TP HCM 'vướng' khi thực hiện Bộ luật Tố tụng hình sự
Các Website khác - 30/09/2005
VKS trong tố tụng hình sự là thực hành quyền công tố, quyết định việc truy tố tội phạm ra tòa.

Quy định về thời hạn phê chuẩn lệnh tạm giam chưa cụ thể, thẩm quyền điều tra nhập nhằng, thời hạn tạm giam chia nhỏ khó áp dụng, các biểu mẫu về tố tụng chưa thống nhất... Đó là những khó khăn, vướng mắc được ngành kiểm sát thành phố nêu khi thực hiện Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003.

Trong 2 ngày 29 và 30/9, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) TP HCM đã tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003. Tại hội nghị, lãnh đạo các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố nhận xét, việc Bộ luật Tố tụng Hình sự mới chính thức thi hành (từ 1/7/2004) đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động và năng lực công tác của đội ngũ cán bộ tư pháp. Đồng thời, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật, nhằm đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm.

Tuy nhiên, ngành kiểm sát thành phố nêu lên nhiều không ít khó khăn, vướng mắc khi vận dụng các quy định của bộ luật.

Là một trong 8 quận được tăng thẩm quyền xét xử, VKSND quận 3 đặt vấn đề: Luật quy định, trong 3 ngày, kể từ khi nhận được đề nghị xét phê chuẩn lệnh tạm giam của cơ quan công an, VKS phải ra quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn lệnh tạm giam và trả hồ sơ cho cơ quan điều tra. Nhưng nếu đến ngày cuối cùng, VKS không phê chuẩn, không khởi tố được đối tượng vì cho rằng chưa đủ căn cứ, thì thời gian đối tượng "nằm nhà đá" chờ VKS phê chuẩn, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm bồi thường trong khi cả hai đều làm đúng luật?.

Cũng theo đại diện của cơ quan công tố này, nếu tính thời hạn ra lệnh tạm giam kể từ khi thẩm phán nhận hồ sơ, theo quy định của luật thì các cơ quan tố tụng rất dễ bị vi phạm. Thực tế, khi VKS chuyển hồ sơ sang tòa, phải qua "công đoạn" nhận, kiểm tra, thụ lý hồ sơ sau đó chuyển cho Chánh án rồi mới phân công xuống thẩm phán xử. Thực tế, công đoạn này có khi kéo dài cả tuần nên không ít trường hợp thời gian tạm giam kết thúc trước cả chục ngày. Vụ môi giới mại dâm của Lâm Nhật Ánh là một ví dụ. VKS chuyển hồ sơ sang tòa, lệnh tạm giam vẫn còn thời hạn nhưng qua nhiều "khâu", khi hồ sơ chuyển đến thẩm phán đã mất gần một tuần. Vì vậy, lúc thẩm phán ra lệnh tạm giam thì đã quá hạn tới 4 ngày.

Thẩm quyền điều tra được quy định trong bộ luật cũng gây "vướng". VKSND thành phố cho rằng, bị can phạm tội nhiều nơi nhưng đều ở vai trò đồng phạm, luật không cho nhập chung hành vi để giải quyết trong cùng một vụ, gây khó khăn trong quá trình tố tụng. Bà Nguyễn Ngọc Điệp, Phó Viện trưởng VKSND TP HCM lý giải, có trường hợp bị can phạm tội ở các địa phương khác nhau, cơ quan điều tra ở đâu phát hiện được thì chỉ khởi tố bị can về hành vi vi phạm ở địa phương mình, chứ không chuyển hồ sơ cho các địa phương khác. Cũng có trường hợp, nhiều cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố khác nhau, nên không giải quyết triệt để được vụ án. "Việc tách từng hành vi phạm tội sẽ gây khó khăn cho cơ quan tố tụng khi truy tố, xét xử và thi hành án", bà Điệp nói.

Lãnh đạo các cơ quan tố tụng thành phố phản ánh thêm, thời hạn tạm giam, gia hạn giam được chia nhỏ theo tính chất phạm tội từ 10, 15, 20 hoặc 30 ngày như trong luật không phù hợp với địa phương có nhiều phức tạp như TP HCM. Chẳng hạn, trong vụ án có nhiều bị can phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng..., nếu tạm giam hết theo thời hạn của loại tội rất nghiêm trọng sẽ dẫn đến vi phạm tố tụng, còn ngược lại sẽ không đủ điều tra chung vụ án.

Các biểu mẫu về tố tụng hình sự giữa cơ quan điều tra với viện kiểm sát chưa được ban hành thống nhất, gây khó khăn trong thủ tục phê chuẩn các quyết định khởi tố. Đơn cử, luật quy định, VKS khi phê chuẩn các quyết định của cơ quan điều tra phải thực hiện bằng một văn bản riêng là không cần thiết, làm gia tăng các loại giấy tờ, văn bản, làm lãng phí, mất thời gian nhất là trong các trường hợp án có sự trả đi trả về giữa các cơ quan tố tụng. "Chỉ cần phê chuẩn bên cạnh quyết định khởi tố của cơ quan điều tra là đủ" - Viện trưởng VKSND quận 7 đề xuất....

Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Thanh Biểu, Phó Viện trưởng VKSND tối cao cho biết, những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được tập hợp, kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu giải quyết.

H. Thanh