"Giữa đầu và chân, đừng có "dài lưng" quá"
Các Website khác - 19/06/2004

Một gia đình nghèo ở đô thị
TTCN - Bên lề Festival Huế, trước thềm hội nghị giữa kỳ các nhà tài trợ cho VN, đại sứ Pháp tại VN Antoine Pouillieute đã dành cho TTCN một cuộc tiếp xúc thẳng thắn:

* Đâu là vấn nạn phát triển của VN, theo đại sứ?

- Ngày kia, tôi sẽ đi Vinh, nơi các nhà tài trợ cho VN nhóm họp. Ở đó, tôi sẽ một lần nữa nhắc lại rằng một trong những thế mạnh của VN là sự ổn định chính trị, kinh tế, xã hội. Thế nhưng, nhân đây tôi cũng muốn nói rằng: duy trì được sự ổn định đó là một thách thức đối với VN trong giai đoạn mà VN đang có những bước tiến ngoạn mục.

Thế nhưng, cũng cần phải thấy rằng các tiến bộ đó đang tạo ra những bất công: có những nhà giàu mới và cũng có những người nghèo cũ triền miên. Tôi nghĩ rằng giữ vững ổn định đối với một nước như VN chính là giữ vững sự gắn bó trong xã hội giữa những ai đang thụ hưởng từ những tiến bộ đó và những ai cần phải được thụ hưởng tiến bộ nhiều hơn.

Y tế và giáo dục ở cơ sở là những thành quả ngoạn mục từng tạo uy tín cho VN. Đừng bao giờ để cho những lợi ích phục vụ đại chúng đó sụp đổ. Tại các thành phố lớn, người ta nhìn thấy rất rõ những dấu chỉ tiến bộ. Thế nhưng, khi những dấu chỉ đó trở nên kênh kiệu, quá đáng hãy coi chừng, ví dụ như giá đất ở các thành phố lớn. Liệu đó là giá đất thật hay có sự đầu cơ ở đó? Số xe hơi sang trọng, hành vi tiêu thụ của một số người... Phải cẩn thận chú ý. Bởi lẽ, tiến bộ phải đem đến của cải, hạnh phúc và cả công bằng nữa. Cũng như trên một cơ thể, giữa đầu và chân, đừng có “dài lưng” quá.

* Tuần trước, phó tổng thống Iran, một nước sản xuất dầu hỏa, đến VN, chắc không chỉ dự hội nghị du lịch và festival.Với tình hình giá dầu trên thế giới tăng vọt như hiện nay, phía Pháp có ý định hợp tác gì với VN trong lĩnh vực năng lượng?

- Về dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, hiện đang có những thảo luận nhằm dẫn đến việc Pháp hiến thầu kiến trúc tổng quát của nhà máy - điều đã không thực hiện được với các đối tác khác trước kia. Một tập đoàn lớn của Pháp, Tập đoàn Technip, được kêu gọi tham gia một số khâu. Công tác này rất phức tạp. Tôi phải nói rằng làm tiếp một công việc dang dở của người khác thì khó hơn là bắt đầu từ đầu. Theo tôi được biết, mọi việc sẽ đi đến khâu chung qui vào mùa hè này cho kịp chuyến viếng thăm VN của tổng thống Cộng hòa Pháp. Mong là như thế.
Quả thật là giá dầu tăng lên hơn 40 USD/thùng, điều này từ rất lâu chưa thấy. Giá cả đó gây thiệt hại cho VN. Tôi nghĩ rằng trong hoàn cảnh của VN, cần phải đặt ra hai câu hỏi:

1/ VN có tài nguyên dầu khí. Thế nhưng, VN chỉ xuất khẩu dầu thô để rồi đi nhập khẩu dầu tinh lọc. Giá dầu tăng, nhưng phần giá trị thặng dư của dầu hỏa lại không nằm trong tay VN. Thế cho nên, phải khẩn cấp tạo ra phần giá trị thặng dư tại đây, tức nhà máy lọc dầu, để từ đó vừa đảm bảo được an ninh năng lượng vừa hưởng được các giá trị thặng dư, không chỉ trong lĩnh vực năng lượng mà còn trong các lĩnh vực khác.

2/ Nếu nền kinh tế VN tiếp tục tăng trưởng - nhất định là như thế rồi - nhu cầu tiêu thụ năng lượng sẽ tăng, các nguồn năng lượng thông thường như dầu hỏa, thủy điện, than đá... sẽ thiếu hoặc quá đắt. Nhất định phải hướng đến độc lập năng lượng, không thể quá tùy thuộc vào nguồn năng lượng từ các nước khác. Cách đây vài tuần, VN đã tổ chức một triển lãm rất thú vị về năng lượng hạt nhân. Một số nước lớn nắm kỹ thuật hạt nhân, trong đó có Pháp, đã tham gia triển lãm này.

Đặc điểm của Pháp là về mặt kỹ thuật hạt nhân, nước Pháp có trình độ ngang bằng các nước này. Thế nhưng Pháp có kinh nghiệm nhiều hơn về vấn đề an toàn hạt nhân. Khi nói đến năng lượng hạt nhân, phải nói đến đảm bảo an toàn. Pháp cũng là nước công nghiệp phát triển duy nhất mà 70% năng lượng tiêu thụ đến từ năng lượng hạt nhân.

Thành ra, khi nói về sự độc lập năng lượng, không thể nói khơi khơi được, mà phải nói về những gì đang kinh qua trong cuộc sống, những gì đã thực hiện. Nếu Pháp không có năng lượng hạt nhân (đến mức 70%) thì chúng tôi đã không thể có được sự cân bằng năng lượng và giờ đây chúng tôi “lãnh đủ” gánh nặng tăng giá dầu này. Đó là một chọn lựa khó khăn mà giờ đây VN phải suy nghĩ và quyết định. Tôi rất ấn tượng trước chất lượng công việc chuẩn bị mà VN đã làm được về vấn đề này và Pháp luôn sẵn sàng bàn bạc với VN. Chúng tôi không bàn chung chung, trừu tượng mà về những gì chúng tôi đã, đang và sẽ còn làm trong lĩnh vực này, đem lại lợi ích như thế nào cho nền kinh tế của chúng tôi và mức sống của dân chúng.

* Giá cả thuốc men cũng đang “sốt” tại VN. Các viện bào chế Pháp cũng có mặt trên thị trường VN...

- Tôi hiểu rằng dược phẩm của Pháp sản xuất rất đắt tại đây do đó phải nhập cảng. Do giá thuốc “nhãn hiệu gốc” đắt nên buộc phải sử dụng thuốc “sao”. Đến đây nảy sinh ra mâu thuẫn: chất lượng tốt thì đắt, nếu rẻ thì chất lượng không cao. Ở một số nước, người ta chuyển qua sản xuất và sử dụng các thuốc “sao” từ công thức gốc đã hết hạn bản quyền đối với các phân tử hóa học đặc hiệu đó. Một vài nước đang phát triển vào hàng khổng lồ như Trung Quốc, Brazil, Ân Độ thật sự có khả năng sản xuất trong lĩnh vực hóa học, dược học, khoa học để tự sản xuất ra các phân tử hóa học đó (tức nguyên liệu cho mình).

VN chưa có công nghiệp sản xuất nguyên liệu, cho nên vấn đề khác hẳn và nghiêm trọng hơn. VN cần suy nghĩ đến việc xây dựng một khả năng sản xuất (nguyên liệu) qui mô quốc gia để bớt tùy thuộc vào nhập khẩu, để đảm bảo nhu cầu điều trị, và để có thể tiếp cận các thành tựu lớn nhất của viện bào chế quốc tế để có thể đàm phán được với các viện bào chế này. Tình hình hiện tại không sáng sủa lắm. Cần phải phân tích vấn đề một cách toàn diện. Nếu chỉ bảo rằng các viện bào chế quốc tế ăn lời quá đáng thì đó chỉ là một luận cứ hoàn toàn không đầy đủ về mặt lý luận. Phải phân tích toàn bộ vấn đề.

Một vấn đề khác: vấn đề thuốc trị liệu AIDS bằng ba loại thuốc khác nhau cùng lúc. VN gặp khó khăn hơn một số nước châu Phi. Do lẽ VN không như các nước kia, đã chậm thừa nhận rằng AIDS là một vấn đề quốc gia, đã có lúc xem đó như một điêu gì xấu hổ; trong khi AIDS là một đại dịch toàn cầu, để có thể có những chính sách cần thiết. Từ đó, thiếu thuốc điều trị. Phải tiến đến một khả năng tối thiểu là sản xuất thuốc điều trị ở qui mô quốc gia để có thể vừa điều trị AIDS vừa điều trị một số bệnh khác.

Như tôi đã nói, nếu muốn có thuốc chât lượng thì không có đủ tiền; nếu muốn ít tiền thì kém chất lượng. Cả hai thái cực đó đều xấu cả. Vấn đề là phải tìm đến cái trung dung, phải dứt khoát, rõ rệt hơn. Phải tiến đến một nền sản xuất thật sự.

Chú thích: hiện đã có những cố gắng đạt tiêu chuẩn GMP trong lĩnh vực sản xuất thuốc, tức sản xuất thuốc đúng tiêu chuẩn; song chưa có một tập hợp sức mạnh hóa học, dược học… để có thể tiến đến sản xuất nguyên liệu như ở các nước Ân Độ, Brazil, Trung Quốc... vốn đang thừa hưởng quyết định của WHO cho phép các nước này sản xuất thuốc điều trị AIDS từ công thức gốc do các viện bào chế quốc tế nhượng quyền sản xuất với giá rẻ. Mặt khác, thuốc điều trị AIDS không chỉ gồm ba dòng thuốc chống virus, mà còn bao gồm cả thuốc điều trị những bệnh kèm theo AIDS, như các bệnh đường hô hấp, đường tiêu hóa... tức hầu hết những thuốc trong danh mục “thuốc cơ bản” của WHO. Nếu được hưởng qui chế sản xuất sao chép thuốc điều trị AIDS, điều đó cũng còn có nghĩa là được sản xuất thuốc điều trị tương đối còn mới, với giá bản quyền rẻ, không cần phải đợi cả chục năm cho đến khi hết hạn bản quyền.

DANH ĐỨC thực hiện