Sinh viên nói về sống thử, tình dục và nạo phá thai
Các Website khác - 21/10/2008

Tại hội thảo “Sinh viên với kiến thức, kỹ năng sống về sức khoẻ sinh sản”, các đại diện đến từ 4 trường đại học cho rằng, nhiều bạn trẻ hiện còn “lơ mơ” về quan hệ tình dục, giới tính nên dẫn đến những hậu quả đáng tiệc.

Các bạn sinh viên tại hội thảo.
Thay đổi cách nhìn

Chiều 19/10, tại Đại học Y Hà Nội, rất đông các bạn sinh viên đến từ 4 trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Đại học Y, Đại học Vinh, Đại học Hàng Hải Việt Nam đã có cuộc trao đổi cởi mở quanh thực trạng sống thử, quan hệ tình dục trước hôn nhân, nạo phá thai không an toàn…

Trong báo cáo đề dẫn tại hội thảo do T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam, Bộ Y tế, Tổng cục Dân số Kế hoạch hoá Gia đình tổ chức, Phan Khánh Hoà, sinh viên Đại học Y Hà Nội đưa ra số liệu: Trước câu hỏi “bạn có muốn sống thử?”, 70,29% bạn nam được hỏi trả lời “có”. Hơn 61% bạn nữ cùng quan điểm muốn sống thử trước hôn nhân.

Hoà cũng chia sẻ tư liệu sưu tầm được: khoảng 15% bạn trẻ ở Hà Nội cho biết đã quan hệ tình dục trước hôn nhân. Con số này ở TP Hồ Chí Minh là 25%.

Và như một hệ quả tất yếu, thiếu kiến thức về giới tính, cũng như không có kỹ năng, hiểu biết về quan hệ tình dục an toàn, nhiều bạn trẻ đã phải lén lút đi “giải quyết”.

Điều đó một phần giải thích tại sao “Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, với 45,1 ca phá thai/100 trẻ sơ sinh sống” - Phan Khánh Hoà nói thêm.

Đề cập đến nguyên nhân của sống thử, quan hệ tình dục trước hôn nhân, nạo phá thai không an toàn, Nguyễn Thị Thu Hường, sinh viên Đại học Sư phạm Thái Nguyên cho rằng, quan điểm sống của giới trẻ ngày nay thoáng hơn trước, nên cũng “dễ cho, dễ nhận” hơn.

Hường kể lại câu chuyện một nữ sinh “thay người yêu như thay áo” và với anh chàng nào cũng “dâng hiến”. Thậm chí, có lần hết tiền, nữ sinh này nhờ cô bạn thân bắn tiếng đến người yêu, giả vờ báo có thai để lấy tiền chàng đưa, tiêu sài.

“Không ít bạn gái bị người yêu dụ dỗ theo kiểu: Em không yêu anh thật lòng nên mới không “chiều”, đằng nào chúng mình lấy nhau chẳng làm chuyện ấy… Sợ bị người yêu phật lòng, lại trong điều kiện đầu gối, tay ấp nên nhiều bạn gái đã gật đầu” – Hường nói.

Còn Ngô Xuân Trường, sinh viên Đại học Y Hà Nội lại đề cập đến thực trạng một bộ phận sống buông thả, ham hưởng thụ. “Nhiều nữ sinh chỉ vì “kẹt net” mà sẵn sàng qua đêm với người xa lạ bỏ ra vài chục nghìn trả tiền cho mình”…

Theo Thảo Lan, sinh viên Đại học Vinh, đã đến lúc cần thay đổi cách nhìn nhận và tiếp cận vấn đề này trong quá trình tuyên truyền sức khoẻ giới tính cho giới trẻ. Thay vì “nói không với quan hệ tình dục”, hãy giúp các bạn trẻ có kiến thức, hiểu biết để quan hệ tình dục an toàn.

“Cũng chính vì người lớn hay né tránh vấn đề tế nhị này mà đôi khi con cái không dám tâm sự, hỏi bố mẹ. Vì thế, các bạn trẻ tự học tập lẫn nhau và dễ lầm đường lạc lối” - Lan nêu quan điểm.

Tự cứu mình

Mình không tự cứu mình thì không ai có thể cứu được mình, điều quan trọng là phải có bản lĩnh

Nguyễn Văn Hải

“Mình không tự cứu mình thì không ai có thể cứu được mình, điều quan trọng là phải có bản lĩnh” - Nguyễn Văn Hải, sinh viên năm thứ 3, Đại học Y Hà Nội bày tỏ.

Trao đổi với các bạn cùng nhóm “quan hệ tình dục trước hôn nhân”, Hải và các “đồng nghiệp” cho rằng, bạn trẻ thường không lường hết hậu quả của sống thử, quan hệ tình dục bừa bãi, nạo phá thai không an toàn như: mang thai ngoài ý muốn, tự tử vì tình, lây các bệnh qua đường quan hệ tình dục, trong đó có HIV/AIDS.

Đồng quan điểm trên, Phạm Thị Hồng, sinh viên Đại học Sư phạm Thái Nguyên cho hay, cách hiệu quả nhất là tuyên truyền để từng bạn trẻ nắm được kiến thức về sức khoẻ vị thành niên. Điều đó cũng đồng nghĩa cho các bạn “cần câu” tự bảo vệ mình.

Để thực hiện tốt việc này, Thảo Lan góp ý, mỗi trường học nên có một người chuyên sâu về lĩnh vực giáo dục giới tính, sinh sản, sẵn sàng lắng nghe và trao đổi thẳng thắn với các bạn trẻ về những vấn đề tế nhị nhất.

Sau khi lắng nghe quan điểm của các bạn trẻ, ông Nguyễn Quang Trường - Vụ trưởng Vụ Dân số - Tổng cục Dân số Kế hoạch hoá Gia đình cho rằng, quan hệ tình dục không phải xấu nhưng phải đúng cách, an toàn và có trách nhiệm với bản thân và “đối tác”. Đó là cách giúp bạn trẻ tự bảo vệ mình trước nguy cơ bệnh tật.

Ở lứa tuổi vị thành niên, khi các em chưa có nhận thức đầy đủ và đúng đắn về sức khoẻ sinh sản, tốt nhất là không nên quan hệ tình dục.

Nếu quan hệ tình dục bừa bãi, không sử dụng bao cao su, sẽ dẫn đến mang thai ngoài ý muốn. Nghiêm trọng hơn, có thể bị mắc các bệnh như: HIV/AIDS, lậu, giang mai, nhiễm nấm, mụn rộp sinh dục, viêm âm hộ - âm đạo, viêm qui đầu…

Trong trường hợp các bạn nữ có thai ngoài ý muốn, lén lút đi phá ở những cơ sở không đảm bảo chất lượng, có thể ảnh hưởng đến tính mạnh. Nếu phá thai nhiêu lần, sau này dễ bị vô sinh và viêm nhiễm bộ phận sinh dục…  

Ông Ngô Khang Cường - Vụ trưởng Vụ truyền thông - Tổng cục Dân số Kế hoạch hoá Gia đình cho rằng, quan hệ sinh dục ở sinh viên là bình thường nhưng phải hiểu biết và có biện pháp an toàn. Tốt nhất là nên dùng bao cao su để tránh có thai ngoài ý muốn và lây các bệnh qua đường tình dục.

Hiện nay, kỹ năng sống của sinh viên chưa cao. Ông Cường lấy một ví dụ đơn giản, nhiều bạn nữ không biết cách “hạ hoả” ham muốn của người yêu trong những trường hợp bị đòi hỏi, thế là “lửa bén rơm” và hậu quả sau đó là khó tránh khỏi.

Xuân Mai