Thủ tục chuyển trường đối với học sinh
Các Website khác - 07/03/2006
Hỏi: Đề nghị cho biết điều kiện để một học sinh phổ thông có thể chuyển sang học ở trường học khác. Khi chuyển trường cần làm những hồ sơ, thủ tục gì?
Trả lời: Theo Quy định chuyển trường và tiếp nhận học sinh học tại các trường trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) ban hành kèm theo Quyết định số 51/2004/QĐ-BGDĐT ngày 25-12-2002 của Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo, học sinh được xem xét chuyển trường khi chuyển nơi cư trú theo cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ; học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về gia đình hoặc có lý do thực sự chính đáng khác.

Riêng đối với học sinh đang học tại trường THPT ngoài công lập có nguyện vọng chuyển sang trường THPT công lập chỉ được xem xét khi học sinh phải chuyển nơi cư trú theo cha mẹ hoặc người giám hộ đến vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn mà ở đó không có trường THPT ngoài công lập; hoặc học sinh đang học tại trường THPT ngoài công lập thuộc loại trường có thi tuyển đầu vào phải chuyển nơi cư trú theo cha mẹ hoặc người giám hộ mà ở đó không có trường THPT ngoài công lập có chất lượng tương đương. Trong cả hai trường hợp trên, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo nơi đến có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Hồ sơ xin chuyển trường bao gồm:

- Đơn xin chuyển trường do cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ ký.

- Học bạ (bản chính).

- Bằng tốt nghiệp cấp học dưới (bản công chứng).

- Bản sao giấy khai sinh.

- Giấy chứng nhận trúng tuyển vào lớp đầu cấp THPT theo loại hình trường được tuyển (công lập hoặc ngoài công lập).

- Giấy giới thiệu chuyển trường do Hiệu trưởng nhà trường nơi đi cấp.

Đối với học sinh xin chuyển đến từ tỉnh, thành phố khác phải có Giấy giới thiệu chuyển trường do Phòng Giáo dục - Đào tạo (đối với cấp THCS) hoặc Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo (đối với cấp THPT) nơi đi cấp.

- Các giấy tờ hợp lệ để được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích trong học tập, thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp (nếu có).

- Hộ khẩu hoặc Giấy chứng nhận tạm trú dài hạn hoặc quyết định điều động công tác của cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ tại nơi sẽ chuyển đến (đối với những học sinh chuyển nơi cư trú đến từ tỉnh, thành phố khác).

- Giấy xác nhận của chính quyền địa phương nơi học sinh cư trú với những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về gia đình.

Việc chuyển trường chỉ được tiến hành khi kết thúc học kỳ I của năm học hoặc trong thời gian nghỉ hè trước khi khai giảng năm học mới.

Trường hợp ngoại lệ về thời gian phải do Trưởng phòng Phòng Giáo dục - Đào tạo (đối với cấp THCS) hoặc Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo (đối với cấp THPT) nơi đến xem xét, quyết định.

--------------------

Cơ quan thực hiện hoạt động điều tra

Hỏi: Cơ quan nào được thực hiện hoạt động điều tra hoặc được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ?

Trả lời:

Điều 10 - Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định, Cơ quan Điều tra gồm có: Cơ quan Điều tra trong Công an nhân dân, Cơ quan Điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan Điều tra của Viện KSND Tối cao; hoạt động theo nguyên tắc: Cơ quan Điều tra trong công an điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm do Cơ quan Điều tra trong Quân đội và những vụ án do Cơ quan Điều tra Viện KSND Tối cao điều tra; Cơ quan Điều tra trong Quân đội điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án Quân sự; Cơ quan Điều tra của Viện KSNDTC điều tra một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp.

Nhìn chung, Cơ quan Điều tra cấp nào thì điều tra những vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp đó. Cơ quan Điều tra cấp TƯ trong công an và Quân đội có thể điều tra những vụ án hình sự về những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Điều tra cấp dưới, nhưng cấp TƯ xét thấy cần trực tiếp điều tra.

Ngoài ra, các cơ quan khác cũng được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như: Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm; các cơ quan khác của lực lượng cảnh sát nhân dân, an ninh nhân dân, quân đội nhân dân; lực lượng Cảnh sát Biển (do tính chất, hoạt động, quản lý của Cảnh sát Biển có nhiều điểm giống như Bộ đội Biên phòng). Các cơ quan này được tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với tội ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ rõ ràng, người phạm tội có lai lịch cụ thể và phải hoàn thành hồ sơ chuyển cho Viện Kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

Đối với các tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và tội ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì các cơ quan nêu trên được khởi tố vụ án, tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu và chuyển cho Cơ quan Điều tra trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

--------------------

Những người không được quyền hưởng di sản

Hỏi: Ở quê tôi có trường hợp khi người mẹ còn sống, các con của bà đều thực hiện tốt nghĩa vụ nuôi dưỡng đối với mẹ đẻ ra họ. Tuy nhiên, trong số các con của bà có một người thường xuyên vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng đối với bà, việc này khi còn sống bà có biết nhưng khi để lại di chúc bà vẫn cho người đó hưởng di sản. Vậy đề nghị cho biết pháp luật quy định như thế nào về những người không được quyền hưởng di sản. Trường hợp trên có được hưởng di sản không?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 643 của Bộ luật Dân sự thì:

1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:

a. Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

b. Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

c. Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

d. Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

2. Những người quy định tại khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.

Như vậy, theo quy định trên mặc dù có người con đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng đối với người mẹ của họ, hành vi này mẹ của họ đã biết nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc, thì đối với người này vẫn có quyền hưởng di sản theo di chúc mà mẹ họ để lại.

--------------------

Tốc độ của xe cơ giới

Hỏi: Đề nghị cho biết, trong trường hợp nào thì người điều khiển xe cơ giới phải giảm tốc độ đến mức không nguy hiểm?

Trả lời:

a. Theo quy định tại Điều 12 Luật Giao thông Đường bộ năm 2001, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải có thẩm quyền quy định cụ thể tốc độ của xe cơ giới và việc đặt biển báo tốc độ đối với xe cơ giới.

Ngày 16-9-2005, Bộ trường Giao thông Vận tải đã có Quyết định số 42/2005/QĐ-BGTVT ban hành quy định về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới lưu hành trên đường bộ (thay thế quy định cũ).

b. Theo quy định tại Quyết định số 42/2005/QĐ-BGTVT ngày 16-9-2005: Người điều khiển các phương tiện giao thông phải giảm tốc độ đến mức không gây nguy hiểm (có thể dừng lại một cách an toàn) trong các trường hợp sau đây:

- Khi có báo hiệu hạn chế tốc độ hoặc có chướng ngại vật trên đường.

- Khi tầm nhìn bị hạn chế.

- Khi qua đường giao nhau, đường sắt, đường vòng, đoạn đường gồ ghề, trơn trượt, cát bụi.

- Khi qua cầu, cống hẹp, khi gần lên đỉnh dốc, khi xuống dốc.

- Khi qua trường học, nơi tập trung đông người, nơi đông dân, có nhà cửa gần đường.

- Khi vượt đoàn bộ hành, đoàn xe đang đỗ, súc vật đi trên đường hoặc ở gần đường.

- Khi tránh xe chạy ngược chiều hoặc khi đã cho xe sau vượt.

- Khi đến gần bến xe điện, xe buýt có hành khách đang lên xuống.

- Khi gặp xe quá tải, quá khổ đi ngược chiều trên đường không có dải phân cách chiều đi.

- Khi chuyển hướng xe chạy.

Tổng hợp