Chống ma tuý bằng ảnh
Các Website khác - 24/06/2004
Chống ma tuý bằng ảnh

Việt Văn
Trong bối cảnh ảnh báo chí VN còn chưa nhiều những ảnh mang tính phát hiện với sự dấn thân vào những mảng đề tài gai góc của các phóng viên; thì triển lãm ảnh phòng chống ma tuý đang diễn ra tại 29 Hàng Bài (HN) là một điểm sáng.

Hai bức ảnh chụp tại ven hồ Thiền
Quang của Quang Phùng.

Tính báo chí rất cao. Những bức ảnh đầy ấn tượng. Chú bé 12 tuổi theo chân bọn nghiện, lượm những bơm kim tiêm chúng vừa sử dụng, chắt những giọt ma tuý còn đẫm máu tự chích cho mình, hoặc tẩm vào thuốc lá để hút. Đôi vợ chồng trẻ đang dắt con đi chơi, người vợ bất thần lên cơn nghiện, sùi bọt mép cuống cuồng lẩn sau xe rác chích ma tuý. Rồi vợ chích cho chồng, trước sự chứng kiến ngơ ngác của đứa bé còn thơ dại...

Những hình ảnh tiêm chích ma tuý công khai ngay giữa thủ đô Hà Nội làm những người có trách nhiệm phải giật mình. Những con số tác giả Quang Phùng nêu ra mang tính cảnh báo rõ rệt: Tháng 5.2004, Bộ Y tế phát hiện thêm 977 trường hợp nhiễm HIV, nâng tổng số người nhiễm HIV/AIDS lên 80.900 người (mà đấy là con số thống kê được, còn trôi nổi ngoài xã hội thì khó kể xiết).

Tác giả Phùng Triệu cũng đâu còn trẻ (sinh năm 1947) nhưng sự dấn thân và nhạy cảm của một nhà báo vẫn thật đáng nể. Đây là phóng sự ảnh đen trắng xuất sắc về bản Bẹp ở Lai Châu với nạn nghiện hút của những người Mông trên các bản làng du canh du cư. Từ thanh niên, trẻ con, người già đến hai cô gái xinh đẹp là vậy, nằm nghiêng bên nhau như đôi bạn thân cũng đang hút... Tạo hình táo bạo, khoảnh khắc đắt giá. Tuy nhiên những bức ảnh sau đó của Phùng Triệu về những hoạt động tích cực giúp đỡ, cải tạo người cai nghiện của Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Bình Triệu (TPHCM), hay phường 2 quận 10 TPHCM lại chưa thật ấn tượng. Chính xác, giàu thông tin nhưng việc sử dụng đèn chớp hơi nhiều đã làm giảm đi phần nào tính biểu cảm của nhân vật.

Trong hai tác giả, vẫn phải nói thêm về nhà nhiếp ảnh Quang Phùng không chỉ vì số ảnh ông chiếm phần lớn trong triển lãm mà vì chất lượng những bức ảnh, và cả vì lao động quên mình của ông.
33 bức ảnh trong triển lãm lần này của ông được lựa từ trên 300 ảnh chụp ma tuý trong 2 năm. Là những cái nhìn trực diện mô tả được nỗi đau khổ và bi kịch đến tận cùng (cái chết) của những con nghiện. "Tôi chụp không nhiều phim, vì mỗi lần giơ máy lên là một lần nguy hiểm, phải tính toán hết sức cẩn thận. Như một xạ thủ đã bắn là phải trúng đích".

Tuỳ từng trường hợp mà Quang Phùng lựa ống kính thích hợp, lắm lúc ông đi ngang qua mặt đối tượng chụp mà họ không hề hay biết. Bởi lẽ ông có sự nhẫn nại và trầm tĩnh đến ngạc nhiên - bản lĩnh mà ông được rèn luyện từ những năm 1954 khi phải chụp ảnh trong lòng địch. "Tôi sẵn sàng bám đến kỳ cùng một đối tượng dù đó là một cậu bé con hay một cô gái trẻ. Tôi nghĩ chống tệ nạn ma tuý là một cuộc đấu tranh cực kỳ dai dẳng và quyết liệt".

Nhận thức vấn đề - thu thập thông tin và hành động - đó là kế hoạch của ông. Sau hai năm chụp ma tuý, Quang Phùng bảo rằng ông đã mệt mỏi và không muốn đi sâu vào nỗi khổ của những con nghiện nữa mà sẽ đến các trại để mô tả con đường hoàn lương của họ.

Những bức ảnh của Quang Phùng trong triển lãm vừa mang tính báo chí vừa mang tính biểu tượng. Ví như bức ảnh chụp sau trận mưa ven hồ Thiền Quang, bát hương nổi lên, chiếc kim tiêm đẫm máu, những cánh hoa rơi và một con chuồn chuồn đậu khẽ. Lao vào ma tuý là khuynh gia bại sản, là đánh mất tổ tiên và thần chết thì luôn rình rập.

Hai nhà nhiếp ảnh Quang Phùng và Phùng Triệu đã cùng tạo nên một phòng triển lãm có hiệu quả xã hội rõ rệt.