![]() |
Tham gia các hoạt động văn hoá tập thể giúp thanh niên dân tộc có lối sống lành mạnh. Ảnh: Trần Huấn |
(VH)- Đó là nội dung được trao đổi nhiều nhất tại hội thảo “Thanh niên dân tộc thiểu số với công tác phòng, chống HIV/AIDS”, do Vụ Tuyên truyền (Ủy ban Dân tộc) phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình tổ chức ngày 24.10, tại Hòa Bình.
Theo đánh giá của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tình hình dịch HIV đang có chiều hướng gia tăng nhanh trong nhóm đồng bào dân tộc thiểu số tại các tỉnh miền núi, vùng cao. Trong đó, số lượng thanh niên dân tộc nhiễm HIV đang ở con số đáng báo động. Thực tế, tình trạng nghiện, chích ma túy tại các vùng sâu, vùng xa đang có nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS là không nhỏ. Hiện nay, kiến thức phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế. Khu vực miền núi vốn có địa hình phức tạp, mạng lưới y tế cơ sở yếu kém, gây khó khăn trong việc triển khai các chương trình phòng, chống. Bên cạnh đó, công tác truyền thông ở các khu vực vùng sâu, vùng xa còn yếu, trình độ dân trí thấp, làm giảm sự hiểu biết về các thông điệp HIV. Theo thống kê, có khoảng 84,7% thanh niên dân tộc thiểu số có nghe nói về bệnh HIV/AIDS, nhưng tính chất nguy hiểm và cách thức phòng tránh bệnh thì rất ít người hiểu biết. Hơn nữa, tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV tại các vùng dân tộc thiểu số còn cao, có tới 33,5% thanh niên dân tộc ít người phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Tại một số khu vực miền núi, vùng cao, việc quan hệ tình dục trước hôn nhân ngày càng tăng, hành vi sử dụng bao cao su rất thấp, nguy cơ lây nhiễm HIV rất lớn...
Các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, việc tăng cường truyền thông qua mạng lưới giáo dục đồng đẳng, cộng tác viên, y tế thôn bản là hết sức cần thiết. Nhất là cần tăng tỷ lệ tư vấn viên là người dân tộc, có thể hiểu phong tục tập quán, những điều kiêng kị của các dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, cần triển khai xây dựng các mô hình tư vấn xét nghiệm tự nguyện cho vùng đồng bào dân tộc, thiết lập các kênh phân phát bơm kim tiêm và bao cao su phù hợp. Đồng thời, việc triển khai các dự án đào tạo nghề và tạo việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số cần được đẩy mạnh hơn nữa, khi thanh niên có việc làm ngay tại địa phương sẽ hạn chế tình trạng ly hương, giảm nguy cơ mắc các tệ nạn xã hội và lây nhiễm HIV/AIDS.
Tại hội thảo, các Bí thư Đoàn của các xã, thị trấn thuộc huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình cũng đã được nghe đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS cung cấp thông tin về nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS đối với thanh niên dân tộc thiểu số và miền núi, cách thức phòng tránh lây nhiễm HIV và giải đáp một số tình huống vướng mắc trong quá trình truyền thông ở cơ sở. Sùng A Bô - Bí thư xã Pà Cò chia sẻ: “Trong xã chưa có người bị nhiễm HIV, nhưng Đoàn Thanh niên xã luôn phối hợp với y tế xã tổ chức các đợt truyền thông cho thanh thiếu niên và bà con trong xã. Đi hội thảo thế này, biết thêm kiến thức phòng, chống HIV/AIDS, khi về xã, mình sẽ nói lại để thanh niên và bà con Pà Cò tránh xa đại dịch này”.
Quách Nga - http://www.baovanhoa.vn/
▪ Bà chủ 8x “khóc, cười” cùng Sexshop (28/10/2008)
▪ Sinh viên nói về sống thử, tình dục và nạo phá thai (21/10/2008)
▪ Những tay kéo nói “chuyện thầm kín” (20/10/2008)
▪ Quý "bao cao su" (14/10/2008)
▪ Thông báo về việc tổ chức cuộc thi : Sáng Tác biểu trưng phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam (09/10/2008)
▪ TP. Hồ Chí Minh : Nhiều mô hình phòng chống HIV/AIDS hiệu quả (07/10/2008)
▪ Sân chơi mới cho phái mạnh (29/09/2008)
▪ Thi sáng tác sản phẩm truyền thông về HIV/AIDS (26/09/2008)
▪ Nâng cao nhận thức về HIV/AIDS trong cộng đồng (22/09/2008)
▪ Nhảy múa vì cuộc sống (20/09/2008)