Dân thành con nợ nhưng “cò” vẫn nhởn nhơ
Các Website khác - 07/03/2006
Những nạn nhân của Nguyễn Minh Hoa
ở xã Hưng Long, Bình Chánh.
Các hộ nông dân ở hai huyện Bình Chánh và Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh) đang sa vào tình cảnh dở khóc dở mếu vì bị “cò” tín dụng, “chuyên viên hỗ trợ vốn” lừa đảo. Các đối tượng này đã cấu kết với cán bộ ngân hàng (NH) ôm hàng chục tỷ đồng, biến người dân thành con nợ, còn NH thì thành... chủ những khoản nợ khó đòi.
“Chuyên viên hỗ trợ vốn” lừa tiền tỷ!

Tháng 7-2000, Nguyễn Minh Hoa (sinh 1952, ngụ tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) và Nguyễn Thị Minh Hà (em ruột Hoa) đứng ra thành lập Công ty cổ phần Nhật Hoàng (Phan Văn Trị, phường 17, quận Gò Vấp).

Đến tháng 10-2003, Hoa mượn danh nghĩa Công ty Nhật Hoàng, đồng thời xưng là “chuyên viên hỗ trợ vốn”, xuống tiếp xúc với bà con xã Hưng Long, Bình Chánh và hứa sẽ cho họ vay vốn với lãi suất ngân hàng 1%/tháng với điều kiện rất đơn giản: chỉ cần giao sổ đỏ.

Tin lời Hoa, bốn hộ dân gồm: Lê Văn Trong, Lê Ngọc Mai, Võ Thành Phước, Mai Bạch Tuyết đã giao sổ đỏ cho Hoa rồi ký vào giấy bảo lãnh thế chấp tài sản vay vốn tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chi nhánh Đông Sài Gòn (Trần Não, quận 2). Hoa cùng một cán bộ tín dụng đã “ảo thuật” hợp đồng tín dụng, nâng khống số tiền bảo lãnh lên gấp nhiều lần.

Cụ thể, hộ ông Trong vay thực tế 15 triệu đồng nhưng số tiền bảo lãnh bị Hoa kê lên... 700 triệu đồng. Bà Mai vay 10 triệu nhưng bảo lãnh cho Hoa vay 300 triệu. Ông Võ Thành Phước nhận từ Hoa 30 triệu nhưng bảo lãnh cho Hoa vay tới 500 triệu. Hộ bà Tuyết vay 10 triệu đồng nhưng bảo lãnh cho Hoa 150 triệu. Tổng cộng, số tiền thực vay của bà con nông dân chỉ 60 triệu, trong khi đó phải bảo lãnh cho Hoa vay tới hơn 1,6 tỷ đồng.

Tháng 6-2004, do Hoa không trả nợ gốc lẫn lãi nên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra quyết định phát mãi tài sản của các hộ dân. Lúc này, bà con nông dân mới tá hỏa vì khoản nợ khổng lồ từ trên trời rơi xuống. Họ tìm gặp Hoa để yêu cầu giải quyết nhưng Hoa lẩn tránh. Trong khi đó, phía Ngân hàng liên tục gây áp lực để phát mãi tài sản của người dân. Quá uất ức, hai trong số “con nợ” bất đắc dĩ là bà Lê Ngọc Mai và bà Mai Bạch Tuyết đã bị đột quị và qua đời, để lại món nợ cho con cháu. Họ đâm đơn kiện Hoa ra tòa dân sự. Ba lần xét xử, ba lần Hoa xin cam kết sẽ trả nợ cho bà con nhưng sau đó lại tiếp tục làm ngơ.

Một “cao thủ” khác trong lĩnh vực... lừa sổ đỏ nông dân là Tiêu Thị Anh (1955), ngụ xã Thới Tam Thôn, Hóc Môn. Giữa năm 2004, biết một số gia đình ngụ cùng xã đang gặp khó khăn, bà Anh gợi ý nếu muốn vay tiền Ngân hàng lãi suất thấp thì bà ta sẽ giúp đỡ thủ tục vay ở Quỹ tín dụng trung ương - chi nhánh TP Hồ Chí Minh (quận 1). Tin lời bà Anh, bà con đưa toàn bộ giấy tờ để bà lên UBND xã xin xác nhận tình trạng nhà đất, làm hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất.

Trong các hợp đồng thế chấp tài sản được UBND xã Thới Tam Thôn xác nhận thì số tiền bà con vay chỉ từ 15-50 triệu nhưng bà Anh tự ý sửa chữa nâng lên hàng trăm triệu đồng... Khi người dân thắc mắc về số tiền vay chênh lệch này, bà Anh trấn an “tới kỳ đáo hạn tui trả cho, kể cả tiền lãi hằng tháng”. Đến thời hạn trả tiền cho bà con, bà Anh đã cố tình lờ đi. Ngay cả tiền lãi hằng tháng bà Anh cũng nuốt lời hứa. Theo tìm hiểu, đã có ít nhất 21 trường hợp bị bà Anh lừa đảo bằng cách này với số tiền lên đến 13 tỷ đồng.

Tiếp tay cho lừa đảo?

Theo kết quả xác minh của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Bộ Công an, năm 2003 Công ty Nhật Hoàng làm đơn xin vay 2 tỷ đồng để kinh doanh 180.000 bộ quần áo xuất khẩu sang Hàn Quốc. Tài sản đảm bảo nợ vay gồm một căn nhà và bốn sổ đỏ của bốn hộ nông dân ở Hưng Long, Bình Chánh.

Theo tài liệu thu thập và tường trình của cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đã bị cơ quan điều tra triệu tập), trong việc xem xét giá trị tài sản đảm bảo nợ vay, cán bộ tín dụng đã báo cáo không trung thực về giá trị thật của tài sản. Cụ thể, những lô đất bảo lãnh thế chấp đều là đất ruộng hoặc nằm cách đường đến... 400m nhưng cán bộ tín dụng đã làm tờ trình báo cáo là “đất gò nằm ngay mặt đường nhựa lớn, xe hơi chạy vào tận nơi, chạy theo đường vành đai về quận 8” (thực tế xe đạp chạy vào không được). Nghiêm trọng hơn, cán bộ tín dụng đã định giá tài sản không theo quy định của Nhà nước, từ đó tự ý nâng giá 5-7 lần so với giá quy định.

Sau khi Công ty Nhật Hoàng không thanh toán nợ đúng hạn, cán bộ tín dụng dù không có đầy đủ cơ sở vẫn đề xuất cho Công ty Nhật Hoàng gia hạn nợ ba lần, làm ảnh hưởng đến tiến độ thu hồi nợ. Lời khai của nạn nhân cho thấy cán bộ tín dụng đã có dấu hiệu tiếp tay cho Nguyễn Minh Hoa lừa đảo. Theo đánh giá khách quan, dù Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (chi nhánh Đông Sài Gòn) có phát mãi được tài sản của Nguyễn Minh Hoa (căn nhà thế chấp) thì cũng chỉ thu hồi được không quá 1/4 số nợ.

Tương tự, trong vụ Tiêu Thị Anh lừa đảo bà con nông dân ở Thới Tam Thôn (Hóc Môn), theo tài liệu của cơ quan điều tra Bộ Công an, trong quá trình làm hồ sơ thủ tục vay tiền, bà con không hề thấy nhân viên của Ngân hàng xuống khảo sát nhà và đất trước khi đồng ý cho thế chấp. Trong các hợp đồng mà UBND xã lưu lại khi các hộ dân đến xác nhận thì số tiền vay chỉ trên dưới 50 triệu đồng nhưng theo hợp đồng lưu tại Quỹ tín dụng trung ương chi nhánh TP Hồ Chí Minh ghi số tiền vay từ 350-700 triệu đồng.

Đáng lưu ý qua xác minh bước đầu số hợp đồng thế chấp của các xã tại hai huyện Củ Chi và Hóc Môn đã phát hiện 21 trường hợp có dấu hiệu sửa chữa tài liệu, chứng từ. Trong hai năm 2003-2004, Quỹ tín dụng trung ương chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã làm thủ tục cho 85 hộ dân vay tiền trị giá trên 40 tỷ đồng, tài sản thế chấp là đất và nhà ở. Trong đó số tiền rơi vào tay Tiêu Thị Anh và Trần Anh Tuấn trị giá khoảng 27 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra nhận định việc thất thoát tài sản xảy ra tại Quỹ tín dụng trung ương hết sức nghiêm trọng, không còn khả năng truy thu tài sản, khắc phục hậu quả, đặc biệt “có dấu hiệu móc ngoặc, thông đồng với các cán bộ của Quỹ tín dụng trung ương chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nhà nước”.

Điều đáng nói không hiểu vì sao vụ việc đến nay vẫn giẫm chân tại chỗ, các “cò” môi giới cũng như một số cán bộ Ngân hàng vi phạm vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Theo Tuổi trẻ