấp cơ sở và địa bàn dân cư.

2- Hội nghị đã nhất trí thông qua Nghị quyết về MTTQ Việt Nam tham gia thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ðây là việc làm khó khăn đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Hội nghị giao cho Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và đề nghị lãnh đạo các tổ chức thành viên có chương trình, kế hoạch và giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện.

3- Theo đề nghị của Ðoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nhất trí kết nạp Hiệp hội Các Trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt-Ðức, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam làm thành viên MTTQ Việt Nam và nhất trí bổ sung 4 vị đại diện lãnh đạo 4 tổ chức trên tham gia Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VI. Hội nghị nhất trí bổ sung 14 vị vào Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và 3 vị vào Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thay thế các vị nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

Hội nghị giao cho Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp thu và tổng hợp đầy đủ ý kiến của các vị Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về những vấn đề quan trọng để phản ánh và kiến nghị với Ðảng, Nhà nước và hoàn thiện các văn bản chính thức của Hội nghị để sớm triển khai tổ chức thực hiện.

Hội nghị lần thứ ba Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (khóa VI) kêu gọi các tầng lớp nhân dân trong cả nước và đồng bào ta đang sinh sống ở nước ngoài phát huy truyền thống yêu nước, tăng cường đoàn kết, ra sức thi đua thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước năm 2006, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội X Ðảng Cộng sản Việt Nam; tổ chức tốt việc đón Xuân Bính Tuất vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm; góp phần thực hiện các mục tiêu do Ðại hội VI MTTQ Việt Nam đã đề ra.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Thực hiện chương trình hành động do Nghị quyết Ðại hội VI Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội nghị lần thứ ba Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VI thảo luận và thông qua Nghị quyết chuyên đề về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như sau:

1. Thời gian qua, Ðảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách để đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Năm 1998 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh chống tham nhũng, Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí những năm qua đã có kết quả bước đầu. Song, tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng, thủ đoạn ngày càng tinh vi, tính chất ngày càng phức tạp, mức độ ngày càng gia tăng, gây hậu quả nặng nề cho xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng và sự quản lý của Nhà nước, đang là nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ. Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XI đã thảo luận, thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Hội nghị xác định, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm vận động nhân dân tham gia thực hiện hai đạo luật này, tham gia tích cực và có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí đầy gay go, gian khổ và phức tạp. Ðòi hỏi phải có quyết tâm cao, bản lĩnh vững vàng, có giải pháp phù hợp, thực hiện kiên trì bền bỉ, thường xuyên và lâu dài.

2. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên, đoàn viên, hội viên, cán bộ, công chức, mọi người noi gương sống cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư của Hồ Chủ tịch. Ðẩy mạnh việc tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tạo dư luận mạnh mẽ trong xã hội, kiên quyết lên án mọi hành vi tham nhũng, lãng phí và tích cực tham gia chống tham nhũng, lãng phí.

3. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam động viên nhân dân đẩy mạnh sản xuất, thi đua phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng; cùng Nhà nước chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân; kiến nghị Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp cần thiết để những người có chức, có quyền không dám tham nhũng, không thể tham nhũng, tiến hành khẩn trương việc cải cách thể chế, hoàn thiện pháp luật. Cải cách hành chính; cải cách tư pháp ở những ngành, những lĩnh vực, khâu công tác dễ xảy ra tham nhũng.

4. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải tự mình nghiêm chỉnh thực hiện chính sách, pháp luật và những quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thường xuyên kiểm tra, rà soát hoạt động của các đơn vị kinh tế, các quỹ, các chương trình, dự án do cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức thành viên quản lý và công tác quản lý tài chính, tài sản của cơ quan Mặt trận, tổ chức thành viên không để xảy ra tham nhũng, lãng phí trong các tổ chức và thành viên của Mặt trận. Người đứng đầu cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên các cấp phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tham nhũng, lãng phí ở cơ quan nơi mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý.

5. Thực hiện tốt công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cụ thể là:

a. Triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế Mặt trận giám sát cán bộ, đảng viên, công chức ở khu dân cư (nhất là ở các tỉnh, thành phố làm điểm).

b. Phát huy dân chủ, động viên nhân dân tích cực giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên, chủ động tham gia với chính quyền thực hiện đầy đủ các nội dung của Quy chế dân chủ ở cơ sở. Kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân để giám sát tốt việc phòng ngừa, phát hiện những hành vi tham nhũng, lãng phí và kiến nghị xử lý ngay từ cơ sở.

c. Thực hiện nghiêm túc việc hằng năm Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và Ban công tác Mặt trận lấy phiếu tín nhiệm đối với Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố theo Nghị định số 79/2003/NÐ-CP của Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Qua đó phát hiện những cán bộ không đủ phẩm chất, năng lực và sự tín nhiệm của nhân dân để đề nghị miễn nhiệm, bãi nhiệm.

Sau khi đã thực hiện nề nếp có kết quả, có kinh nghiệm công việc này. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ đề nghị Nhà nước có quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Hội đồng nhân dân các cấp bầu ra.

d. Các cấp Công đoàn phối hợp với Ðoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, cơ quan báo chí tổ chức vận động công nhân, viên chức, người lao động giám sát, đấu tranh chống mọi hành vi tham nhũng, lãng phí gây tổn thất công quỹ ở tất cả các cơ quan, doanh nghiệp do Nhà nước quản lý.

đ. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, tổ chức hòm thư phát hiện tham nhũng, lãng phí. Tiếp nhận, phân loại đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, nghiên cứu những vụ việc bức xúc để kiến nghị với cơ quan có trách nhiệm và thẩm quyền xem xét, xử lý và giám sát việc giải quyết, xử lý của cơ quan ấy. Phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là những đơn vị khiếu nại, tố cáo có liên quan đến tham nhũng, lãng phí; kiến nghị xử lý nghiêm khắc những người vi phạm; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, đoàn viên, hội viên.

e. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên, các vị Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp thường xuyên tổng hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân và cử tri để phản ánh, kiến nghị với cơ quan Ðảng, Nhà nước có trách nhiệm xem xét, giải quyết, đồng thời theo dõi, giám sát việc giải quyết đó.

6. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện tốt công tác hiệp thương trong các cuộc bầu cử Ðại biểu Quốc hội, Ðại biểu Hội đồng nhân dân, kiên quyết loại khỏi danh sách hiệp thương giới thiệu ứng cử những người đã phát hiện có vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm đạo đức lối sống và những người không được cử tri nơi công tác, nơi cư trú tín nhiệm.

7. Ðộng viên các tầng lớp nhân dân, hội viên, đoàn viên tích cực phát hiện, tố cáo những những hành vi tham nhũng, lãng phí, có biện pháp bảo vệ và hình thức khen thưởng xứng đáng đối với những người đã có hành động dũng cảm phát hiện, tố cáo những hành vi tham nhũng, lãng phí và sự phát hiện, tố cáo đúng, chính xác.

Hội nghị lần thứ ba Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam yêu cầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các thành viên của Mặt trận nêu cao ý thức trách nhiệm, có chương trình, kế hoạch cụ thể triển khai vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên của tổ chức mình và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết này để Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thực sự đi vào cuộc sống, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí hiện nay, đáp ứng lòng mong mỏi và sự tin cậy của các tầng lớp nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.