Từ quý bà thành gái “ăn sương”
Các Website khác - 14/10/2008

 
Ảnh minh họa.

Có lẽ đôi khi nhìn lại, T.T.B cũng không thể hiểu nổi tại sao đời mình lại có những tháng ngày đen tối như thế này: bệnh tật đầy người, bị con cái ghẻ lạnh và phải sống trong trại phục hồi nhân phẩm.

 

Cuộc đời làm báo đã cho tôi cơ hội được gặp gỡ những con người có số phận đặc biệt. Nhưng cuộc hội ngộ với hai người đàn bà tại Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội (thường gọi là trại phục hồi nhân phẩm) đã khiến tôi bị ám ảnh.

Họ đều là những người từng sống trong êm ấm, nhung lụa, có chồng con đầy đủ nhưng chỉ vì thói hoang phí, chi tiêu không biết đến ngày mai mà đã tự đẩy mình thành gái đứng đường.

Cuộc đời ai biết chữ “ngờ”

 

Có lẽ đôi khi nhìn lại, T.T.B cũng không thể hiểu nổi tại sao đời mình lại có những tháng ngày đen tối như thế này: bệnh tật đầy người, bị con cái ghẻ lạnh và phải sống trong trại phục hồi nhân phẩm. Chỉ cách đây vài năm, người đàn bà này đã từng sống một cuộc sống vương giả, nhung lụa. B. có người chồng làm chủ một xưởng cơ khí khá lớn với hơn chục nhân công, có hai đứa con xinh xắn và một ngôi nhà to đẹp giữa phố lớn. Thu nhập từ xưởng cơ khí của chồng đủ để gia đình B. có một cuộc sống dư dật, nhàn nhã.

Xinh đẹp, trẻ trung nên B. được người chồng nhiều hơn mình đến chục tuổi yêu chiều hết mực. Mọi việc trong gia đình như cơm nước, giặt giũ, chăm sóc hai đứa con đều được B. phó mặc cho người giúp việc. Cô sống như quý bà với những thú tiêu khiển tốn kém như: shopping, đi spa với các chị em cùng “đẳng cấp”. Quan tâm duy nhất trong ngày của B. chính là làm thế nào để mình đẹp hơn, sành điệu hơn trong mắt mọi người còn chồng con ra sao, ăn uống, nghỉ ngơi học tập thế nào cô không cần biết. Anh chồng B. lúc đầu cũng thấy khó chịu khi vợ ăn diện quá nhưng lại nghĩ “vợ đẹp thì mình cũng mát mặt với thiên hạ” nên dần dần cũng tặc lưỡi cho qua. Biết thế nên B. ngày càng ra sức mua sắm quần áo, son phấn cho mình.

Cuộc đời lẽ ra đã trải toàn hoa hồng với B. nếu không xảy ra một biến cố. Xưởng cơ khí của chồng cô không may bị cháy rụi hoàn toàn trong đêm khuya và còn gây thiệt hại cho cả hàng xóm quanh đó. Sau một đêm tỉnh dậy, hai vợ chồng đã gần như tay trắng. Họ phải bán ngôi nhà lớn, mua một ngôi nhà nhỏ để lấy tiền khắc phục hậu quả của tai họa. Số vốn ít ỏi còn lại cũng chỉ đủ để chồng cô mở một cửa hàng sửa chữa máy móc gia dụng nhỏ để kiếm sống qua ngày. Chi tiêu trong gia đình bị thắt chặt, những người giúp việc được cho về quê hết vì không thể đủ tiền trả lương cho họ.

 

 Ảnh minh họa
Chỉ vì thích ăn diện, lười lao động nhiều "quý bà" đã tự đẩy mìnhvào phận gái ăn sương (Ảnh minh họa)

 

Nếu như thương chồng, biết đồng cam cộng khổ với chồng thì có lẽ B. đã hết lòng an ủi, động viên chồng vượt qua những khó khăn này. Thế nhưng, đã quen ăn trắng mặc trơn, B cảm thấy khó chịu khi phải làm tất cả việc nhà. Việc từ bỏ những thói quen xa xỉ như mua sắm, spa với cô cũng là cực hình. Cô không ngừng chì chiết, đánh chó chửi mèo, bóng gió nói chồng là đồ vô dụng, đến việc đảm bảo cho vợ con một cuộc sống yên ổn cũng không thể làm được. Những trận cãi vã liên miên đã khiến hai vợ chồng cô phải đưa nhau ra tòa ly dị. Tài sản chung được chia đôi, B. ôm mớ tiền mấy trăm triệu về nhà mẹ đẻ bỏ mặc hai con cho người chồng cũ chăm sóc.

Khi ấy, B. mới 30 tuổi. Người đàn bà ở tuổi ấy mới vào độ chín của nhan sắc. B. trở thành tâm điểm tán tỉnh, theo đuổi của rất nhiều người đàn ông. Trong số đó, cô cặp với một anh chàng “phi công” trẻ, đẹp trai, chưa vợ và kém mình tới 5 tuổi. Hai người thuê nhà và sống với nhau như vợ chồng. Số tiền B. có sau khi li dị đã nhanh chóng ra đi với những lần chơi bời cùng gã bồ trẻ đẹp và cũng là tay đào mỏ có hạng.

Tiền hết thì tình cũng hết, B. nhanh chóng bị bỏ rơi. Không tiền, không nghề nghiệp, bị chính bố mẹ đẻ từ mặt, ngã rẽ định mệnh của số phận đã đẩy cô thành một gái ăn sương đích thực.

 

Cuộc sống hai mặt

 

Một “đồng nghiệp” của B. là T.H.H ngồi nghe câu chuyện của chúng tôi và lặng lẽ khóc. Dường như cô thấy được những mảnh vỡ cuộc đời của mình trong mỗi câu chuyện B. kể.

H. từng có một gia đình đầm ấm với hai đứa con xinh xắn và người chồng chịu thương chịu khó. Nếu cả hai vợ chồng cùng đồng cam cộng khổ, chăm chỉ làm lụng thì có lẽ cuộc sống của gia đình cô cũng không đến nỗi khó khăn. Thế nhưng, bản tính ham thích ăn diện, lười lao động đã khiến H. không thể kiếm được công việc gì ổn định. Đi bán hoa quả ngoài chợ thì H. sợ đen da, đi làm giúp việc cho người khác thì nói vất vả và sợ mang tiếng là ôsin. Cuối cùng thì H. chọn cách… ở nhà hẳn, tháng tháng đợi chồng đưa tiền chi tiêu cho cả gia đình. Đồng lương bảo vệ cho một cơ quan cấp Bộ của anh chồng không đủ đảm bảo cho sinh hoạt cho cả gia đình càng không đáp ứng nổi nhu cầu son phấn của vợ. H. trở nên bức bối và muốn thoát ra cuộc sống này càng nhanh càng tốt.

Gần nhà H. có một cô gái mới đến thuê nhà. Cả ngày, cô gái không làm gì nhưng vẫn có quần áo đẹp, son phấn “xịn” để dùng. Khi đã thân nhau, H. mới biết đó là một cave đích thực. Cô gái nói, mỗi ngày, mình có thể kiếm mấy trăm ngàn, gặp khách “sộp” có khi được cả tiền triệu. Mờ mắt vì tiền, lợi dụng công việc của chồng phải thường xuyên trực đêm, H. đã theo cô gái đi “bắt khách” để “cải thiện” đời sống.

 

 Ảnh minh họa
Bắt khách trên đường (Ảnh minh họa)

 

H. cứ sống cuộc đời hai mặt: sáng làm vợ thảo, mẹ hiền, tối làm gái ăn sương “part time” như thế được đến gần ba tháng cho đến khi cô bị đội cảnh sát phòng chống tệ nạn xã hội bắt được khi đang “đi khách” trong một nhà nghỉ quận Long Biên. H bị đưa vào trại phục hồi nhân phẩm. Người chồng sau cơn choáng váng khi biết sự thật về người vợ đầu gối tay ấp đã quyết định ly hôn. Không chồng con, không nhà cửa, một tương lai u ám đang đón đợi H. phía trước sau khi cô ra trại.

 

Tất cả những giọt nước mắt đều đã muộn màng. Những người đàn bà như B, như H. đã không trân trọng cuộc sống gia đình nên bây giờ đang phải trả giá. Có điều, cái giá họ phải trả là quá đắt cho thói ăn chơi đua đòi, lười lao động. Còn bao nhiêu những người đàn bà nữa, những người luôn tự cho mình là “quý bà” sành điệu, tân thời đang hủy hoại cuộc sống gia đình vì những cám dỗ vật chất tầm thường? Và khi không có tiền để thỏa mãn thói ăn chơi, tiêu xài không biết đến ngày mai thì bao nhiêu người trong số họ sẽ tự đẩy mình ra đường thành gái ăn sương? Liệu những tấm gương như H, như B có khi nào khiến họ chồn lòng và nghĩ lại?

Theo Phununet